Print Thứ Ba, 23/03/2021 17:30 Gốc

Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng, hiện nay, 100% các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) có sản phẩm được công nhận đạt tiêu chí của chương trình “Mỗi xã (phường) một sản phẩm” (OCOP). Các doanh nghiệp, HTX có sản phẩm đăng ký xếp hạng OCOP đều trong tình trạng thiếu vốn để phát triển sản xuất. Khơi nguồn vốn để các doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP là vấn đề quan tâm của nhiều ngành.

Doanh nghiệp, HTX khát vốn

HTX nông nghiệp Thụy Hương (huyện Kiến Thụy) là đơn vị được thành lập theo Luật HTX năm 2012. Gần đây, HTX không ngừng vươn ra phát triển đa dạng các dịch vụ nông nghiệp. Phổ biến nhất là dịch vụ làm mạ khay, cấy máy. Bên cạnh đó, HTX còn liên kết với bà con nông dân gom các vùng ruộng bỏ hoang để quy vùng sản xuất tập trung. Cụ thể, thời gian qua, HTX gom 30 ha ruộng bỏ hoang để sản xuất lúa chất lượng. Một số khu ruộng trũng được kết hợp cấy lúa và nuôi rươi. Hiện, HTX có sản phẩm gạo ruộng rươi được công nhận sản phẩm OCOP. Để phát triển HTX, thời gian qua. HTX chủ yếu dựa vào vốn góp của các thành viên. Tuy nhiên, nguồn vốn này rất hạn chế. Hiện, HTX muốn mở rộng dịch vụ làm mạ khay, máy cấy; mở rộng diện tích sản xuất gạo ruộng rươi nhưng khó khăn nhất là không vay được vốn từ các ngân hàng.

Với tâm huyết mở rộng sản xuất, anh Lê Tiến Việt, Giám đốc Công ty TNHH SoVi, có sản phẩm cá mòi được xếp hạng tiêu chuẩn 4 sao, cần nguồn vốn vay khoảng 3 tỷ đồng để đầu tư vào máy móc, trang thiết bị và xây dựng vùng nguyên liệu để sản xuất thêm sản phẩm từ cá basa, cá mối, cá ngừ đại dương bên cạnh sản phẩm cá mòi truyền thống. Tuy nhiên, thời gian qua, anh Việt phải vất vả để vay được một ít vốn của ngân hàng thương mại nhưng lãi suất quá cao. Anh mong muốn có nguồn vốn vay ưu đãi để giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, từ khi sản phẩm được xếp hạng OCOP anh chưa được tiếp cận nguồn vốn này.

Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng, trong 2 năm 2019, 2020, thành phố có 44 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, còn rất nhiều sản phẩm tiềm năng có thể được xếp hạng OCOP trong những năm tới. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, toàn thành phố dự kiến phát triển, nâng cấp 335 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm được xếp hạng và có tiềm năng xếp hạng trong thời gian tới phần lớn đều thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian qua, một số doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn vay các ngân hàng do phần lớn không chứng minh tài sản thế chấp. Các ngân hàng cũng chưa mở rộng nguồn vốn vay ưu đãi cho các sản phẩm OCOP vì e ngại đầu tư có nhiều rủi ro…

Vùng liên kết sản xuất khoai tây với nông dân của HTX nông nghiệp Thụy Hương (huyện Kiến Thụy).

Tháo gỡ vướng mắc

Giúp các doanh nghiệp, HTX, tổ chức cá nhân có sản phẩm OCOP được vay vốn để phát triển sản xuất, thời gian qua, một số ngân hàng như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội khảo sát cho vay một số trường hợp, nhưng số lượng không nhiều, khoản vay cũng không lớn. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Hải Phòng cho biết, thời gian qua, nguồn vốn cho vay phát triển chương trình OCOP từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm. Nguồn vốn này bao gồm vốn trung ương và vốn tại địa phương. Địa phương trích ngân sách ủy thác vốn càng nhiều, ngân hàng chính sách xã hội sẽ tạo điều kiện để nhiều tổ chức, doanh nghiệp, HTX được vay. Tuy nhiên, nguồn vốn vay này của thành phố những năm qua chưa cao nên số doanh nghiệp, HTX, tổ chức cá nhân được tiếp cận còn hạn chế. Theo ông Sơn, thời gian tới, ngân hàng đề xuất với thành phố tạo thêm nguồn vốn vay cho thành phố thông qua đề án về tạo vốn vay phát triển các sản phẩm OCOP.

Thời điểm này, các doanh nghiệp, HTX có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất đang tích cực áp dụng các giải pháp thiết thực để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chứng minh được nhu cầu cần thiết phải vay vốn ngân hàng và xây dựng các dự án phát triển sản xuất phù hợp với năng lực thực tế để bảo đảm yêu cầu của các ngân hàng. Đơn cử như, HTX Chiêu Viên ở xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng là đầu mối thu mua trứng vịt cho bà con địa phương để xuất bán đi các tỉnh, thành phố phía Bắc. Sản phẩm trứng vịt của HTX được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Gần đây, do yêu cầu mở rộng sản xuất, HTX có nhu cầu vay vốn ưu đãi. Vì vậy, từ năm 2020 đến nay, HTX xây dựng thêm trại gà đẻ trứng công suất 7000 con. Đồng thời đang làm dự án đề xuất được hỗ trợ vốn vay để mua sắm hệ thống máy làm sạch trứng trước khi xuất bán.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng Nguyễn Duy Dương, vay vốn phát triển sản xuất là nhu cầu thiết thực của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP, gần đây, Chi cục tích cực tham mưu với HĐND, UBND thành phố về việc tạo nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản phẩm OCOP, đồng thời, phối hợp các ngân hàng để khảo sát nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp, HTX có sản phẩm OCOP. Chi cục vừa phối hợp Ngân hàng Chính sách khảo sát 3 HTX ở huyện Kiến Thụy và Tiên Lãng. Qua khảo sát, các HTX này đều trong tình trạng khát vốn, đồng thời mong chờ sớm được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các ngân hàng tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, HTX có sản phẩm OCOP, qua đó, nắm bắt tâm tư, giúp các đơn vị này tháo gỡ vướng mắc để tiếp cận được nguồn vốn./.

Bài và Ảnh: Hương An

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP: Khơi thông nguồn vốn ưu đãi
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác