Print Thứ sáu, 03/07/2020 10:05 Gốc

UBND thành phố vừa công bố 2 đề án đánh giá khí hậu thành phố và xây dựng cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc khẩn trương hoàn thiện và thông qua 2 đề án này là cơ sở để thành phố ứng phó, giảm thiểu tổn thất do thiên tai, thời tiết cực đoan.

Gia tăng thời tiết cực đoan

Người dân Hải Phòng đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, nền nhiệt phổ biến 37- 40 độ C. Đợt nắng nóng này ghi nhận nhiều “kỷ lục” như: mức nhiệt vượt ngưỡng lịch sử cùng thời kỳ của nhiều năm trước; nền nhiệt giảm chậm có ngày tới tận 18 giờ vẫn còn nắng nóng gay gắt; đợt nắng nóng kéo dài nhất trong 27 năm qua (từ 1993 đến nay). Gia tăng thời tiết cực đoan là biểu hiện rõ nét của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Đường Trần Tất Văn, quận Kiến An thường xuyên bị ngập sau mưa.

Theo tiến sĩ Đỗ Đình Chiến, Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ khí tượng thủy văn và BĐKH, đơn vị tư vấn thực hiện hiện đánh giá khí hậu thành phố cho biết: Thực hiện đề án, nhóm nghiên cứu đánh giá xu thế của các yếu tố khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan thời kỳ nhiều năm từ 1961-2007 và từ 2017 đến nay; đồng thời so sánh xu hướng thay đổi trong 2 thời kỳ đó. Qua nghiên cứu, khẳng định BĐKH gây sự nhiễu loạn thời tiết; gia tăng kiểu thời tiết cực đoan với những diễn biến dị thường. Như số lượng cơn bão không tăng, nhưng số cơn bão mạnh tăng lên, mùa bão ở nước ta bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn, diễn biến quỹ đạo thất thường, rất khó lường. Rồi những trận mưa lớn với lưu lượng vượt mức 1.500mm, gấp đôi giá trị lịch sử, tập trung ở một khu vực. Những hình thái thời tiết cực đoan, khắc nghiệt như: những ngày nắng nóng chưa từng xảy ra trước đó; số ngày rét đậm và rét hại xuất hiện, kéo dài nhiều ngày hơn so với thời điểm nhiều năm trước.

Thời tiết diễn biến bất thường, thay đổi đột ngột, khiến công tác dự báo gặp nhiều khó khăn. Mặc dù hiện nay, hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng được tăng cường, đội ngũ dự báo làm chủ công nghệ, song trong không ít tình huống vẫn “trở tay không kịp”. Vì tính phức tạp của vấn đề, các cơ quan khoa học hiện nay, kể cả ở các quốc gia phát triển chưa thể đưa ra thời gian và địa điểm chính xác đối với các loại thiên tai, nhất là thiên tai thời tiết cực đoan, mà thường chỉ đưa ra dự báo khoảng thời gian và không gian có thể diễn ra hoặc xác suất rủi ro.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, gây ảnh hưởng và thiệt hại nhiều tới tài nguyên, kinh tế, phát triển xã hội. BĐKH làm nước biển dâng cao, gây ùn ứ nước sông hồ, gia tăng mức độ ngập lụt. Cùng với đó tình trạng xâm nhập mặn diễn ra nhanh hơn. Hiện nay, nước mặn đã tiến sâu vào đất liền 40km ở sông Kinh Thầy, 35km ở trên sông Đá Bạch, 32km trên sông Lạch Tray và 28km ở sông Cấm và Văn Úc. Hạn hán gây thiếu nước sản xuất công nghiệp thiếu nước sinh hoạt ở huyện Thủy Nguyên, Cát Bà và Bạch Long Vỹ.

Giải pháp hạn chế rủi ro thiên tai

Theo tiến sĩ Đỗ Đình Chiến, Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ khí tượng thủy văn và BĐKH, dù không thể ngăn BĐKH diễn ra nhưng có thể làm chậm tiến độ này. Cùng với đó có giải pháp thích ứng với điều kiện, sự thay đổi môi trường, thời tiết. Việc kết nối tốt hơn giữa quan sát BĐKH với các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể giúp công tác quản lý rủi ro hiệu quả cao hơn. Cùng với đó, sự kết hợp giữa các số liệu quan trắc quá khứ cùng mô hình dự báo khí tượng sẽ là cần thiết để đưa ra các dự báo có tính chính xác cao và kịp thời, nhằm hạn chế tối đa rủi ro thiên tai có thể gây ra cho con người và thiên nhiên.

Nắm bắt yêu cầu này, trong các tháng 2, 3-2020, UBND thành phố có 2 quyết định phê duyệt đề án đánh giá khí hậu thành phố và đề án xây dựng cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dựa trên các thông tin, dữ liệu về khí tượng, thủy văn, thời tiết cực đoan đề án đánh giá đặc điểm khí hậu thành phố xem xét, đánh giá các diễn biến khí hậu trong thời gian qua, bao gồm nhiệt độ, lượng mưa theo năm, mùa và ngày; số giờ nắng, độ ẩm, nhiệt độ tối cáo, nhiệt độ tối thấp; các hiện tượng thời tiết cực đoan (nắng nóng, rét đậm, rét hại, hạn hán, bão và áp thấp nhiệt đới); những diễn biến đặc trưng và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đặc biệt, đề án đánh giá tác động của khí hậu và BĐKH đối với tài nguyên thiên nhiên, môi trường, hệ sinh thái và sự phát triển kinh tế-xã hội; thực trạng các giải pháp ứng phó của thành phố. Trên cơ sở đó, các chuyên gia đề xuất các giải pháp về quản lý, kỹ thuật nâng cao hiệu quả các hành động thích ứng.

Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm ứng phó BĐKH (Bộ Tài nguyên-Môi trường) cho biết: Hải Phòng là thành phố ven biển nên chịu tác động của nước biển dâng và xâm nhập mặn. Việc thông qua 2 đề án trên với những dữ liệu thời tiết, khí hậu và những tác động của BĐKH giúp thành phố xác định những lĩnh vực, khu vực bị tác động của BĐKH; trên cơ sở đó hoạch định chính sách, định hướng phát triển phù hợp; đáp ứng những yêu cầu, mục tiêu Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đề ra; đồng thời lựa chọn ngành, nghề phù hợp mục tiêu tăng trưởng xanh. Cùng với đó, thành phố cần theo dõi kỹ những biến đổi của khí hậu, từ đó xây dựng các công tác ứng phó; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân để có sự ứng phó hiệu quả cao.

Nguyên Mai

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hiện tượng biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan: Dự báo chính xác, ứng phó kịp thời
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác