Tham dự Hội thảo có các đồng chí Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch thành phố; Bùi Đức Quang, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; lãnh đạo các Sở, ngành thành phố; đơn vị tư vấn lập Quy hoạch thành phố; một số chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực Quy hoạch; đại diện các Hội, Hiệp hội, Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các Tổ chức chính trị-xã hội và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, Quy hoạch thành phố là nhiệm vụ quan trọng mà thành phố đặc biệt quan tâm, đây là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý để chính quyền các cấp chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, Chủ tịch yêu cầu các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận thống nhất, đóng góp các ý kiến quan trọng để hoàn thành Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Phát huy lợi thế độc nhất vô nhị về cảng biển của thành phố đối với cả miền Bắc
Trình bày báo cáo tóm tắt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, PGS.TS Bùi Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện Trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chủ nhiệm Dự án lập quy hoạch thành phố cho biết, quan điểm phát triển thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, chủ động nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế độc nhất vô nhị về cảng biển của thành phố đối với cả miền Bắc, trước hết là vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng, xây dựng Hải Phòng thành thành phố Cảng biển lớn, mở cửa ra bên ngoài, phát triển “ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á”.
Triển khai thí điểm xây dựng Khu thương mại tự do Hải Phòng, áp dụng những cơ chế, chính sách mới, đặc thù, vượt trội để phát triển nhanh và hội nhập, làm cơ sở rút kinh nghiệm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế, mở rộng ra các địa phương khác và toàn bộ nền kinh tế.
Về tổ chức không gian lãnh thổ, quy hoạch phân bố không gian phát triển hợp lý, gắn kết chặt chẽ quá trình CNH, HĐH với đô thị hóa, xây dựng “Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước”.
Xây dựng Khu thương mại tự do tại Hải Phòng trên nền tảng dịch vụ hàng hải và logicstics
Về mục tiêu phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, quy hoạch đặt ra các chỉ tiêu: Tỷ trọng đóng góp GRDP của thành phố Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước đến năm 2030 phải đạt từ 10,9 đến 11,9%; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 tăng khoảng 13,5-14,5%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 498-543 triệu đồng (giá hiện hành); kinh tế số chiếm 35% GRDP thành phố; tỷ lệ đô thị hóa đạt 74-76%, phát triển không gian đô thị theo mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”; thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên; hoàn thành việc chuyển đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính quận…
Bên cạnh việc duy trì vị thế cao của lĩnh vực công nghiệp, trong đó đặc biệt là ngành công nghiệp điện tử và cơ khí đã có đà tăng trưởng tốt từ giai đoạn 5 năm vừa qua, quy hoạch hướng Hải Phòng nên tập trung vào hai khâu đột phá, gồm: xây dựng Khu thương mại tự do tại Hải Phòng trên nền tảng dịch vụ hàng hải và logicstics gắn với công nghiệp công nghệ cao trở thành biểu tượng phát triển mới; xây dựng quần thể du lịch biển Hải Phòng (Cát Bà-Lan Hạ-Đồ Sơn), liên kết với các tỉnh vùng Duyên hải Đông Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh.
Hải Phòng phải phát huy giá trị chuỗi đô thị có lịch sử lâu đời
Đối với phương án phát triển hệ thống đô thị, quy hoạch xây dựng Hải Phòng là Đô thị loại I trực thuộc Trung ương, một trọng điểm kinh tế biển của cả nước, Trung tâm Giáo dục, Y tế và Khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại; đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Hải Phòng phải phát huy giá trị chuỗi đô thị có lịch sử lâu đời, độc đáo và có bản sắc, trong giai đoạn 2021-2030 sẽ có 14 đô thị; trong đó, có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 4 đô thị loại IV và 8 đô thị loại V.
Hải Phòng phát triển thêm 6 đô thị mới, bao gồm: Đô thị Quảng Thanh, Lưu Kiếm, Hoà Bình (huyện Thuỷ Nguyên), đô thị Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng), đô thị Tam Cường (huyện Vĩnh Bảo), đô thị Bạch Long Vỹ (huyện Bạch Long Vỹ).
Định hướng phát triển nông thôn theo xu hướng đô thị hoá ở các huyện ngoại thành, nhu cầu chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao.
Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, thời kỳ 2021-2030 Hải Phòng đặt mục tiêu tăng trưởng 13-14%/năm, tức là quy mô kinh tế sẽ tăng khoảng 3,5 lần trong vòng 10 năm, điều này cũng đòi hỏi Hải Phòng phải có những bước đột phá về cơ chế chính sách.
Để góp phần hoàn thiện Quy hoạch Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch, tại Hội thảo các ý kiến tham luận tập trung vào các quan điểm, mục tiêu, giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia; định vị phát triển thành phố Hải Phòng từ tầm nhìn phát triển Quốc gia; kịch bản phát triển thành phố; quan điểm đột phá về phát triển KTXH Hải Phòng trong bối cảnh mới; việc xây dựng Khu thương mại tự do tại Hải Phòng…
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch thành phố đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại Hội thảo. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu, trên cơ sở các ý kiến tham gia, các Sở, ngành, địa phương cần dành nhiều thời gian, công sức, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để hoàn thành dự thảo lần 2 báo cáo cuối kỳ, bảo đảm tiến độ và chất lượng cao nhất. Phấn đấu đến tháng 9/2022, các cơ quan chuyên môn sẽ gửi xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy theo quy chế làm việc; sau đó xin ý kiến các Bộ, các địa phương lân cận và cộng đồng dân cư; tháng 10/2022 trình Hội đồng thẩm định quy hoạch Quốc gia. Dự kiến, tháng 12/2022 trình HĐND thành phố thông qua vào Kỳ họp thường lệ cuối năm và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch, sau khi được HĐND thành phố thông qua.
Minh Hảo. Ảnh: Đàm Thanh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 4/12/2024 thành…
Theo đề xuất của UBND TP Hải Phòng, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ…
Trong phiên họp sáng ngày 04/12, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành…
Dự án xây dựng tuyến đường từ Đường tỉnh 354 huyện Tiên Lãng đến Quốc…
Sáng 4/12, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, HĐND thành phố tổ chức khai…
Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More