Print Thứ Bảy, 20/04/2019 10:14

Với đặc thù của tỉnh miền núi, hải đảo, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống không tập trung, điều kiện sản xuất, hạ tầng kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, Quảng Ninh có 22 xã, 154 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ. Để nâng cao đời sống cho người dân khu vực này, trong những năm qua, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực thực hiện các chương trình giảm nghèo, đặc biệt thông qua Đề án 196 để đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020…

Đầu tư hạ tầng đưa các xã thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn ở tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: CTV

Đến nay, diện mạo khu vực các xã, thôn ĐBKK có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên đáng kể: các xã có đường ô tô đến trung tâm xã, đường giao thông thôn, xóm cơ bản được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế; có đủ cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, duy trì, nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 92,8% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 80% số thôn, bản đạt chuẩn văn hóa.

Tinh thần giảm nghèo, quyết thoát diện xã, thôn 135 đã được lan tỏa mạnh mẽ từ nhận thức của cán bộ đến người dân ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Cán bộ quyết tâm triển khai thực hiện để xã, thôn mình phấn đấu về đích sớm so với lộ trình được phê duyệt; nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân.

Người dân đã đồng thuận, tích cực, chủ động tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển hạ tầng, sản xuất, các mô hình kinh tế mới, đời sống được nâng lên nên đã chủ động viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, tính đến hết năm 2018, tỉnh Quảng Ninh còn 12 xã, 8 thôn, bản nằm trong diện đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ.

Tỉnh đặt mục tiêu hết năm 2019 sẽ đưa tất cả các xã này ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 của Chính phủ. Để hoàn thành mục tiêu này năm 2019, tỉnh đã bố trí 500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, huy động nguồn vốn xã hội hóa và vốn tín dụng gần 600 tỷ đồng để hỗ trợ các xã, thôn đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng.

Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc phân khai chi tiết kế hoạch vốn hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng, thẩm định và triển khai các dự án phát triển sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển thương hiệu sản phẩm.

Năm 2019 được xác định là năm nước rút hoàn thành Chương trình 135 tại Quảng Ninh. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Đọc chỉ đạo, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, không chạy theo thành tích thoát diện xã, thôn đặc biệt khó khăn kiểu hình thức mà phải đi vào thực chất và bền vững.

Vì vậy, bằng mọi biện pháp huy động được người dân vào cuộc, chính cán bộ các xã, thôn đặc biệt khó khăn đó phải thực sự quyết tâm thoát khỏi diện 135.

Quảng Ninh phấn đấu trong năm nay sẽ đưa các xã, thôn còn lại hoàn thành Chương trình 135; không còn xã đặc biệt khó khăn và cơ bản không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn; giảm 0,4% tỷ lệ hộ nghèo, tương đương gần 1.400 hộ.

Bám sát chỉ đạo của Trung ương và bằng những cách làm quyết liệt, sáng tạo của tỉnh, 3 tháng đầu năm 2019, 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và Đề án 196 đã được các địa phương triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả. Tỉnh tiếp tục ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn năm nay cao hơn so với mọi năm để hỗ trợ các địa phương hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu, mục tiêu. Cũng từ việc lồng ghép nguồn lực các chương trình đã tạo sức mạnh hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long yêu cầu các địa phương khuyến khích người dân tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất; có hình thức động viên khen thưởng kịp thời các xã, thôn thực hiện tốt các chương trình, đặc biệt là các hộ nghèo có ý thức vươn lên thoát nghèo để lan tỏa trong cộng đồng, trở thành phong trào tại các xã, thôn thuộc diện 135.

“Từ sự động viên khích lệ kịp thời để mỗi người dân nâng cao ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo, tham gia phát triển sản xuất, có như vậy, mọi nguồn lực, sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của nhà nước mới thực sự hiệu quả” – đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

HẢI HẬU

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hết năm 2019, Quảng Ninh không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác