Tình trạng thanh thiếu niên đi xe máy lạng lách trốn, tránh CSGT, CSCĐ xảy ra gần đây không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Cách đây vài giờ, bạn Alan Pham chia sẻ clip ghi lại đôi nam nữ còn khá trẻ, điều khiển xe máy nhanh, không đội mũ bảo hiểm phóng qua một chiến sĩ CSCĐ và suýt gây tai nạn. Tuy nhiên, chưa rõ vụ việc xảy ra ở khu vực của tỉnh, TP nào.
Đôi nam nữ phóng nhanh, không đội mũ bảo hiểm suýt đâm vào chiến sĩ CSCĐ. Clip của Alan Pham
Alan Pham cho rằng, nếu như đôi trẻ này bị bắt hoặc ngã ra đây, thì chắc là em đã bị oan gia! Có lẽ các cơ quan chức năng nên suy nghĩ về những biện pháp thực thi pháp luật kiểu này, rất nguy hiểm cho mình và người tham gia giao thông khác.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài biện pháp bung lưới, dùng gậy, giải pháp hiện nay hay được lực lượng chức năng dùng là CSGT, CSCĐ xuất hiện… bất thình lình chặn xe.
Điển hình là vụ chiến sĩ CSGT huyện An Lão (Hải Phòng) vừa qua bị đối tượng vi phạm hất văng trên đường.
Trong trường hợp hành vi bỏ chạy như vậy có thể để lại hậu quả nghiêm trọng như chống đối cảnh sát, gây tai nạn cho người đi đường,… và sẽ bị xem xét xử lý hình sự.
Khi phát hiện người vi phạm có lỗi nhẹ nhưng không chịu tuân thủ hiệu lệnh thì CSGT được quyền ghi lại biển số xe của người vi phạm rồi thông báo cho các chốt kiểm tra liền kề hoặc các tổ tuần tra để kịp thời ngăn chặn.
Trao đổi với chúng tôi, nguyên thượng tá Nguyễn Văn Quỹ – cán bộ Đội CSGT số 1 – Phòng CSGT – CATP.Hà Nội cho biết, Thông tư 01 của Bộ CA quy định rất rõ quy trình tuần tra, xử lý, kiểm soát TTATGT trong đó, phải đảm bảo tuyệt đối cho mình và người tham gia giao thông.
Với trường hợp xảy ra tại Hải Phòng, một thiếu niên tông trực diện vào chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ là sự việc rất đáng tiếc. Trong trường hợp này, việc gia đình, người thân giao xe cho người chưa đủ tuổi là hoàn toàn sai luật.
Tuy nhiên, bản thân chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ cũng thiếu kinh nghiệm trong xử lý tình huống.
Với lỗi vi phạm hành chính này, chúng ta có thể ghi lại BKS, thông báo cho CSGT 1, CSGT 2 để ra hiệu lệnh dừng xe, không nhất thiết phải lao ra khiến người vi phạm giật mình gây nguy hiểm cho chính mình và bản thân họ.
“Do đó, lực lượng CSGT, CSCĐ khi làm việc ngoài đường cần được phổ biến, tập huấn kỹ năng nghề nghiệp, tránh những vụ việc như vừa qua” – nguyên thượng tá Quỹ cho hay.
Theo luật sư Nguyễn Trung – Đoàn luật sư Hà Nội, với hành vi “tăng ga bỏ chạy” khi cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe sẽ bị xử phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng theo điểm m Khoản 4 Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong một tháng theo Khoản 10, Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP.
Quang Hiệu Theo Báo Lao động