Print Thứ Năm, 14/05/2020 19:52 Gốc

Nhằm đánh giá tình hình tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về Bộ đội biên phòng, những kết quả đạt được cũng như nguyên nhân của một số khó khăn, hạn chế để hoàn thiện chính sách pháp luật về lĩnh vực này. Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng vừa phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng tổ chức tiếp xúc cử tri tại các địa phương có biển, gồm các huyện Cát Hải, Tiên Lãng và quận Đồ Sơn để nghe ý kiến góp ý của cử tri đối với việc xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam, tổng hợp trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14, dự kiến khai mạc vào ngày 20/5 tới.

Sớm ban hành Luật Biên phòng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề, các đại biểu đều đánh giá Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam phù hợp với tình hình, thực tiễn hiện nay, đồng thời đã thể chế hóa được đầy đủ mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc chiến lược bảo vệ biên giới Quốc gia, thể hiện toàn diện, đầy nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng, chính sách Nhà nước và nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới. Với những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm các đại biểu thống nhất  sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam để nâng cao hiệu quả xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân…

Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Dự án Luật Biên phòng tại huyện Cát Hải.

Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa Phó Bí thư Thường trực Thành ủy – Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng khẳng định việc nâng cấp, ban hành Luật Biên phòng Việt Nam thay thế Pháp lệnh Biên phòng sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế đối với lực lượng biên phòng trong thực thi nhiệm vụ hiện nay. Từ những thực tiễn sinh động trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ vững an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển, cửa khẩu Cảng trên địa bàn Hải Phòng, mà lực lượng BĐBP giữ vai trò nòng cốt. Để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn này, Luật Biên phòng Việt Nam cần sớm được thông qua góp phần phục vụ cho chiến lược an ninh quốc phòng và bảo vệ biên giới trong tình hình mới.

Theo Đại tá Đoàn Văn Rỹ Thành ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Hải Phòng, Luật Biên phòng Việt Nam chính là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện chủ quyền biên giới quốc gia, đó không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng Bộ đội Biên phòng mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị Việt Nam đối với vấn đề đảm bảo sự vững mạnh của quốc gia dân tộc đảm bảo biên giới quốc gia. Thời gian qua, BĐBP Hải Phòng luôn nắm chắc tình hình, bám sát địa bàn quản lý, chủ động ngăn chặn, trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới biển đảo và cửa khẩu Cảng…Song, hiện nay một số quy định về chức năng, nhiệm vụ của BĐBP chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật, chưa tạo hành lang pháp lý để BĐBP xây dựng, quản lý và bảo vệ khu vực biên giới biển và hải đảo trong tình hình mới. Vì vậy rất cần có những quy định cụ thể phân định rõ vai trò, chức năng và nhiệm vụ của BĐBP với các lực lượng khác như là: Công an, Hải quan, Cảnh sát biển…

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đồ Sơn tuần tra bảo đảm an ninh trật tự.

Phải khẳng định vai trò, trọng trách của BĐBP trong bảo vệ biên cương Tổ quốc

Đánh giá về nhiệm vụ biên phòng tại Điều 5 dự thảo Luật, theo ông Nguyễn Văn Kiêu – Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cát Hải, nội dung nhiệm vụ của Biên phòng trong dự thảo Luật là rất đầy đủ, chặt chẽ, quy định cụ thể về nhiệm vụ biên phòng, nguyên tắc và trách nhiệm của chủ thể trong việc thực thi nhiệm vụ biên phòng, có tính thống nhất và đồng bộ cao. Đã Luật hóa được hình thức, biện pháp trong quản lý bảo vệ biên giới; nội dung cụ thể xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân. Nội luật hóa điều ước quốc tế về biên phòng trên các lĩnh vực phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của đảng, nhà nước nhằm tăng cường đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân mở rộng quan hệ hợp tác với các nước có chung đường biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. Bên cạnh đó đã thể hiện rõ vai trò của bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định.

Ông Hoàng Đình Dũng, Chủ tịch Hội Luật gia Quận Đồ Sơn (Hải Phòng) cho rằng, Dự án Luật Biên phòng Việt Nam phải xây dựng lực lượng vững mạnh, chính quy tinh nhuệ và hiện đại, phải thể hiện được sự gánh vác trọng trách bảo vệ biên cương Tổ quốc, bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ. Theo ông Dũng, tại Điều 5 về “Nhiệm vụ biên phòng” căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2014 và Luật Quốc phòng năm 2018 cần nghiên cứu bổ sung thêm nhiệm vụ bảo vệ biên giới vùng trời và không gian mạng, bởi đây là những vấn đề phức tạp mà các thế lực thù địch đang tập trung chống phá và tại Điều 15 về “quyền hạn của Bộ đội biên phòng” cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu các Luật khác liên quan, để tránh sự chồng chéo trong thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới và bổ sung thêm quyền hạn của Bộ đội Biên phòng để đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Trân trọng tiếp thu các ý kiến tham gia vào Dự án Luật Biên phòng Việt Nam của các đại biểu, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, những ý kiến đóng góp của các đại biểu là cơ sở lý luận và thực tiễn sinh động về công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ vững an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng của thành phố. Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến để trình tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Bên cạnh đó, đề nghị các đại biểu tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, định hướng về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam để người dân có thể hiểu đúng, hiểu rõ và tạo sự đồng thuận nhất trí cao trong nhân dân.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ đội biên phòng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác