Print Thứ Năm, 21/03/2019 14:29

Tính đến hết năm 2018, trên địa bàn thành phố có 5.958 người chấp hành xong án phạt tù, trong đó, gần 4.000 người tìm được việc làm. Để đường về với những người có quá khứ lầm lỡ bớt chông chênh việc hỗ trợ tạo việc làm là “chìa khóa” giúp họ làm lại cuộc đời, hạn chế tái phạm tội.

Phạm nhân trại giam Xuân Nguyên tham gia học nghề trong thời gian chấp hành án.

Vươn lên sau lầm lỡ

Anh Vũ Minh Thuần, ở xã Tiên Minh (huyện Tiên Lãng) tâm sự: “Với tôi, 3 năm chấp hành án phạt tù vì tội trộm cắp tài sản là quãng thời gian đáng sợ nhất. Chỉ vì nhận thức hạn chế, bị bạn bè xấu lôi kéo dẫn tới phạm tội, đến khi vào tù tôi mới cảm nhận được giá trị của lao động và cuộc sống tự do”. Nhận mức án 5 năm tù vì tội trộm cắp tài sản khi mới 18 tuổi, nhưng do cải tạo tốt, năm 2015, sau 3 năm chấp hành án, anh Thuần được trở về cộng đồng. May mắn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương, anh Thuần vượt qua ánh mắt dò xét của mọi người, quyết tâm làm lại cuộc đời. Năm 2016, anh được UBND xã tạo điều kiện chuyển đổi 1,5 mẫu ruộng canh tác cho năng suất thấp sang mô hình trang trại VAC. Trên diện tích này, anh Thuần đào ao thả cá, xây dựng trang trại nuôi gà, trồng cây ăn quả. Đến nay trang trại mang lại cho anh thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Anh Vũ Minh Thuần trở thành điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Sau khi mãn hạn tù, anh Bùi Xuân Khánh, ở phường Vạn Sơn (quận Đồ Sơn) quyết tâm làm lại cuộc đời từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Anh Khánh nhớ lại: “Năm 2011, khi trở về cuộc sống đời thường, tôi mang trong mình bao mặc cảm. Thời gian này, tôi được các tổ chức, đoàn thể tại tổ dân phố qua lại thăm hỏi, động viên, giúp tôi vượt qua mặc cảm. Tôi được người bạn giúp đỡ, cho mượn 4 mẫu vườn, ao. Cộng với nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, tôi đầu tư cải tạo diện tích trên theo mô hình vườn, ao, chuồng. Khu vườn tôi trồng táo, ao thả cá, phần diện tích còn lại xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò, lợn, gà. Đến nay, trang trại mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định, tôi trả được phần lớn vốn vay”.

Thượng tá Nguyễn Thanh Lộc, Trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an thành phố) cho biết: “Từ khi Nghị định 80/2011/NĐ- CP của Chính phủ và Chỉ thị 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng với người chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành xong án phạt về nơi cư trú được chính quyền các cấp, tổ chức chính trị- xã hội quan tâm, động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện xóa bỏ mặc cảm, yên tâm làm ăn sinh sống, tái hòa nhập cộng đồng. Nhờ đó, tỷ lệ chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái phạm tội bị xử lý hình sự giảm, nếu năm 2012 là 6,4% thì đến năm 2018 giảm còn 2,4%.

Tạo điều kiện tìm việc làm

Tuy nhiên, thượng tá Nguyễn Thanh Lộc cho biết, công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương hiện gặp khó khăn. Trong đó, các ngân hàng chưa “cởi mở”, hạn chế về đối tượng và mức vốn vay; một số doanh nghiệp e ngại giúp đỡ, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương vì lo sợ ảnh hưởng đến uy tín, công việc sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, không ít người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương chưa cố gắng học nghề, lao động, không vượt qua trở ngại tâm lý, mặc cảm với quá khứ lầm lỗi, nên số người chưa có việc làm, cuộc sống khó khăn còn nhiều.

Hiện nay, thị trường lao động, nhất là doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp nhu cầu tuyển dụng ưu tiên lao động trẻ, có tay nghề cao. Trong khi đó, những người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, chủ yếu là lao động thủ công, tay nghề thấp nên việc tìm, bố trí việc làm sau khi chấp hành xong án phạt gặp khó khăn. Điều này đòi hỏi các trại giam, trại tạm giam cần nghiên cứu chọn ngành nghề đào tạo phù hợp từng lứa tuổi, có tính khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tế của từng phạm nhân, giúp họ có kỹ năng, sớm xin được việc làm sau khi chấp hành xong án phạt.

Thượng tá Bùi Trung Thành, Phó giám đốc Công an thành phố cho biết: “Công an thành phố đề nghị UBND thành phố xem xét bố trí kinh phí hỗ trợ tổ chức dạy nghề đối với người chấp hành án phạt tù trước khi hết án. Đồng thời, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc. Công an thành phố chỉ đạo công an cơ sở nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương và coi đây là biện pháp phòng ngừa xã hội. Làm tốt công tác này sẽ giúp người có quá khứ lầm lỗi tự tin tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái phạm tội”.

Thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng, từ năm 2012 đến nay, lực lượng công an hướng dẫn làm thủ tục cấp, đổi giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân cho 5.726 người; đăng ký hộ khẩu cho gần 5.000 trường hợp; cấp giấy chứng nhận xóa án tích, phiếu lý lịch tư pháp cho 4.412 trường hợp. Riêng trong năm 2018, xây dựng 19 mô hình tái hòa nhập cộng đồng mang lại hiệu quả cao, nâng tổng số mô hình trên địa bàn thành phố lên 36 mô hình.

VĂN CƯỜNG – Báo Hải Phòng 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: HỖ TRỢ NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG ÁN PHẠT TÙ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG: Tạo việc làm để hạn chế tái phạm tội
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác