Print Thứ Bảy, 26/01/2019 21:10

Không phải bệnh thuộc “án tử” nhưng những người phải chạy thận ngoài chấp nhận bỏ việc, không làm ra tiền, quanh năm quanh quẩn với bệnh viện còn phải đối mặt với gánh nặng kinh tế do chi phí điều trị quá lớn. Vì vậy những tấm thẻ bảo hiểm y tế được coi là những “lá bùa hộ mệnh” của những bệnh nhân không may rơi vào tình cảnh này…

Đối mặt với bệnh trọng

Chúng tôi đến Khoa Thận – Tiết niệu và Lọc máu (Bệnh viện Giao thông vận tải) tầm đầu buổi sáng. Vậy mà tại phòng Lọc máu, các giường bệnh đã kín người nằm. Theo Giám đốc bệnh viện Bùi Hữu Hoàng, từ năm 2009, bệnh viện đã đầu tư 20 máy chạy thận nhân tạo hiện đại, tiên tiến của Nhật Bản. Hiện các máy đều chạy hết công suất và cơ bản đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân khi đến điều trị tại đây.

Vừa bắt đầu ca chạy thận nên khi tiếp chuyện với chúng tôi, gương mặt chị Nguyễn Thị Hiên, sinh năm 1971, ở đường Dư Hàng Kênh, không giấu được vẻ mệt mỏi. “Mang cái bệnh này vào người như treo án trên đầu cô ạ. Cứ quanh năm suốt tháng quanh quẩn với lịch trình 3 lần 1 tuần đến đây để chạy thận, không đi đâu xa được”. 

Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng

 Hơn 16 năm mang trong mình bệnh trọng, chị Hiên ngoài suy thận mãn còn mang thêm bệnh tiểu đường. Liên tiếp những tai ương ốm đau ập xuống không chỉ khiến chị Hiên từ người phụ nữ có thể lực, hoạt bát trở nên gầy gò, ốm yếu mà còn khiến cho kinh tế gia đình khánh kiệt.

“Ngày đầu biết mình mang trong người nhiều bệnh nặng, tôi suy sụp muốn chết quách cho xong. Nhưng càng đối mặt với bệnh tật, càng gần cái chết, người ta càng khát khao sống. Thế rồi ông trời cũng không triệt đường sống của tôi cô ạ.

Mặc dù bệnh nặng nhưng điều an ủi là bên tôi còn có chồng và con cái. Để cứu vợ, chồng tôi đã quyết định bán nhà. Tiền bán nhà một phần để mua căn nhà nhỏ làm chỗ ra vào cho cả gia đình; phần còn lại để tôi chữa bệnh. Chính vì mang ơn những người ruột thịt nên tôi càng thấy trân trọng cuộc sống này”.

Sau chừng hơn tiếng lọc máu, khí sắc trên mặt của chị Hiên có vẻ khá hơn chút, giọng nói cũng rõ dần âm sắc, chị cho biết thêm: “Trong cái rủi cũng có cái may. Năm ngoái bệnh tật thi nhau đổ xuống, ông nhà tôi đang tính bán nốt cái nhà nhưng tôi gàn, chấp nhận buông xuôi tất cả thì được nhà nước hỗ trợ cho tấm thẻ BHYT cho người nghèo. Giờ đây mọi chi phí được BHYT thanh toán 100%, đúng là đỡ được gánh nặng ngàn cân cô ạ”.

Hỏi chuyện mới biết, chị Hiên trước vốn là tiểu thương tại chợ Tam Bạc. Trước có sức khỏe, chị chủ quan không mua thẻ BHYT, vì vậy khi mắc bệnh hiểm nghèo đột ngột, để chữa trị, gia đình chị rơi vào tình trạng nghèo hóa nhanh chóng. 

Cũng giống như chị Hiên, mặc dù đang ở độ “trai ba mươi tuổi…” mà Phan Huy Công, ở Kim Thành, Hải Dương, chẳng “đương xoan” chút nào. Thân hình gầy gò dẹp lép, khuôn mặt xám xịt vì thuốc. Trông Công trong lúc chờ bác sỹ vận hành máy để lọc máu mong manh như chiếc lá mùa thu, đến ngồi cũng phải dựa vào tường.

Công cho biết, vừa bước qua tuổi 20 chưa được bao lâu thì trong người xuất hiện những triệu chứng như tiểu đêm nhiều lần, đau lưng, phù nề, cơ thể luôn mệt mỏi… Khi đi khám, bác sỹ kết luận thận của Công suy mãn.

Căn bệnh quái ác khiến Công buộc phải gắn bó với máy chạy thận. Từ bỏ công việc thợ cơ khí, cuộc sống của Công bó buộc trong không gian bệnh viện sực mùi thuốc. Gần chục năm chạy thận, Công sụt gần chục kilôgam, số tiền vay mượn họ hàng, bạn bè chồng chất, nụ cười cứ ngày càng thưa dần trên môi. Mỗi tuần Công phải đến bệnh viện lọc máu 3 lần, mỗi lần kéo dài 3-4 tiếng đồng hồ.

Công biết bệnh của mình “cầm cự giỏi lắm chỉ được mươi, mười lăm năm là cùng” nhưng không vì thế mà anh buông xuôi số phận. Trước đây mỗi lần đi lọc máu, vợ Công phải chở từ Hải Dương đến Bệnh viện Giao thông vận tải, chờ chồng lọc máu mấy tiếng rồi lại chở về. “Mất công, mất việc trong khi vẫn phải ăn, con vẫn phải học nên tôi đành cố.

Những hôm nào đến lịch lọc thì đi từ sớm để được xếp lượt đầu tiên, lọc xong nghỉ vài tiếng cho hồi người rồi tự về. “Để vợ thời gian còn đi làm nuôi con”.

Những hôm không phải lọc máu Công cũng chằng làm được việc gì lớn cả, chỉ quanh quẩn ở nhà trông con hay dọn dẹp lặt vặt trong nhà. Nhiều lúc nghĩ làm thằng đàn ông mà quanh quẩn cũng buồn nhưng sức khỏe yếu, hễ động đến việc nặng là hoa mắt ù tai, thở không ra hơi lại đành thôi. “Cũng may vợ mình thường xuyên động viên, hai đứa con gái ngoan, học giỏi. Nhất là vừa qua được nhà nước cấp cho cái thẻ BHYT hộ nghèo gánh hộ chi phí điều trị chứ không thì…” – Công chia sẻ mà đôi mắt hiền lành không giấu được nỗi buồn mênh mang.

Cứu cánh của người nghèo

Bác sĩ chuyên khoa Thận Phạm Thị Ánh cho biết, suy thận được chia làm 4 giai đoạn, khi chuyển sang giai đoạn cuối (chức năng lọc và thải chất độc của thận không còn hoạt động) chỉ còn cách áp dụng các biện pháp thay thế hỗ trợ tích cực khác, chủ yếu chạy thận nhân tạo. Những người khi đã phải chạy thận nhân tạo thường phải bỏ làm, sức khỏe giảm sút, kinh tế suy kiệt, thậm chí sớm bỏ mạng nếu không có cứu cánh là những tấm thẻ BHYT.

Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc bệnh viện Giao thông vận tải Bùi Hữu Hoàng cho biết, bệnh này không phải án tử nhưng rất tốn kém trong điều trị. Thời kỳ cao điểm bệnh viện tiếp nhận tới 140 bệnh nhân. Hiện khoa trung bình duy trì từ 40-60 bệnh nhân chạy thận, có những bệnh nhân thâm niên gắn bó với khoa suốt từ khi thành lập đến nay cũng được 15 năm.

 Người chạy thận sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng nghèo hóa nếu không có thẻ BHYT

Hầu hết các bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Giao thông vận tải đều suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Mỗi người là một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng tựu chung đều 1 tuần phải chạy thận tới 3 lần. Tiền chạy thận, tiền thuốc ngoài, xăng xe đi lại, những bệnh nhân như chị Hiên, anh Công nếu không có thẻ BHYT phải chi phí tới cả chục triệu đồng/tháng. Bình quân 1 năm số tiền sẽ lên tới cả trăm triệu đồng.

Đây quả là một gánh nặng kinh tế rất lớn cho các gia đình bệnh nhân vì người chạy thận sức khỏe suy kiệt, thường không thể lao động để kiếm thêm thu nhập trong khi chi phí cho điều trị lại tương đối lớn và trường kỳ.

Theo bác sỹ Bùi Thị Hiền, giám định viên thường trực tại Bệnh viện Giao thông vận tải: Người chạy thận không có thẻ BHYT càng phải đối mặt với gánh nặng chi phí lớn vì từ ngày 1-6-2017, 1.900 dịch vụ y tế tăng giá, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2-3 lần so với giá cũ. Nêu bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí. Còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả 100% chi phí. Rất may là trong số 46 bệnh nhân chạy thận ở đây 43 người hưởng BHYT theo diện hộ nghèo, nghĩa là được hỗ trợ 100% chi phí điều trị. 3 bệnh nhân còn lại đồng chi trả 20% nhưng đều có thẻ BHYT có thời gian tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục nên khi số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% trong năm tài chính đó.

“Nhiều bệnh nhân chạy thận ở đây sau khi có tấm thẻ BHYT làm “bùa hộ mệnh” đã bớt bi quan, tiêu cực và dần ổn định tâm lý. Từ đó hỗ trợ tích cực trong quá trình điều trị – bác sỹ Hiền cho biết thêm.

Hiện suy thận mãn đang có chiều hướng gia tăng, và đây là căn bệnh hiểm nghèo, việc điều trị rất tốn kém. Ngoài những nguyên nhân bệnh lý như viêm cầu thận cấp, sỏi thận, hội chứng thận hư thì biến chứng của tiểu đường, cao huyết áp do chế độ ăn uống, vận động thiếu khoa học (ăn nhiều muối, nhiều chất béo, uống ít nước, lười vận động, hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu…) đang là nguyên nhân gia tăng bệnh suy thận.

Ngoài ra, việc sử dụng kéo dài một số thuốc cũng có thể gây độc cho thận như: thuốc kháng viêm không steroid; kháng sinh nhóm aminoglycoside; thuốc kháng lao; thuốc, hoá chất điều trị ung thư… Do đó, cần có chế độ ăn uống vận động khoa học, hợp lý, không lạm dụng rượu bia, thuốc lá; nên đi khám bệnh định kỳ để sớm phát hiện và điều trị.

Mặc dù người bệnh có thể có “bùa hộ mệnh” là những tấm thẻ BHYT hỗ trợ rất nhiều gánh nặng chi phí điều trị khi chẳng may mắc căn bệnh quái ác này. Tuy nhiên ở nhiều khía cạnh, căn bệnh này đều tác động tiêu cực đến sức khỏe, sinh hoạt và kinh tế của tất cả các bệnh nhân.

“Vì vậy phòng ngừa, nhất là phát hiện sớm để điều trị, làm giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội vẫn là giải pháp căn cơ và hữu ích nhất” – bác sỹ Hiền cho biết thêm.

Bùi Hạnh – An ninh Hải Phòng 16/09/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: “Hộ mệnh” của những bệnh nhân nghèo
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác