Print Thứ Hai, 04/05/2020 21:57 Gốc

Đại dịch COVID-19 tràn qua khiến nhiều doanh nghiệp Hải Phòng điêu đứng. Khó khăn chồng chất, khả năng trụ vững của doanh nghiệp mỗi ngày một mong manh hơn. Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và thành phố đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, nhưng để tiếp cận được đòi hỏi cả một quá trình, trong đó cần sự lắng nghe, thấu hiểu và hợp tác chặt chẽ mới hy vọng sớm phát huy tác dụng.

Hầu hết doanh nghiệp đều khó

Đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Bùi Trung Nghĩa cho biết: Khó nhất hiện nay là các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ khi mấy tháng đầu sau Tết lượng khách thưa thớt, còn tháng 4 hầu như dừng hoạt động hoàn toàn. Doanh thu của các doanh nghiệp này tụt giảm 20-80%, trong khi chi phí vận hành, quản lý doanh nghiệp gần như giữ nguyên, không những thế lại phát sinh chi phí phòng, chống dịch…Các doanh nghiệp vận tải đường biển, đường sông cũng ở trong tình trạng tương tự.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải An Đặng Thế Lưỡng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn quận đang điêu đứng vì năm 2018- 2019 đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua xe công-ten-nơ, phần lớn bằng nguồn vốn vay ngân hàng. Nếu hoạt động bình thường, doanh nghiệp có thể trang trải được. Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn thu từ sản xuất kinh doanh xuống dốc, lãi suất ngân hàng và các khoản phí thực sự khiến doanh nghiệp loay hoay mãi không thấy đường ra. Đã thế, doanh nghiệp vẫn phải lo các khoản lương để giữ chân người lao động mặc dù cho nghỉ luân phiên.

Đối với khối sản xuất, phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất bia, may mặc xuất khẩu, sản xuất ô tô cho thấy khó cả đầu vào lẫn đầu ra. Có doanh nghiệp khó khăn đến tức thì, nhưng cũng có doanh nghiệp cho biết, từ tháng 5 trở đi, chắc chắn phải giảm quy mô sản xuất xuống một nửa vì đơn hàng cũ đã xong, nhưng không ký được đơn hàng mới khi các nước châu Âu và Mỹ vẫn đang chống chọi với bệnh dịch.

Ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng phản ánh: 100% số tour của doanh nghiệp du lịch bị hủy, các nhà hàng, khách sạn không có khách, phải đóng cửa nhưng chi phí thuê đất, thuê mặt bằng, nhà hàng và các khoản chi phí vốn rất lớn vẫn phải trang trải. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp du lịch, dịch vụ của Hải Phòng còn ở quy mô nhỏ nên sức chống chịu hạn chế.

Ông Nguyễn Hữu Đạo, Phó chủ tịch Liên minh HTX và doanh nghiệp Hải Phòng thông tin, khối nuôi trồng thủy sản cũng đang loay hoay. Như trường hợp HTX thủy sản Mắt Rồng, bình thường mỗi tháng cung ứng 500 tấn cá vược ra thị trường. Do dịch bệnh, sản lượng bán ra giảm tới 70% mà chi phí vẫn phải trả đủ.  Tất cả đều mong ngóng có sự hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua giai đoạn khó khăn, có sức để trụ vững mới hy vọng phát triển sau này.

Mong sớm được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ

Khó khăn quá nhiều nên hầu hết doanh nghiệp Hải Phòng rất vui mừng trước các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới được ban hành. Trong đó, chủ trương cắt giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giãn thời gian nộp thuế, giảm phí; cho vay với lãi suất 0% để trả lương người lao động được doanh nghiệp quan tâm nhất. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, còn đang thiếu sự sâu sát, hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách này.

Đơn cử như việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết (NQ) 42 của Chính phủ, một số quận, huyện sáng 10-4 mới thông báo nhưng yêu cầu trong ngày 10- 4 phải có ngay báo cáo, khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng Phạm Quang Vinh, việc thống kê bảng lương mấy tháng liền cộng với rất nhiều thủ tục khác khá phức tạp, doanh nghiệp không thể thực hiện được trong 1 ngày. Nhiều doanh nghiệp khác cũng chung ý kiến như vậy.

Về chính sách giãn thời hạn nộp thuế, hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng đây là sự hỗ trợ thiết thực với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc giảm một số loại thuế, phí sẽ giúp doanh nghiệp được nhiều hơn. Cũng như vậy, các doanh nghiệp cho biết, điều kiện để được giảm lãi suất cho vay 0,5-2,5% như thông báo của ngân hàng hoàn toàn không dễ dàng. Hơn nữa, điều doanh nghiệp muốn hiện nay là giảm lãi các khoản vay cũ để vượt qua khó khăn hơn là những ưu đãi đối với các khoản vay mới. Theo ông Nguyễn Hữu Đạo, Phó chủ tịch Liên minh HTX và doanh nghiệp Hải Phòng, ngoài chính sách của Trung ương, cần có thêm các chính sách của thành phố thì doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX mới có thêm cơ hội được hưởng sự hỗ trợ.

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng Lê Văn Cường cho biết: thời gian qua, đã có hơn 1600 khách hàng được hưởng các chính sách cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, phải gánh chịu tác động xấu từ đại dịch nên cần có sự hợp tác chặt chẽ, cùng chia sẻ của các doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, ngoài chính sách hỗ trợ về tín dụng, các doanh nghiệp rất mong mỏi được thành phố quan tâm kiến nghị giảm tiếp một số loại phí. Ngoài ra, các ngành thành phố cần tiếp tục hướng dẫn cụ thể hơn nữa để doanh nghiệp được hưởng các chính sách theo NQ 42 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ trì cuộc họp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp mới đây, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành yêu cầu các ngành, các địa phương  tiếp tục quan tâm rà soát và tham mưu đề xuất với thành phố các biện pháp  hỗ trợ doanh nghiệp. Trước hết, cần sâu sát, hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp được thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ mới được ban hành như giãn thời gian nộp thuế; cơ cấu lại nợ; giảm lãi suất ngân hàng;  hướng dẫn các doanh nghiệp kê khai để hưởng các chính sách từ NQ 42… Các biện pháp phải thật linh hoạt, đồng bộ, đồng thời có sự hợp tác chặt chẽ, trên tinh thần cùng sẻ chia, cùng thấu hiểu mới mang lại hiệu quả cao, thiết thực giúp doanh nghiệp Hải Phòng vượt qua giai đoạn khó khăn để tiếp tục phát triển.

Ông Đặng Thế Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng: Giảm phí cho doanh nghiệp vận tải

Ngành vận tải bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, sản lượng sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, về giảm lãi suất vốn vay, nhiều doanh nghiệp chỉ được giảm 0,5%, không đáng kể và không có ý nghĩa nhiều. Với những doanh nghiệp phải ngừng hoạt động thì lại càng không có tiền trả gốc, trả lãi và càng không được hưởng lợi. Còn về thuế, nhiều doanh nghiệp không có doanh thu, không phát sinh thuế nên chính sách giãn thời hạn nộp thuế chưa có tác động nhiều.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đề nghị Chính phủ, thành phố nghiên cứu có thể giảm tiền thuê đất hàng năm cho các doanh nghiệp kho, bãi, sẽ thiết thực hơn. Về giao thông, các phương tiện vận tải hiện phải chịu 2 loại phí gồm: phí bảo trì đường bộ và phí BOT, thực chất là phí chồng phí. Với mức phí bảo trì đường bộ 1,8 triệu đồng/xe/tháng, với các doanh nghiệp có nhiều phương tiện, đây là khoản chi rất lớn, là gánh nặng. Do đó, chúng tôi đề nghị được miễn giảm phí bảo trì đường bộ trong năm 2020. Về phí BOT, hiện cũng ở mức rất cao, cần được xem xét đưa về mức hợp lý. Ngoài ra, từ ngày 1 đến cuối tháng 4, các doanh nghiệp ngừng hoạt động để thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ dù trước đó đã bỏ tiền mua vé tháng qua các trạm BOT, nếu doanh nghiệp nào nhiều xe, khoản tiền vé tháng này cũng lên tới vài trăm triệu đồng, đề nghị nên có chính sách hoàn lại một phần để doanh nghiệp đỡ thiệt thòi.

Bà Tạ Thu Thủy, Giám đốc Công ty CP Bia Hà Nội- Hải Phòng: Mong được hưởng hỗ trợ lãi suất 

Các doanh nghiệp sản xuất bia của Hải Phòng và cả nước đều bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Trước đó, do thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ, sản lượng cũng đã sụt giảm khá nhiều. Theo tính toán của Công ty CP Bia Hà Nội-Hải Phòng,  từ nay tới cuối năm, doanh thu của đơn vị giảm hàng trăm tỷ đồng; lợi nhuận sẽ rất thấp, thậm chí không có, còn thuế giảm khoảng 20 tỷ đồng. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và thành phố. Theo đó, về lãi suất ngân hàng, hiện nhiều khoản vay của chúng tôi vẫn ở mức 7%/năm trong khi theo thông báo của ngân hàng, mức lãi suất được xem xét giảm xuống còn hơn 5%. Chúng tôi rất mong muốn được xem xét hưởng hỗ trợ mức lãi suất này.

Về thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, do thời hạn triển khai của chính quyền địa phương quá gấp nên doanh nghiệp làm không kịp, bị cho là hết hạn xem xét. Chúng tôi đề nghị thành phố chỉ đạo kéo dài thời gian báo cáo để doanh nghiệp tính toán, đề xuất cụ thể, bảo đảm cho người lao động của doanh nghiệp được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ thương mại đầu tư Thái Anh: Giúp đỡ xúc tiến thương mại, tiếp thị

Là doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại đầu tư Thái Anh bị ảnh hưởng nặng nề. Rất nhiều lô hàng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, EU dù đã làm xong cũng bị hủy do đại dịch, chưa kể tới việc thiếu nhỡ nguyên vật liệu nhập khẩu. Một số đơn hàng xuất khẩu bị giảm 50%. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là doanh nghiệp rất khó khăn khi tiếp cận ký kết các đơn hàng mới. Hiện, đơn hàng cuối cùng của chúng tôi kết thúc trong tháng 5, nhưng chưa có đơn hàng tiếp theo. Với một doanh nghiệp có hơn 500 lao động, đây là nỗi lo và áp lực rất lớn.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn được thành phố tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ, gia hạn thời gian báo cáo để thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 42 để doanh nghiệp hoàn chỉnh, bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động. Mặt khác, chúng tôi mong muốn được thành phố hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nước ngoài, đón bắt cơ hội phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhất là tranh thủ thị trường Nhật Bản, Mỹ để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hồng Thanh – Ảnh: Duy Thính

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn: Lắng nghe, thấu hiểu, hợp tác
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác