Năm 2018, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thành phố hỗ trợ 366 hội viên phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Các mô hình của hội viên phụ nữ phát huy hiệu quả cao, nhiều chị em vươn lên làm chủ kinh tế gia đình, khẳng định vị thế trong xã hội
Hiệu quả bước đầu
Trên thực tế, nhiều hội viên phụ nữ muốn làm kinh tế nhưng bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố: hoàn cảnh gia đình khó khăn, đang nuôi con nhỏ, tuổi cao, sức khỏe kém,… là rào cản khiến chị em khó tiếp cận với các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh hiện có. Do đó, các cấp Hội phụ nữ cần nghiên cứu, tìm tòi những mô hình, cách làm mới phù hợp nhu cầu, đáp ứng nguyện vọng của hội viên.
Phó chủ tịch Hội LHPN thành phố Vũ Thị Kim Liên khẳng định: “2 năm qua, phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ thành phố Cảng sôi nổi, đi vào chiều sâu, chất lượng. Hội LHPN thành phố là cầu nối, hỗ trợ chị em bằng các hoạt động thiết thực: hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục đăng ký kinh doanh; phát triển mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã; mở rộng chuỗi cửa hàng bách hóa tổng hợp; tạo điều kiện giúp chị em tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nguồn vốn tiết kiệm… Hiệu quả thể hiện rõ nét, nhiều hội viên phụ nữ vươn lên làm chủ doanh nghiệp nhỏ, xưởng sản xuất, tạo việc làm cho nhiều chị em trên địa bàn. Tuy nhiên, các mô hình mới phù hợp với một số hội viên, vì vậy, Hội LHPN thành phố chú trọng mở rộng các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh hướng đến mọi chị em đều có thể tiếp cận và tham gia”.
Tháng 1-2019, Hội LHPN thành phố khởi động chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với mô hình mới là quầy hàng “Phụ nữ tin dùng”. Đây là chương trình Hội LHPN thành phố ký kết với Công ty cổ phần Đầu tư và Bán lẻ BT. Trên tinh thần hợp tác, công ty nghiên cứu những mặt hàng tiêu dùng chất lượng cao, sản xuất tại Việt Nam, đóng gói theo thương hiệu riêng cho Hội LHPN như: nước giặt, bột giặt, nước xả vải, nước rửa chén, nước rửa tay, bình xịt kính… và các sản phẩm tiêu dùng khác do Hội LHPN đề xuất hoặc theo thị hiếu người tiêu dùng. Sau đó, chị em có nhu cầu tham gia được cung cấp quầy bán hàng lưu động, được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi. Chị Chu Hồng Nhâm, hội viên phụ nữ thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão) cho biết: “ Khi biết đến mô hình quầy hàng “Phụ nữ tin dùng”, tôi tìm hiểu thông tin về mô hình và thấy rất phù hợp. Tôi có 2 con nhỏ, không thể làm các công việc gò bó thời gian, nên tôi quyết định tham gia mô hình này. Bà Đỗ Thị Hải Lý, hội viên phụ nữ thị trấn An Lão (huyện An Lão) cho biết: “Tôi ngoài 50 tuổi, mặc dù sức khỏe tốt nhưng khó kiếm việc làm khác nên quyết định tham gia mô hình. Sau hơn 1 tháng bán hàng, tôi thu nhập hơn 3 triệu đồng”.
Sau hơn 1 tháng triển khai mô hình tại 17/17 xã, thị trấn của huyện An Lão, quầy hàng “Phụ nữ tin dùng” nhận được phản hồi tích cực của hội viên tham gia. Thời gian tới, Hội LHPN thành phố mở rộng triển khai mô hình quầy hàng “Phụ nữ tin dùng” tại các quận: Lê Chân, Kiến An và huyện Thủy Nguyên… Tham gia mô hình khởi nghiệp kinh doanh này, chị em được tiếp cận kiến thức, kỹ năng về kinh doanh, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm… phục vụ bán hàng.
Rà soát, xây dựng mô hình khởi nghiệp phù hợp
Hiện nay, nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên phụ nữ trên địa bàn thành phố rất lớn. Hội LHPN thành phố tiến hành khảo sát nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên phụ nữ khu vực thành thị và nông thôn ở các nhóm: phụ nữ có việc làm, chưa có việc làm, phụ nữ buôn bán nhỏ. Từ đó, xác định được nhóm phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp phần lớn trong độ tuổi từ 25 – 40 tuổi. Đối với phụ nữ ở thành thị, nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tập trung ở các lĩnh vực: dịch vụ nhà hàng, ăn uống, giải khát, thời trang quần áo, làm đẹp… Với phụ nữ ở khu vực nông thôn chủ yếu tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ…
Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Vũ Thị Kim Liên cho biết: “Khó khăn của phụ nữ khi có nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thường gặp là thiếu vốn, kiến thức, kỹ năng chuẩn bị thực hiện ý tưởng và quản lý sản xuất. Trên cơ sở kết quả khảo sát, Hội LHPN thành phố hỗ trợ hội viên bằng nhiều hình thức như: xây dựng ý tưởng, kế hoạch kinh doanh; giới thiệu tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về khởi sự kinh doanh, quản lý tài chính; phối hợp tư vấn, hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tiếp cận tín dụng… Dựa vào khả năng của hội viên, tình hình thực tế, xu hướng phát triển của địa phương, Hội LHPN thành phố chỉ đạo các đơn vị rà soát, xây dựng mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh sáng tạo hướng vào từng trường hợp cụ thể, không mang tính phong trào, bề nổi, tập trung nâng cao hiệu quả thực chất cho phụ nữ khởi nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, các cấp hội tranh thủ tìm kiếm nguồn lực, vận động hỗ trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp, kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, giúp chị em yên tâm khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, xây dựng các “Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế” bằng nhiều hình thức.
Hoàng Mai – Báo Hải Phòng
Chiều 26/11, Công an huyện Vĩnh Bảo thông tin, sáng 26/11, khách hàng Nguyễn Quốc…
Thuộc khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia - Techfest Việt Nam…
Sáng 26/11, UBND quận Ngô Quyền tổ chức Hội nghị trao Quyết định giao đất…
Thuộc khuôn khổ Techfest Việt Nam 2024, sáng 26-11, tại khách sạn Pullman, Hiệp hội…
Thuộc chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2024, sáng 26-11, tại…
Sở Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông báo 780/TB-SGTVT về việc phân luồng…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More