Sau hơn 30 năm mở cửa kinh tế, làn sóng đầu tư nước ngoài đã mang theo nhiều công nghệ sản xuất vào Việt Nam, nhưng việc tiếp nhận làm chủ của chúng ta còn khiêm tốn. Nguyên nhân một phần vì sự cạnh tranh của những sản phẩm trá hình, mặc dù chỉ là giải pháp đối phó để khai thác tâm lý người tiêu dùng, nhưng cũng để lại không ít hệ lụy tiêu cực.
Hàng Việt trá hình bị cơ quan chức năng thu giữ tiêu hủy
Hàng ngoại trá hình nguồn gốc
Chỉ tính Hải Phòng, câu chuyện này xảy ra từ rất sớm. Điển hình có thể nhắc tới gần 20 năm trước, khi Hải Phòng được coi là địa phương đi đầu trong việc đưa xe máy Trung Quốc (TQ) vào Việt Nam, có lúc giá xe máy TQ chỉ 5 triệu đồng/chiếc.
Tại sao lại như vậy, khi những nhà nhập khẩu cam đoan cho rằng, mỗi chiếc xe TQ nhập nguyên chiếc không thể dưới 15 triệu đồng tại thời điểm ấy? Tìm hiểu kỹ được biết, để cạnh tranh, một số nhà sản xuất Việt đã đặt các chi tiết lẻ tại TQ, hoàn thiện bằng công nghệ “râu ông cắm vào cằm bà”, tạo thứ xe máy Việt gốc Hoa phi tiêu chuẩn, oanh tạc không thương tiếc thị trường.
Động thái tương tự cũng được áp dụng cho nhiều mặt hàng khác. Ông T – Giám đốc một Cty máy tính khoe rằng, ông từng là người đầu tiên của Hải Phòng “sản xuất” máy tính. Thực chất ông T. chỉ làm động tác đăng ký thương hiệu trong nước, còn toàn bộ thiết bị, kể cả bao bì, tem nhãn in tên Việt đều được đặt từ TQ, nhập khẩu bằng nhiều gói nhỏ lẻ về và lắp ráp lại.
Ở những lĩnh vực khác, điện thoại di động là một ví dụ, chỉ cần tháo dời điện thoại một số “thương hiệu Việt”, có 3 chi tiết chính là thân máy, pin và vỏ, thì cả từng ấy thứ đều ghi rõ “Made in China”. “Công nghệ” tương tự cũng cho ra những sản phẩm khác như nồi cơm điện, bếp gas, quạt điện, quần áo… và cả thực phẩm. Nghĩa là những sản phẩm ngoại được hóa thân qua khâu đăng ký sở hữu thương hiệu và phân phối, là thành hàng Việt?
Hơn chục năm trước tại một nhà máy ô tô của Hải Phòng, người ta cũng nhập khẩu tổng thành từ TQ, thứ được sản xuất tại chỗ chỉ là một phần vỏ chụp bên trên, thêm bản quyền thương hiệu Việt. Nên mới có chuyện ô tô cùng mẫu thiết kế, cùng nơi chế tác, nhưng cánh cửa xe này không thể lắp vừa sang xe khác?
Chưa hết, khi Hải Phòng bùng nổ xe đạp điện, doanh nghiệp này cũng háo hức quảng bá xe điện Việt. Mục sở thị mới thấy đó cũng là những sản phẩm TQ nhập nguyên kiện, được mấy tay thợ lắp bằng mỏ-lết, cờ-lê, tô-vít… và dán tem Việt. Vì giá cao hơn so với hàng Tàu thật, rốt cuộc xe điện “Made in Hải Phòng” chưa kịp khai sinh thì đã bị khai tử.
Liên quan đến hàng Việt trá hình, một doanh nhân đề nghị dấu tên liệt kê: thiếp cưới in phôi sẵn đem từ TQ về, khi có khách đặt chỉ việc thêm thông tin; băng dính nhập nguyên cây kèm máy cắt từ TQ, khách đặt cỡ thế nào chỉ việc cắt theo cỡ ấy; rồi chỉ khâu, phéc-măng-tuya, bút bi… cũng nhập cả khối, san nhỏ và thay bằng chữ Việt.
Đến giống lúa Tàu cũng được “tráng” thành hàng Việt như chuyện xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long, hoặc vụ nho Ninh Thuận dán cờ TQ ở siêu thị là một ví dụ. Chưa kể đến các loại hoa quả khác và cả gà, cá tầm, tôm, cua, ếch… đến sách tham khảo cho học sinh cũng được in tại TQ?
Hàng hóa đột lốt hàng Việt bán trên thị trường
Vì tâm lý bài… ngoại
Giải thích về hiện tượng trên, theo các nhà phân tích thì đó chẳng qua là một chiêu thức tiêu thụ hàng ngoại nhập, cụ thể là hàng TQ, trong bối cảnh nguồn hàng nhập từ nước này quá đa dạng về mẫu mã, tiêu chuẩn, đồng thời cũng do một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có tâm lý “ghét” hàng TQ.
Nhưng khổ nỗi, thu nhập của đại đa số người tiêu dùng còn khiêm tốn, trong khi sản phẩm tương tự nền sản xuất trong nước chưa thể đáp ứng, còn sản phẩm thương hiệu lớn lại cao hơn rất nhiều.
Riêng về sản xuất, ông K – một doanh nhân chia sẻ, Việt Nam vốn là vũng trũng của công nghệ, công nghiệp phụ trợ lại rất yếu, nếu nhập công nghệ, lại thêm nhập cả nguyên phụ liệu và linh kiện, thì hàng của ta đương nhiên không thể cạnh tranh nổi do chi phí giá thành tăng. Điều này trên thực tế đã khiến nhiều nhà sản xuất không chỉ ở Hải Phòng phải ngậm ngùi khi muốn sở hữu những sản phẩm thuần Việt.
Nhìn từ góc độ khác, đến nay vẫn còn điều khiến nhiều người băn khoăn, đó là chưa có một văn bản hoặc công trình nghiên cứu nào chỉ rõ: Đâu là hàng Việt? Theo lẽ thông thường, hàng Việt được hiểu là sản phẩm sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam, nghĩa là bao gồm cả gia công, chuyển giao công nghệ, ly-xăng thương hiệu, liên doanh liên kết, đầu tư 100% vốn nước ngoài…
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, hàng Việt phải là sản phẩm sáng chế, sáng tạo do người Việt tự nghiên cứu phát triển, sử dụng nguyên liệu Việt, sản xuất trên dây chuyền công nghệ Việt, tóm lại là sản phẩm thuần tuý của Việt Nam?
Thực tế trong nền kinh tế hội nhập, hoạt động của các hãng sản xuất lớn trên cơ sở đa quốc gia, vì vậy sản phẩm đều được cấu thành bởi những chi tiết không phải của riêng nhà sản xuất sở hữu thương hiệu. Việc phân công sản xuất sẽ phát huy ưu thế vượt trội về công nghệ và nhân công, mặt khác sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp phụ trợ để khai thác vai trò chuyên môn hóa, tiết kiệm vốn đầu tư và giản tiện chi phí.
Vấn đề đặt ra là công tác quản lý tiêu chuẩn cũng như trách nhiệm của nhà sở hữu thương hiệu đối với cả người tiêu dùng và Nhà nước, trên thực tế điều này còn bất cập.
Tình trạng phổ biến hiện nay là hàng kém chất lượng theo kiểu đăng ký một đằng làm một nẻo, hàng lậu và hàng nhái chưa được kiểm soát hiệu quả, các dạng hình dịch vụ phát triển tràn lan trong cơ chế quản lý thiếu đồng bộ.
Mô hình “đội lốt thương hiệu Việt” không đem lại nhiều lợi ích về ngân sách và thu nhập nhân công, nó không những làm chảy máu tài chính vì gian lận “giúp” hàng nhập khẩu, mà nó còn bóp nghẹt sản xuất nội địa.
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng nhắc nhiều đến việc xây dựng một nền sản xuất tránh phụ thuộc, nhưng nếu tiếp tục để hàng trá hình làm mưa làm gió, thì câu chuyện này còn rất nan giải?
Lê Minh Thắng