Ngày 20-12, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khởi động triển khai Dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển” (FMCR).
Dự hội nghị có ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng, Điều phối chương trình cùng tám tỉnh ven biển Bắc Bộ, nơi sẽ triển khai dự án.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ban quản lý dự án T.Ư và Ban quản lý dự án các tỉnh cần xác định rõ đây là dự án đóng góp nguồn lực quan trọng cho ngành, địa bàn triển khai rộng, mục tiêu và khối lượng thực hiện lớn; đặc biệt là trồng và khôi phục rừng ven biển rất khó khăn, phức tạp. Vì vậy, cần quyết liệt triển khai, thực hiện dự án theo đúng tiến độ, đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của nhà tài trợ; các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành của các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ khi thực hiện dự án, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; bảo đảm việc giải ngân cũng như thực hiện theo đúng quy định tài chính.
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng, Điều phối chương trình chia sẻ: “Trên thế giới và Việt Nam đã có những minh chứng rõ nét về biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng. Những thảm họa này sẽ trở lên dữ dội, mãnh liệt và Việt nam có thể thiệt hại 130 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, đây là thách thức lớn, nhiệm vụ của Việt Nam và các nước trên thế giới là chuẩn bị những điều kiện đối phó với nước biển dâng. Trong bối cảnh như vậy, những khu rừng ven biển sẽ có nghĩa vụ đóng góp vào việc giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã quan tâm và đầu tư nhiều vào các công trình hạ tầng chống biến đổi khí hậu, tuy nhiên hiệu quả chưa được như mong muốn. Do vậy việc trồng mới và phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển và trên cạn sẽ là giải pháp thay thế quan trọng.
Việc khởi động dự án là bước ngoặt quan trọng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc đánh giá cao sự đóng góp của rừng ngập mặn ven biển không chỉ tạo nguồn lợi thủy sản mà còn tạo các dịch vụ liên quan. Đây sẽ là dự án tăng cường tính chống chịu ven biển hiệu quả nếu chúng ta cùng hợp sức, cùng triển khai một cách khoa học và đầu tư thông minh, bảo đảm sẽ hình thành những vạt rừng ngập mặn đa tuổi, đa loài có chức năng phòng hộ tốt”.
Sau gần 30 tháng thực hiện các bước theo quy trình, Dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển “chính thức được” Thủ tướng phê duyệt. Dự án có tổng kinh phí 195 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới là 150 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 45 triệu USD.
Mục tiêu của Dự án nhằm cải thiện quản lý rừng ven biển tại 257 xã của 47 huyện thuộc tám tỉnh ven biển Bắc Bộ (Quảng Ninh, Hải Phòng) và Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế). Trong đó, đặt mục tiêu tăng khả năng chống chịu trước bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng; mục tiêu này hoàn toàn toàn phù hợp Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2016-2020, và Đề án tái cơ cấu ngành, đó là bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nâng cao chuỗi giá trị cho sản phẩm lâm nghiệp, cải thiện khoảng 27 nghìn hộ gia đình tham gia bảo vệ và phát triển rừng ven biển. Dự án cũng sẽ góp phần đạt được mục tiêu chiến lược biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và đóng góp quốc gia.
Dự án này sẽ góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng GDP của quốc gia, bởi tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng là các khu vực phát triển kinh tế trọng điểm phía bắc. Việc cải thiện, phục hồi rừng tại các địa phương này, sẽ góp phần bảo vệ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng ven biển hiện tại và quy hoạch trong tương lai. Sáu tỉnh vùng Bắc Trung Bộ có diện tích rừng lớn, nhiều tiềm năng để phát triển lâm nghiệp; đặc biệt với những thắng cảnh đẹp và nhiều cảng biển, dự án sẽ góp phần tạo tiềm năng phát triển kinh tế xanh và du lịch sinh thái cho khu vực.
QUANG THỌ