Nghị quyết số 11 ngày 12-7-2018 của HĐND thành phố về chế độ chi hỗ trợ đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn thành phố được kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố khóa 15 thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-8-2018. Theo đó, thành phố hỗ trợ lương cô nuôi tại các trường mầm non công lập với hệ số 1,86/người/tháng theo mức lương cơ sở, khoảng hơn 2,5 triệu đồng/tháng.
Các cô nuôi Trường mầm non Đông Hải 1 (quận Hải An) chuẩn bị bữa ăn cho trẻ.
Động lực lớn
Chị Trần Thị Huyền, nhân viên nấu ăn tại Trường mầm non 8-3, phường Cầu Tre (quận Ngô Quyền) cho biết: “ Tôi làm cô nuôi đến nay gần 4 năm. Theo dõi qua báo, đài và thông tin từ nhà trường về quyết định chi hỗ trợ đối với nhân viên nấu ăn của thành phố, tôi thật sự phấn khởi, vui mừng trước sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đến đời sống của cô nuôi chúng tôi. Mặc dù, các mức hỗ trợ lương và bảo hiểm, kinh phí công đoàn chưa đột phá so với trước đây, song đó là sự khích lệ, động viên về mặt tinh thần vô cùng lớn”.
Với những trường mầm non khu vực ngoại thành, nơi cuộc sống của người dân còn bộn bề khó khăn, chính sách mới của thành phố càng thêm ý nghĩa khi góp phần “gỡ khó” trong việc tuyển dụng giáo viên, cân đối thu nhập của cô nuôi từ nhiều nguồn. Theo Hiệu trưởng Trường mầm non An Dương, thị trấn An Dương (huyện An Dương) Mai Thị Thịnh, trường có 7 cô nuôi chăm sóc bữa ăn của hơn 450 trẻ, hiện còn thiếu 3 cô nuôi. Việc giữ chân, cũng như tuyển thêm cô nuôi rất khó khăn vì cường độ công việc cao, song thu nhập thấp. Trong khi đó, trên địa bàn huyện An Dương có nhiều doanh nghiệp trả lương cao cho người lao động. Để động viên tinh thần làm việc, góp phần bảo đảm mức lương tối thiểu vùng đội ngũ cô nuôi, năm học 2017-2018, nhà trường đề nghị UBND huyện cho phép xã hội hóa tạo nguồn quỹ hộ trợ cô nuôi và được sự đồng thuận, nhất trí của 100% số phụ huynh. Tuy nhiên, về lâu dài, phương án này còn bếp bênh, không ổn định do các cơ sở giáo dục mầm non không có cơ chế thu, việc đóng góp bảo đảm nguyên tắc tự nguyện của phụ huynh học sinh. Bởi vậy, khi thành phố ban hành cơ chế chi hỗ trợ lương, đóng góp bảo hiểm cho cô nuôi, nhà trường rất phấn khởi. Nghị quyết thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu của lãnh đạo thành phố, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để các trường mầm non đề xuất xây dựng khoản thu phù hợp từ phụ huynh. Từ đó, dần nâng mức lương cho cô nuôi cao hơn mức tối thiểu vùng, giúp các cô yên tâm công tác và tạo thuận lợi cho nhà trường trong việc thu hút tuyển cô nuôi.
Nâng cao mức lương từ các khoản thu hợp pháp
Theo Phó trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Ngô Quyền Vũ Thị Hà: “Nghị quyết về chế độ chi hỗ trợ đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn thành phố đi vào đời sống, tạo sự yên tâm nhất định đối với các cơ sở giáo dục mầm non và đội ngũ nhân viên nấu ăn. Thời gian tới, Phòng Giáo dục- Đào tạo quận Ngô Quyền thực hiện nhiều giải pháp để mức lương của cô nuôi cao hơn mức lương tối thiểu vùng; ít nhất phải đạt 4,5-5 triệu đồng/tháng; đề xuất các trường trích một phần từ 60% học phí chi cho hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác để đóng bảo hiểm cho nhân viên nấu ăn. Tuy nhiên, với phương án này, các trường khó khăn trong cân đối thu-chi vì nguồn học phí eo hẹp, lại phải chi quá nhiều hoạt động giáo dục, cải cách tiền lương. Bởi vậy, về lâu dài, mong thành phố bố trí thêm nguồn ngân sách để hỗ trợ đóng bảo hiểm theo mức lương tối thiểu vùng cho cô nuôi; đưa vào đề án vị trí việc làm vị trí cô nuôi để họ được tăng lương theo cấp bậc, thời gian công tác”.
Hiệu trưởng Trường mầm non An Dương (huyện An Dương) Mai Thị Thịnh nêu quan điểm: Những năm qua, để bảo đảm mức lương, giữ chân người lao động, các cơ sở giáo dục mầm non nhận được sự hỗ trợ của các bậc phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện của từng trường mà mức đóng cao hay thấp; tháng có, tháng không. Bởi vậy, nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa, bảo đảm mức lương cố định hằng tháng cho cô nuôi từ ngân sách thành phố và khoản thu hợp pháp, thành phố sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thu hỗ trợ lương nhân viên nấu ăn; nêu rõ “thu bảo đảm bù chi” hoặc quy định rõ mỗi trẻ đi học hỗ trợ nhân viên nấu ăn 1 tháng bao nhiêu.
Hiệu trưởng Trường mầm non 8-3 Lương Thị Oanh bày tỏ: “Dù được tạo điều kiện ổn định mức lương, góp phần nâng cao đời sống, song cô nuôi mong muốn được ký hợp đồng dài hại, ổn định công việc. Bởi vậy, đề nghị thành phố xem xét, có cơ chế cụ thể về các điều kiện, quy trình ký hợp đồng dài hạn cho cô nuôi để các trường mầm non công lập thống nhất thực hiện”.
Nhiều năm qua, để giữ chân cô nuôi và góp phần ổn định thu nhập của họ, nhiều trường bù chi khoảng 1.750.000 đồng/tháng để bảo đảm mức lương tối thiểu vùng đội ngũ cô nuôi là gần 4.300.000 đồng/tháng. Tùy vào ngân sách riêng, các cơ sở giáo dục mầm non hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho cô nuôi, phần còn lại họ tự chi trả phí bảo hiểm dao động 10,5-20%/tháng. Bởi vậy, lương trung bình hằng tháng của cô nuôi khoảng 3,8 triệu đồng. Trong khi đó, nhiệm vụ của cô nuôi khá nặng nề: một ngày làm việc bắt đầu từ 6 rưỡi sáng và kết thúc lúc 4 rưỡi, 5 giờ chiều, rất nhiều công đoạn từ việc lên thực đơn, chế biến phù hợp độ tuổi của trẻ; thực hiện các quy trình vệ sinh, dọn dẹp… thì chưa tương xứng…
PHƯƠNG LINH – Báo Hải Phòng 17/10/2018
Sáng 13.1, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tiến hành…
Năm Ất Tỵ 2025 có đến hai tháng 6 và dài tổng cộng 384 ngày.…
Tháng 10/2024, Đội An ninh năng lượng, tài nguyên và môi trường thuộc Phòng An…
Trong tình hình giá bất động sản liên tục biến động, không ít người mua…
Sáng 12-1, Liên minh Hợp tác xã (HTX) thành phố tổ chức hội nghị tổng…
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More