Bộ Công Thương được đánh giá góp phần tích cực vào thành công của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng Việt
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính trị, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển bền vững thị trường trong nước qua việc phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; động viên các doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa, sản phẩm Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay, góp sức giải quyết những khó khăn, bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.
Trong mười năm qua, Bộ Công Thương đã luôn đồng hành với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để vận động mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội ưu tiên dùng hàng Việt Nam và tích cực đầu tư, sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, trong đó tập trung vào 03 nhóm giải pháp chủ yếu: Nhóm giải pháp hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; Nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; Nhóm giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam.
Sau 10 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển thị trường trong nước, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.
Một là, công tác tác tuyên truyền liên tục, đạt hiệu quả cao và có điểm nhấn tạo dấu ấn trong cộng đồng người tiêu dùng và doanh nghiệp: với cách làm sáng tạo, nhiều hoạt động truyền thông sinh động, hấp dẫn đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng. Từ đó, đã làm thay đổi một cách cơ bản nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt và thay đổi tư duy sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Hai là, hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại và mạng lưới bán lẻ hàng Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại: Hệ thống hạ tầng thương mại có sự biến chuyển phù hợp với phát triển kinh tế xã hội và quá trình hội nhập, mở cửa, từng bước tạo kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh hiện đại, bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường…. phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Nhờ đó, hàng hóa được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển; người tiêu dùng được sử dụng hàng có chất lượng; các doanh nghiệp phân phối có nguồn hàng ổn định với đa dạng đặc sản vùng miền thu hút khách hàng, từ đó tăng doanh thu và mở rộng hệ thống phân phối, góp phần tăng trưởng thương mại trong nước, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước và thu hút các nguồn vốn đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại.
Ba là, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam: hàng triệu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh đã được tiếp cận các nội dung như kiến thức về quản lý, kỹ năng bán hàng, tham gia các hoạt động kết nối cung-cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.
Bốn là, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, hầu hết trên 80%: cụ thể như Saigon Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Lotte (82%), AEON (80%)… Điều này là minh chứng rõ nét cho việc hàng hóa Việt Nam đang dần chiếm lĩnh được thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
Kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào sự phát triển của thị trường trong nước, từ đó đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế khi hoạt động thương mại tại thị trường trong nước hàng năm tạo ra giá trị khoảng 14-15% GDP, doanh thu bán lẻ và dịch vụ không ngừng tăng và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Đồng thời, thị trường trong nước cũng hỗ trợ tích cực cho công tác giải quyết việc làm khi thu hút khoảng 6-7 triệu lao động (chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội), góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Nhìn lại quá trình 10 năm qua, Bộ Công Thương đã đút kết một số bài học. Cụ thể, phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Cuộc vận động đã luôn bám sát chủ trương của Đảng trong phát triển thị trường trong nước nhằm kích thích và tạo động lực mới cho tiêu dùng nội địa, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của toàn dân, nâng cao mức sống và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Thực tế 10 năm qua cho thấy, phát triển thị trường nội địa cũng là giải pháp giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn và góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua suy thoái và tăng trưởng bền vững.
Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong những năm qua không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt Nam mà còn có ý nghĩa tích cực trong việc thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống của nhân dân, duy trì phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước trong điều kiện tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới và thách thức của hội nhập kinh tế thế giới.
Triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và kế hoạch hàng năm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công Thương đã phối hợp nhịp nhàng, thường xuyên với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các tổ chức chính trị xã hội, Ủy ban nhân dân các cấp và các Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề trong triển khai tốt Cuộc vận động. Sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của cả hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng trong việc triển khai thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Phát huy vai trò cuộc vận động trong tình hình mới
Đất nước đang đi vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có nhiều thay đổi. Chúng ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Những cơ hội mới to lớn hiện đang xuất hiện cùng với những thách thức cũng ngày càng gay gắt, khốc liệt khi Việt Nam ký kết và tham gia hàng loạt các hiệp định FTA thế hệ mới. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống.
Để Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch hàng năm của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó trọng tâm vào các nhóm nhiệm vụ chủ yếu sau:
Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, tập trung vào các doanh nghiệp ngành Công Thương, nâng cao vị thế của hàng Việt Nam với chủ đề “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
Tạo nền tảng và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý minh bạch; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao chất lượng hàng Việt Nam, trong đó thiết lập được các doanh nghiệp phân phối trong nước đủ mạnh, có khả năng chiếm lĩnh thị trường song song với việc phát triển doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các địa phương, nhất là các địa phương còn nhiều dư địa để phát triển thương mại nội địa.
Triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển mạnh thị trường trong nước, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu Việt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2025, tầm nhìn 2035 với những giải pháp đột phá để phát triển thị trường trong nước; tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động, nhằm hỗ trợ cho hàng Việt Nam chiếm lĩnh vững chắc tại các kênh phân phối trong nước và quốc tế.
Tăng cường công tác quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, phòng vệ thương mại, củng cố lực lượng quản lý thị trường để ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Phương Lan
Sáng 22/12, tại Trường Liên cấp Anpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More