Người dân thành phố khi lưu thông trên các tuyến đường đôi khi bị giật mình bởi những tiếng nổ và đám cháy tại cột điện. Đặc biệt, những người sinh sống dưới các cây cột điện luôn nơm nớp với việc “bà hỏa” có thể ghé thăm bất cứ lúc nào.
Tình trạng cháy nổ trang thiết bị trên cột điện không còn lạ với bất cứ người dân nào, nhất là vào thời tiết hanh khô, nắng nóng đỉnh điểm…
Chỉ tính riêng 6 ngày (từ ngày 27-2-2019 đến 4-3-2019), toàn thành phố đã xảy ra 7 vụ. Điển hình là vào hồi 3h ngày 1-3, người dân xung quanh khu vực số nhà 228 Trần Tất Văn, quận Kiến An đã vô cùng hoảng hốt khi chứng kiến cột kiện gần đó sau tiếng nổ lớn đã bốc cháy ngùn ngụt.
Hay 16h30’ ngày 3-3, tại đường Lê Duẩn, cùng quận Kiến An cũng đã xảy ra cháy thiết trên cột điện. Rất may, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã nhanh chóng dập tắt, không để phát sinh đám cháy lớn.
Theo Cơ quan chức năng, tình hình tai nạn cháy, nổ diễn ra ngày càng phức tạp theo chiều hướng gia tăng trên địa bàn. Trong đó, rất đáng lưu ý là tình trạng cháy, nổ các thiết bị trên cột điện. Nhất là vào cao điểm những đợt năng nóng, sự cố về cháy, nổ thiết bị trên cột điện khá nhiều.
Điều đáng nói, các vụ chập cháy trên xảy ra ở cả địa bàn nông thôn lẫn khu vực nội thành và chủ yếu vào ban đêm, giữa khu dân cư đông đúc, gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của các hộ dân sinh sống liền kề.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH dập đám cháy. Ảnh minh họa
Tình trạng chập cháy trên cột điện ngoài thiệt hại về thiết bị điện còn gây mất điện cục bộ hoặc mất điện trên diện rộng. Điều này khiến sản xuất tại các cơ sở trong khu vực bị đình trệ, gây thiệt hại về kinh tế, đồng thời làm xáo trộn sinh hoạt của người dân.
Không chỉ vậy, việc khắc phục thường phải kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp dịch vụ và làm giảm uy tín của ngành điện, gây nên bức xúc không đáng có của khách hàng, nhất là mùa nắng nóng.
Ông Nguyễn Văn Hà, trú tại phường Hàng Kênh, quận Lê Chân cho biết: “Cảnh dây điện, dây cáp treo lơ lửng trên các cột điện quá đỗi quen thuộc. Dù thành phố đã tiến hành chỉnh trang, bó gọn các đường dây lại nhưng chẳng thấy bớt đi là mấy. Đi dưới, nhiều khi, người dân chúng tôi cũng cảm giác như sắp rơi vào đầu…
Tôi đã từng chứng kiến cảnh cháy cột điện và thực sự ái ngại. Khu dân cư chúng tôi đông như vậy, nếu cột điện cháy, cháy lan sang nhà dân rất nguy hiểm”.
Cũng theo Cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chập cháy trên cột điện. Trong đó, đầu tiên phải kể đến chất lượng hệ thống dây dẫn điện lưới không bảo đảm bởi nhiều lý do khách quan như bị mục ải, do tác động của ngoại lực. Cùng với đó, nhiều thiết bị bảo vệ không được thay thế kịp thời, gây ra hiện tượng chập sinh tia lửa điện, dễ chạm, chập gây cháy.
Cá biệt, hộp bảo vệ công tơ điện thay vì phải làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy, thì đa số lại làm bằng nhựa. Khi xảy ra sự cố, lửa dễ lan sang các thiết bị khác.
Rồi nữa, thông thường thiết bị chuyên dùng về điện hay gặp sự cố. Phổ biến thường gặp là việc đóng ngắt mạch điện thao tác không đúng quy định, thiết bị lâu ngày không được bảo dưỡng.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng cháy các thiết bị trên cột điện bởi hiện nay cột điện được bao quanh bởi vô vàn đường dây chằng chéo và “khuyến mại” thêm kèm theo cả những tấm quảng cáo… Đó còn là ý thức sử dụng điện năng của người dân kém, gây lãng phí, quá tải.
Để hạn chế tình trạng cháy, nổ thiết bị trên cột điện, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH – CATP đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, chính quyền địa phương và người dân kịp thời cứu chữa, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra ở nhiều vụ cháy.
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, đơn vị đã và đang tổ chức cho CBCS huấn luyện các phương án chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, ứng cứu kịp thời khi có tình huống cháy nổ xảy ra. Về Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, hàng năm, thường xuyên nâng cấp, sửa chữa, duy tu hệ thống điện.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH – CATP đề nghị ngành Điện tiếp tục kiểm tra thay thế, bảo dưỡng các biến áp, trụ điện và đường dây tải điện; có biện pháp xử lý kịp thời khắc phục sự cố về điện dẫn đến quá tải hay ma sát chập điện gây cháy nổ; tăng cường kiểm tra các cột điện, kiểm tra nhiệt độ các thiết bị để chủ động phòng tránh sự cố quá tải, chạm chập điện gây cháy nổ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH – CATP cũng đề nghị khi phát hiện sự cố xảy ra, người dân cần bình tĩnh điện báo ngay cho cơ quan PCCC thành phố và đơn vị quản lý lưới điện trong khu vực. Nhất là lúc lực lượng chữa cháy đến hiện trường, người dân hãy tạo điều kiện để công tác khắc phục sự cố diễn ra nhanh chóng, hiệu quả.
MINH PHƯƠNG