Print Thứ bảy, 23/11/2019 18:05 Gốc

Do việc chế tạo, mua bán tương đối dễ dàng nên số lượng súng tự chế trôi nổi trên thị trường đen khá nhiều, khó kiểm soát. Từ trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, CATP Hải Phòng nói riêng và lực lượng CAND nói chung đã kiến nghị khẳn cấp Chính phủ có biện pháp, chế tài để xử lý nghiêm minh những hành vi liên quan đến loại vũ khí này. Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30-6-2011 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chính là “cây gậy pháp lý” để lực lượng công an đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi vi phạm.

Súng bút tự chế

Điểm lại, năm 2012, trên địa bàn Hải Phòng xảy ra 36 vụ án liên quan đến súng tự chế. Trong đó, qua công tác phòng ngừa, lực lượng CATP đã bắt 15 vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán. Riêng tội phạm sử dụng vũ khí gây án là 21 vụ (3 vụ giết người, 7 vụ cố ý gây thương tích, 2 gây rối TTCC, 3 vụ cướp tài sản, 1 vụ chống người thi hành công vụ, tội khác 5 vụ.

Công an các cấp đã bắt 46 đối tượng, thu giữ 26 khẩu súng các loại (6 súng quân dụng, 9 súng colt tự chế, 2 súng gas, 10 súng hoa cải, hàng trăm viên đạn). Năm 2013, toàn thành phố xảy ra 30 vụ, giảm 6 vụ so với năm 2012, tang vật thu giữ 31 súng các loại (1 súng K59, 6 súng Colt xoay, 8 súng tự chế, 7 súng bắn đạn hoa cải, 1 súng dạng K54, 1 súng bắn đạn bi, 5 súng bút, 1 súng hơi cay, 1 súng kíp) và hơn 130 viên đạn các loại… Trong đó, lực lượng Công an đã bắt 13 vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán, gồm 21 đối tượng. Riêng tội phạm sử dụng vũ khí gây án là 17 vụ, cơ quan công an làm rõ 13 vụ, bắt 16 đối tượng.

Năm 2014, thành phố xảy ra 17 vụ, tang vật thu giữ 33 súng (3 súng K59, 7 súng Colt xoay, 8 súng tự chế, 7 súng bắn đạn hoa cải, 1 súng bút, 1 súng AK, 5 súng Rulo, 1 súng bắn đạn cao su) và hơn 50 viên đạn các loại… Từ công tác phòng ngừa, lực lượng công an đã bắt 14 vụ chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán gồm 14 đối tượng. Tội phạm sử dụng vũ khí gây án là 3 vụ đều được điều tra, làm rõ.

Qua phân tích trên cho thấy, từ khi có Pháp lệnh số 16, công tác đấu tranh với tội phạm có liên quan đến súng tự chế được tăng cường đẩy lên một bước, khiến tình hình TTATXH được cải thiện rất nhiều. Theo đó, tất cả các hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán, sử dụng súng tự chế khi điều tra khám phá, đều được cơ quan điều tra trưng cầu giám định. Khẩu súng tự chế nào có tính năng tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng thì đương sự liên quan đều bị xử lý hình sự về hành vi đó.

Cùng với việc “bẻ ngọn”, lực lượng CATP cũng tích cực “triệt gốc” mà chuyên án triệt xóa ổ nhóm chuyên sản xuất súng bút do Võ Tiến Đạt, sinh 1986, ở phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, là một ví dụ. Nhóm này tìm tới những thợ cơ khí giỏi lành nghề, đặt chế tạo những bộ phận như vỏ súng, kim hỏa, cò… sau đó mang về lắp ráp để tạo thành những khẩu súng bút.

Đạn do chúng trực tiếp chế tạo. Ngày 12-6-2013, CAQ Lê Chân và lực lượng CSHS bất ngờ tập kích xưởng sản xuất súng của vợ chồng Dương Minh Nhất, sinh 1975, ở phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân, thu tại chỗ 5 súng bút, 2 súng kíp, hoa cải, 1 lựu đạn mỏ vịt, 45 viên đạn và nhiều ống kim loại dạng hộp tiếp đạn, phôi súng bút, phôi súng colt xoay cùng nguyên vật liệu, máy móc…

Đối tượng Dương Minh Nhất

Nhất khai sản xuất súng bút bán 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/khẩu, súng colt xoay 8-10 triệu đồng/khẩu. Sau này, Dương Minh Nhất đã phải lĩnh bản án 12 năm tù… Điều đó lý giải vì sao tình hình đối tượng tàng trữ, sử dụng vũ khí nóng gây án đến năm 2015 giảm mạnh so với năm 2014; chỉ xảy ra 5 vụ, giảm 12 vụ, tang vật thu giữ 6 súng các loại (2 súng Colt xoay, 2 súng tự chế dạng súng col, 1 súng bắn đạn hoa cải, 1 súng gas bắn bi). Năm 2016 tiếp tục giảm chỉ xảy ra 2 vụ, tang vật thu giữ gồm 4 súng. Năm 2017 xảy ra 6 vụ, tăng 4 vụ so với năm 2016, tang vật thu giữ 6 súng các loại và hơn 15 viên đạn.

Đặc biệt, từ 1-1-2018 đến nay, trên địa bàn Hải Phòng chỉ xảy ra 5 vụ có liên quan đến vũ khí nóng, gồm 4 vụ tàng trữ, 1 vụ sử dụng (giết người). Điều đáng nói, tất cả số súng trong các vụ án trên đều là vũ khí quân dụng. Còn các vụ tàng trữ súng tự chế nhưng có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng lại không xử lý được.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hành chục vụ tang trữ, mua bán, sử dụng súng tự chế xảy ra. Điển hình: Ngày 17-8-2019, qua kiểm tra hành chính Đoàn Mạnh H., sinh 1990, ở đường Ngô Quyền, phường Máy Chai, CAQ Ngô Quyền đã thu giữ 1 khẩu súng dạng colt xoay và 9 viên đạn, song chỉ xử lý hành chính với H. vì khẩu súng thuộc dạng vũ khí tự chế.

Do mâu thuẫn, khoảng 23h45 ngày 18-10-2019, Lê Văn D. đi xe máy đến cầu vượt BigC, đường Lê Hồng Phong, thuộc phường Đằng Hải, quận Hải An, bị Đoàn Mạnh Hùng (còn gọi Hùng “bò”), sinh 1990, ở phường Máy Chai. Hai bên xảy ra cãi nhau, Hùng “bò” dùng súng hoa cải bắn 2 phát khiến D. bị thương phải đi viện cấp cứu. Nghiêm trọng hơn, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên xảy ra 3 vụ sử dụng súng tự chế để gây án, trong đó có 2 vụ cố ý gây thương tích, 1 vụ giết người xảy ra tại xã Kỳ Sơn vào ngày 4-8-2018…

Điều gì đang xảy ra? Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật số 14/2017/QH14 về Quản lý sử dụng VK-VLN-CCHT có hiệu lực đã vô hiệu Pháp lệnh 16. Theo báo cáo của một đơn vị công an quận, việc VK-VLN-CCHT được nhà nước và các đơn vị chức năng quản lý rất chặt chẽ. Hầu như các VK-VLN-CCHT do nhà nước sản xuất rất ít khi rơi vào tay tội phạm. Do vậy, đối tượng hình sự ngoài xã hội khó tìm được vũ khí từ nguồn chính thức này nên chuyển sang sản xuất, tàng trữ, sử dụng, mua bán các loại súng tự chế.

Đặc biệt hiện nay, các đối tượng lợi dụng mạng internet, các trang mạng xã hội để mua bán trái phép các VK-VLN-CCHT gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong phát hiện, xác minh, điều tra xử lý. Tại khoản 6 Điều 3 Luật quản lý sử dụng VK-VLN-CCHT quy định các loại “Vũ khí có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng”, không nằm trong Khoản 2 Điều 3 “Vũ khí quân dụng” đã tạo nên cách hiểu “Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng” chỉ được coi là “vũ khí” nói chung.

Do vậy, “Vũ khí có tính năng tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng” không thuộc đối tượng của tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” được quy định tại Điều 304 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Bởi thế, các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hình sự mà chỉ có thể xem xét xử lý trách nhiệm hành chính. Những trường hợp sử dụng để gây án, xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người thì xem xét, xử lý theo các tội danh tương ứng theo quy định của BLHS.

Trong những ngày vừa qua, tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 khóa XIV đã ghi nhận ý kiến của các vị đại biểu tham gia vào Luật sửa đổi bổ sung Điều 3 Luật quản lý sử dụng VK-VLN-CCHT. Trong đó đã tập trung vào một số ý kiến như: Quản lý vật liệu nổ, súng tự chế vẫn còn kẽ hở. Nếu không quản lý chặt và có chế tài xử nghiêm sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy.

Nhà nước cần phải ban hành lại danh mục vũ khí, gồm cả vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng mới đủ căn cứ xử lý hình sự các vi phạm tàng trữ, chế tạo, vận chuyển, buôn bán. Hành vi này nếu không bị khởi tố, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ làm gia tăng tình hình tội phạm, ảnh hưởng xấu đến TTATXH…

Có thể nói, để kịp thời khắc phục những khó khăn vướng mắc, không để khoảng trống pháp lý trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 14/2017/QH14 về quản lý, sử dụng VK-VLN-CCHT nhằm bảo đảm tương thích với BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 về xử lý các hành vi nói trên.

Xuân Ngọc

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hiểm họa súng tự chế – Kỳ 2: Đã có “gậy pháp lý”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác