Print Thứ Ba, 14/04/2020 10:57 Gốc

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với 6 nhóm được thụ hưởng. Trong đó, nhóm lao động không có giao kết hợp đồng bị ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất. Đây cũng là nhóm khó xác định, đòi hỏi công tác rà soát, thống kê chặt chẽ.

Anh Nguyễn Văn Ủng, ở xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo) làm nghề đạp xích lô trên địa bàn quận Kiến An gần 10 năm nay. Anh chở vật liệu xây dựng, đồ gỗ, rau, gạo từ Bến xe Niệm Nghĩa về các chợ trên địa bàn quận Kiến An, với thu nhập vài trăm nghìn đồng/ngày. Từ ngày 1/4, phần lớn hoạt động kinh doanh, vận tải ngừng hoạt động, anh mất việc, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống. Anh Ủng băn khoăn không biết mình có thuộc diện được hỗ trợ của Chính phủ không. Nếu có, anh cũng không biết kê khai ở địa bàn anh thuê trọ, hay địa phương nơi anh đăng ký thường trú.

Trong thời điểm dịch bệnh, lao động tự do bị mất việc, rất cần sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống.

Theo nghị quyết của Chính phủ ban hành ngày 9/4, trường hợp anh Ủng thuộc nhóm đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Việc thống kê, rà soát những người thuộc nhóm này được UBND thành phố giao các quận, huyện thực hiện. Ông Trần Chí Thành, Chủ tịch UBND phường Lãm Hà (quận Kiến An) cho biết: “Hiện các tổ dân phố thống kê, rà soát. Bước đầu, các tổ sẽ rà soát, lập danh sách tất cả trường hợp mất việc, sau này căn cứ hướng dẫn cụ thể của cấp trên sẽ phân loại những người được thụ hưởng”. Hiện lao động tự do như người bán hàng rong, quà vặt, xe ôm, đánh giày, bốc vác, lái xe thuê, kinh doanh quán ăn uống nhỏ bị ảnh hưởng khá nhiều. Trước thực tế này, nhiều địa phương tổ chức rà soát bảo đảm theo yêu cầu của thành phố, không để sót, lọt người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Phó chủ tịch UBND xã Đặng Cương (huyện An Dương) Trương Văn Thiết cho biết: “Xã cử cán bộ chính sách, cán bộ tài chính phối hợp các tổ công tác của thôn rà soát danh sách những người thuộc các nhóm được hưởng hỗ trợ của chính phủ trên địa bàn xã. Với nhóm lao động tự do mất việc làm, các thôn thống kê đầy đủ số lượng người, làm việc gì, ở đâu, mức độ ảnh hưởng của mất việc như thế nào… làm cơ sở báo cáo cấp trên”.

Theo Trưởng Phòng Lao động – Tiền lương (Sở Lao động -Thương binh và Xã hội) Phạm Văn Căng, dù chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về những lao động tự do được hưởng hỗ trợ, nhưng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận, huyện tham mưu UBND các quận, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, thống kê đầy đủ số lao động tự do, để khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, các địa phương chủ động thực hiện. Đây là cách làm linh hoạt, không bỏ sót người được thụ hưởng, hạn chế việc sau này phải tiếp tục rà soát lại. Chính sách an sinh xã hội đang được Chính phủ, các bộ, ngành địa phương khẩn trương triển khai nhằm hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn. Để chính sách đi vào cuộc sống cần trách nhiệm rất cao từ các địa phương, cơ sở trong nỗ lực rà soát, thống kê chặt chẽ nhưng linh hoạt cách làm.

Theo nghị quyết của Chính phủ, các nhóm được hỗ trợ gồm: Người có hợp đồng lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; nghỉ việc không lương từ 1 tháng trở lên do doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh; người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạm ngừng kinh doanh, lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm…

Huyền Chi

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh: Không để sót, lọt trường hợp thụ hưởng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác