Chiều 26/5, Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19” đã diễn ra tại Hà Nội.
Hội nghị do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VinaSME), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (Dự án LinkSME) tổ chức.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam Micheal Greene chủ trì Hội nghị.
Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức quốc tế, đại diện hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự Hội nghị.
Hưởng ứng lời kêu gọi “đề xuất ý tưởng, giải pháp để cả ngành, cả đất nước đi lên” của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với doanh nghiệp ngày 9/5/2020, hội nghị này nhằm thảo luận, hiến kế giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải do tác động của dịch COVID-19 cũng như bàn các giải pháp hiện thực hóa quyết tâm cắt giảm 20% chi phí cho doanh nghiệp và thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng ra nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt kinh tế-xã hội; khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô hoặc sản xuất cầm chừng.
Để kịp thời ứng phó với dịch COVID-19 cũng như chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống cho nhân dân, người lao động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, an ninh lương thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, đồng thời, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và chuyển đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng điện tử hóa, phi giấy tờ.
Theo Bộ trưởng, Cổng Dịch vụ công quốc gia sau 5 tháng hoạt động đã tích hợp, cung cấp 408 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 39 triệu lượt truy cập; hơn 150.000 tài khoản đăng ký; gần 8,5 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; gần 85.000 hồ sơ được thực hiện; tiếp nhận gần 6.000 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, từ ngày 12/5/2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với thực hiện nhanh, hiệu quả, thiết thực các cơ chế, chính sách đã được ban hành thời gian qua phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là các cơ chế, chính sách ban hành kèm theo Nghị định số 41 về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết số 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Đây là lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, công nhận hồ sơ ký số của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt các loại hồ sơ giấy cũng như các quy trình giao dịch trực tiếp với cơ quan nhà nước, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần xây dựng nền kinh tế số.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; cắt giảm, đơn giản hóa những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, tạo rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: “Mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt mức 2,7-4,9% do nền kinh tế bị tác động cả ở phía cung và cầu nhưng các tổ chức quốc tế đánh giá, Việt Nam là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương và có ảnh hưởng của dịch thấp hơn các nước khác“.
Do đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mong muốn đem đến thông tin hữu ích cho doanh nghiệp; đồng thời lắng nghe, ghi nhận từ thực tiễn cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn; kiến nghị, đề xuất sáng kiến, giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm bứt phá sau dịch bệnh COVID-19; góp phần vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
Đổi mới, sáng tạo, cải cách thực chất
Liên quan đến những giải pháp cải cách thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam khẳng định các giải pháp trong giai đoạn 2020-2025 gặp nhiều khó khăn liên quan đến 6 vấn đề như cải cách hành chính sẽ động chạm đến lợi ích của nhiều người; đổi mới mô hình quản lý cán bộ công chức; xử lý các xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật; xử lý thủ tục hành chính bằng công nghệ thông tin; điều chỉnh quan hệ giữa cấp trung ương và địa phương; mức độ và tốc độ cải cách thủ tục hành chính liên quan mật thiết với cải cách hành chính nhà nước.
Đánh giá cao Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh quan điểm Nghị quyết lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế-xã hội đất nước; cắt giảm các hoạt động không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa 20% số quy định, 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh.
“Để làm được điều đó, Việt Nam phải trải qua “3 bậc thang”: có nhiều mô hình tốt trong triển khai thực hiện; ban hành chính sách, chỉ đạo điều hành, quản lý tốt; dự kiến đến 31/10/2010 công bố lần đầu cắt giảm 20% chi phí tuân thủ. Xác định còn nhiều khó khăn nhưng hy vọng bằng các nghị quyết, văn bản cùng quyết tâm chính trị, sự hưởng ứng của người dân, chúng ta sẽ sớm thực hiện thành công“, ông Tô Hoài Nam nêu rõ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng cải cách thủ tục hành chính nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; giải phóng nguồn lực cho người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, hiệu quả; giảm chi phí giám sát của nhà nước cũng như chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, người dân…
Nêu rõ rào cản mang tính chiến lược và rào cản kỹ thuật, chuyên gia Cấn Văn Lực đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành đẩy mạnh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ đã ban hành; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ; tăng năng lực chống chịu của nền kinh tế với cú sốc bên ngoài.
Đối với các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến việc thực hiện mô hình “3Rs” (Respond/Recover/Re-invent), tức ứng phó với đại dịch, phục hồi và đổi mới, sáng tạo mô hình/chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hiệp hội xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh số; cải cách hành chính thực chất; nâng cao năng suất lao động; tăng cường kết nối, tham gia chuỗi giá trị…
Xây dựng Chính phủ điện tử, nền kinh tế số
Tại Hội nghị, các đại biểu được giới thiệu về Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
Cố vấn cao cấp về chính sách, Dự án LinkSME Đặng Quang Vinh nhấn mạnh Nghị quyết lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, làm động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nghị quyết nhằm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong các văn bản hiện hành góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Nghị quyết bảo đảm tính công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; bảo đảm tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.
Theo ông Đặng Quang Vinh, Nghị quyết góp phần cắt giảm chi phí tuân thủ quy định mà doanh nghiệp phải chi trả; làm rõ các quy định để doanh nghiệp không mất thời gian tìm hiểu; tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, dễ đoán định, giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh tốt hơn. Đồng thời, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài nhiều hơn; tạo niềm tin vào hệ thống kinh doanh trong nước.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông tin về chính sách, quy trình thực hiện thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ của Chính phủ để khắc phục khó khăn do dịch COVID-19 trong các lĩnh vực an sinh xã hội, tài chính-ngân hàng./.
Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)
Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More