Dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi áp dụng mô hình Tsuyama” giai đoạn 2022-2024 được triển khai tại địa bàn 5 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Phú Thọ và Thanh Hóa.
Thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão) là địa phương duy nhất tại Hải Phòng được chọn làm thí điểm triển khai Dự án trong khuôn khổ chương trình Đối tác Phát triển của Dự án JICA (Nhật Bản). Hoạt động có ý nghĩa nhân văn góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo mô hình đã được triển khai thành công tại Nhật Bản.
Bà Nguyễn Thúy Ngân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão) chia sẻ: Để triển khai dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ứng phó với vấn đề già hóa dân số áp dụng mô hình Tsuyama” lãnh đạo địa phương đã rất quan tâm, chú trọng trong công tác phối hợp. Cùng với đó, hoạt động cũng nhận được sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là các hội viên người cao tuổi tại địa bàn thị trấn Trường Sơn và đã được địa phương đưa vào Nghị quyết Đảng bộ thị trấn.
Ngay sau khi triển khai Dự án, địa phương đã tổ chức thành lập các ban điều hành, câu lạc bộ, các thành viên trong ban chủ nhiệm từ đó thành lập 4 câu lạc bộ tại 4 tổ dân phố của thị trấn Trường Sơn. Đến nay, trải qua một nửa thời gian triển khai, Dự án đã thu hút 200 người cao tuổi tham gia các bài tập luyện. Kết quả bước đầu của Dự án góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Qua đó, tạo thói quen chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của gia đình, cá nhân người cao tuổi, của cộng đồng và xã hội; giảm gánh nặng của xã hội và gia đình người cao tuổi cho việc điều trị các bệnh tật phát sinh ở người cao tuổi.
Bà Lê Thị Loan, 68 tuổi tổ dân phố Văn Tràng 2, thị trấn Trường Sơn (huyện An lão) cho biết: Nhờ chương trình JICA Nhật Bản từ năm 2022, đến nay các thành viên trong Hội Người cao tuổi ở địa phương rất phấn khởi, tình hình sức khỏe được cải thiện rõ rệt. Trước đây, cánh tay của tôi vận động kém, việc nâng lên hạ xuống rất khó khăn. Sau khi tập các bài tập thì vấn đề sức khỏe của bà có chuyển biến rõ nét. Hiện, tay bà có thể nâng lên, hạ xuống mà không còn bị run nữa. Bà và các thành viên trong câu lạc bộ rất phấn khởi, cảm ơn lãnh đạo thành phố và địa phương đã quan tâm đến người cao tuổi để bà được tham gia hoạt động này.
Y sĩ Lương Thị Ngân, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Trường Sơn cho biết, người già thường mắc phải các bệnh như: Đột quỵ, viêm phổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, loãng xương… Để phòng ngừa các bệnh tuổi già, công tác chăm sóc sức khỏe đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thời gian qua, trên địa bàn thị trấn Trường Sơn được chọn triển khai thí điểm Dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ứng phó với vấn đề già hóa dân số áp dụng mô hình Tsuyama” thông qua các bài tập chống ngã của Nhật Bản sức khỏe của người cao tuổi được nâng lên rõ rệt. Cùng với đó là các hoạt động dự phòng chăm sóc của người cao tuổi cũng như những người thân của người cao tuổi góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi trên địa bàn.
Các hoạt động chính trong khuôn khổ Dự án được triển khai tại thị trấn Trường Sơn gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thông qua các hoạt động truyền thông trực tiếp, gián tiếp; Hướng dẫn và tổ chức luyện tập các bài tập tránh ngã cho người cao tuổi và mở rộng các hoạt động dự phòng chăm sóc của người cao tuổi cũng như những người thân của người cao tuổi để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Lão cho biết: Tháng 4/2023, Trung tâm Y tế huyện An Lão tổ chức khám sức khỏe gần 200 hội viên thuộc các câu lạc bộ tham gia Dự án. Các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt và duy trì luyện tập bài tập thể dục tránh ngã cho người cao tuổi định kỳ 2 buổi/tuần tại các địa điểm tập luyện. Số lượng người tham gia tại các câu lạc bộ từ 150-200 người. Các thành viên câu lạc bộ đều được cán bộ y tế của Trạm Y tế hỗ trợ kiểm tra, đo các chỉ số sức khỏe đầu vào và trước mỗi buổi luyện tập như: Đánh giá sức khỏe ban đầu thông qua các bài tập, đo huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ và các triệu chứng, dấu hiệu bất thường khác theo hướng dẫn của sổ theo dõi sức khỏe. Trong quá trình luyện tập người cao tuổi có vấn đề về sức khỏe sẽ được cán bộ y tế hỗ trợ hoặc liên lạc với gia đình, đưa đi bệnh viện cấp cứu khi cần thiết…
Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện An Lão cũng xây dựng Kế hoạch và tổ chức các buổi truyền thông, tư vấn hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi định kỳ ít nhất 1 lần/tháng tại các địa điểm luyện tập, đến nay đã tổ chức được 6 buổi Truyền thông cho 480 lượt người cao tuổi tham dự với các nội dung như: Mục đích ý nghĩa của Dự án JICA Nhật Bản, tầm quan trọng của các biện pháp chăm sóc sức khỏe dự phòng người cao tuổi, một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi và các biện pháp phòng tránh, dinh dưỡng cho người cao tuổi, phòng tránh dịch bệnh Covid-19 cho người cao tuổi.
Công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ Dự án được Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tổ chức thực hiện định kỳ 4 lần/tháng theo lịch thực hiện hướng dẫn việc quản lý, bảo quản các thiết bị luyện tập và việc sử dụng kinh phí do thành phố hỗ trợ để triển khai các hoạt động của Dự án. Cùng với đó là bố trí cán bộ hỗ trợ kỹ thuật luyện tập bài thể dục tránh ngã, hướng dẫn đo huyết áp, ghi chép sổ sách theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi.
Đến nay, kết quả thực hiện Dự án làm sức khỏe người cao tuổi được cải thiện thông qua các hoạt động dự phòng, tự chăm sóc và chăm sóc của gia đình, cộng đồng, của toàn hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Điều này giúp cho người cao tuổi vui mừng, phấn khởi, sống thọ và có ích, tiếp tục đóng góp cho xã hội, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dân số.