Print Thứ bảy, 26/01/2019 17:15

Trận mưa lớn ngày 21-7 vừa qua trên địa bàn thành phố, có lượng mưa lên tới 265 mm gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều tuyến đường, ngõ đô thị khiến giao thông ngừng trệ, ảnh hưởng xấu đến đời sống và đi lại của nhân dân. Phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng về thực trạng hệ thống thoát nước và giải pháp thoát nước đô thị hiện nay.

– Trước thực tế xảy ra nhiều điểm ngập lụt nghiêm trọng trong trận mưa lớn vừa qua, ông đánh giá thế nào về hệ thống hạ tầng và năng lực thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố hiện nay?

– Do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, 3 năm trở lại đây, đều xuất hiện những trận mưa lớn, lượng mưa từ 150 mm- 265mm. Cá biệt những trận mưa lớn như vào ngày 12- 5- 2017 hơn 180 mm; ngày 21-7 vừa qua là 265 mm. Gần đây, hệ thống thoát nước đô thị được thành phố quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực với 14 cống ngăn triều, gần 700 km đường ống và  25.000 ga cống các loại. Tuy, đô thị Hải Phòng hình thành từ lâu nhưng hệ thống thoát nước chắp vá, chưa hoàn thiện, đồng bộ, chỉ chịu được tối đa trận mưa có mực nước từ 100 mm trở xuống. Hệ thống hồ điều hòa tổng diện tích hơn 70 ha. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, tổng diện tích hồ điều hòa cần khoảng 200 ha mới đáp ứng yêu cầu thoát nước.


Trận mưa lớn ngày 21-7 vừa qua trên địa bàn thành phố gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều tuyến đường, khiến giao thông ngừng trệ. Ảnh: Vũ Dũng

Từ năm 2003 đến 2007, Dự án thoát nước và vệ sinh Hải Phòng được triển khai, cải tạo một phần hệ thống thoát nước của thành phố tại các phố Trần Quang Khải, Đà Nẵng, Mê Linh và một số tuyến nhỏ; xây dựng 2 trạm bơm nước mưa Máy Đèn và Vĩnh Niệm với công suất mỗi trạm đạt 9m3/giây; cải tạo hai tuyến mương Đông Bắc, Tây Nam; xây mới hồ điều hòa Phương Lưu và cải tạo các hồ điều hòa: Cát Bi, Dư Hàng, Lâm Tường, Tiên Nga, Hồ Sen… Với sự quan tâm đầu tư của thành phố và Sở Xây dựng, công ty đề xuất và thực hiện cải tạo hệ thống thoát nước, nâng cốt nền, làm hai van chặn hai đầu phố Nguyễn Bình giáp phố Văn Cao và Lạch Tray. Năm 2017, đặt bổ sung tuyến cống D800 để giảm thiểu ngập lụt ở phố Minh Khai. Phố Trần Nguyên Hãn được cải tạo ga thoát, miệng ga thu nước. Phố Đông Trà (phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) được đặt cống D1000 thoát nước, giảm tải ngập lụt phố Đình Đông, Bốt Tròn. Khu Đông Hải 1 (Hải An) được nạo vét cống hộp, đặt một số tuyến cống, cải thiện đáng kể ngập lụt. Các ngõ trên các quận Ngô Quyền, Hải An,  Lê Chân được công ty chủ động lên các phương án đặt thêm cống D400 đến D600 để tiêu thoát nước. Nhờ đó, các khu vực trên giảm rõ rệt ngập lụt khi mưa lớn.

Tuy nhiên, trong trận mưa lớn vừa qua, nhiều tuyến phố bị ngập, trong đó một số “điểm đen” xung yếu ngập lụt kéo dài nhiều giờ, nước rút chậm do hệ thống thoát nước kém như ở các tuyến phố: Lê Lợi, Cấm, đầu phố Tô Hiệu tiếp giáp ngã tư Thành Đội, ngã 3 Thượng Lý, Đình Đông- Bốt Tròn, An Đà…

– Công ty triển khai biện pháp ứng phó ra sao để giảm thiểu tác động xấu đến đời sống người dân?

– Công ty xác định tầm quan trọng của hạ tầng thoát nước, nhưng việc vận hành hệ thống thoát nước cũng là yếu tố then chốt. Công ty triển khai giải pháp quản lý hệ thống mương, hồ, điều hòa, miệng xả, hố ga thoát nước mưa, nước thải.

Trong trận lụt vừa qua, công ty huy động 100% số công nhân khắc phục, trực canh, mở toàn bộ ga thoát nước; khơi thông toàn bộ nắp ga xả nước (hơn 100 nắp xả). Sở Xây dựng chỉ đạo công ty bố trí điểm cảnh báo nguy hiểm, có người trực ở hai đầu đường hướng dẫn, để người dân tránh điểm ngập lụt. Sau mưa, công ty huy động toàn bộ lực lượng kiểm tra lại tất cả vị trí ngập lụt, đặc biệt các ngõ ngập sâu. Công ty có giải pháp trước mắt: bố trí máy bơm, xe hút nhanh nước ra ngoài mương giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của nhân dân khu ngập lụt…

Tuy nhiên một số tuyến phố dù được nâng cấp năng lực thoát nước, vẫn ngập lụt nặng nề khi mưa lớn là do nhiều dự án nâng cấp đô thị đang triển khai tác động trực tiếp đến hệ thống thoát nước. Trong đó, dự án thoát nước mưa, nước thải và xử lý chất thải rắn đang triển khai làm ảnh hưởng hệ thống thoát nước ở khu vực  phường Đồng Quốc Bình hay tuyến đường Văn Cao (quận Ngô Quyền) làm tắc hệ thống dẫn dòng, hoành triệt cống thoát. Công ty bố trí máy móc phá toàn bộ điểm hoành triệt là các bao tải cát và cọc lasen, cọc cừ… ở đầu phố Văn Cao và cầu vượt Lạch Tray; khơi thông 3 miệng xả cống D1000 từ Đồng Quốc Bình chảy vào mương An Kim Hải… để chống lụt cho khu Đồng Quốc Bình, Văn Cao, An Đà…

Hệ thống dẫn dòng cống Ba Tổng thoát nước cho khu Quán Nam, Dư Hàng Kênh, Kênh Dương, Lạch Tray, Văn Cao… chỉ chịu được lượng mưa nhỏ. Trận mưa vừa qua, công ty chủ động đào thêm kênh dẫn dòng rộng 3m, dài hơn 100 m đưa nước chảy ra ngoài sông, giảm thiểu ngập lụt cho khu vực trên.

-Đâu là giải pháp căn cơ để giảm thiểu, tiến tới khắc phục triệt để tình trạng ngập lụt đô thị trong thời gian tới?

-Trước mắt, công ty tham mưu với Sở Xây dựng và UBND thành phố giải pháp vận hành tốt hệ thống thoát nước, giảm thiểu ngập lụt. Công ty cải tạo, đặt mới cống D1000 từ phố Lê Lợi ra mương Đông Bắc (dọc phố Cấm) trong quý 4 tới để giải quyết đáng kể tình trạng ngập lụt phố Lê Lợi. Khu vực Thượng Lý (quận Hồng Bàng) ngập sâu do Công ty CP Thương mại Nam Sông Cấm khi triển khai dự án đã lấp mương, hoàn trả lại một đường cống D1500 nhưng không đủ tiết diện thoát cho khu vực này. Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước đang đôn đốc doanh nghiệp làm thêm đường cống D1500 theo yêu cầu của thành phố. Với khu vực quận Hồng Bàng, công ty tiến hành đặt thêm hai trạm bơm nước mưa ở cửa xả các phố Lãn Ông và Trần Quang Khải, tránh ngập lụt đô thị cũ. Công ty đề nghị các quận đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước đồng bộ với hệ thống ngõ, ngách đang được cải tạo theo cơ chế hỗ trợ xi măng của thành phố. Công ty xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo điểm ngập lụt đưa lên trang web của đơn vị, cung cấp thông tin tới Cảnh sát giao thông để hỗ trợ cảnh báo, điều tiết giao thông giảm thiểu tai nạn, thiệt hại cho người dân.

Về lâu dài, đề nghị thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai hiệu quả cao quy hoạch thoát nước mặt và quy hoạch thoát nước mưa, nước thải thành phố đến năm 2025 vừa được thông qua. Công ty hợp tác quốc tế với các đơn vị chức năng của thành phố Kitakiushu (Nhật Bản) đưa ra bộ quy trình vận hành hệ thống thoát nước mương, hồ, trạm bơm bảo đảm bài bản,  khoa học. Thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu sớm hoàn thiện các dự án giao thông, đô thị đang thi công, tạo sự kết nối hạ tầng thoát nước đồng bộ. Đồng thời, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn nhằm nâng cấp hệ thống thoát nước ở các quận: Hải An, Ngô Quyền, Hồng Bàng. Đề nghị thành phố chỉ đạo xây dựng bổ sung thêm các hồ điều hòa, phục vụ điều tiết nước, tránh ngập lụt khi mưa lớn…

Phạm Lượng – Báo Hải Phòng 28/7/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hệ thống thoát nước đô thị – Sớm đồng bộ hạ tầng, xóa “điểm đen” ngập lụt
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác