Sau hơn 1 tháng triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt theo Quyết định số 1953/2022/QĐ-KBNN ngày 29/4/2022 của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN), đến ngày 22/5/2022, tại các đơn vị thuộc và trực thuộc KBNN Hải Phòng không còn phát sinh thu, chi tiền mặt tại đơn vị.
Kết quả này không chỉ tạo tiền đề để đơn vị xây dựng thành công mô hình kho bạc 3 không (không giao dịch bằng tiền mặt-không khách hàng đến giao dịch-không chứng từ giấy), còn giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thu nộp NSNN, khẳng định của đồng chí NGÔ DUY HÙNG, Giám đốc KBNN Hải Phòng khi trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng về quá trình triển khai “Kho bạc không tiền mặt”.
. Với kết quả đạt được, KBNN Hải Phòng là đơn vị đầu tiên trong toàn hệ thống KBNN đạt được mục tiêu “Kho bạc không tiền mặt”. Đề nghị đồng chí cho biết, đơn vị triển khai những giải pháp nào để đạt kết quả này?
. Hoàn thành mục tiêu “Kho bạc không tiền mặt” là kết quả thể hiện sự nỗ lực của toàn thể ban lãnh đạo và công chức KBNN Hải Phòng trong việc thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ, cũng như theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt, ngày 6/5/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ KBNN Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 199, trong đó đề ra 2 quan điểm và 4 mục tiêu nhằm quán triệt đến toàn thể công chức trong đơn vị thực hiện 10 biện pháp chủ yếu để thực hiện đề án. Trên cơ sở nghị quyết, Ban lãnh đạo KBNN Hải Phòng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng nghiệp vụ, KBNN trực thuộc, phân công chi tiết, thời hạn thực hiện và trách nhiệm của từng cá nhân trong việc triển khai thực hiện đề án, cụ thể: xin ý kiến KBNN về chủ trương thực hiện đề án, trong đó thực hiện nội dung không tổ chức thu/chi tiền mặt tại trụ sở KBNN Hải Phòng và các KBNN trực thuộc; báo cáo UBND thành phố; trao đổi, thảo luận với các cơ quan thu, cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt là tạo được sự đồng thuận của các đơn vị sử dụng ngân sách; xây dựng phương án cụ thể để trao đổi, vận động, thuyết phục người dân, doanh nghiệp và các đơn vị nộp tiền mặt tại các NHTM nơi KBNN Hải Phòng mở tài khoản; xây dựng phương án tập trung các tài sản giữ hộ, các gói niêm phong gửi kho tại các KBNN trực thuộc về Kho cơ quan KBNN Hải Phòng; phương án phân công nhân sự dôi dư trong quá trình thực hiện đề án; xây dựng kịch bản triển khai thí điểm tại cơ quan KBNN Hải Phòng và ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Đông Hải Phòng (từ ngày 4/5/2022 đến 14/5-2022), rút kinh nghiệm sau đó triển khai diện rộng cho các đơn vị trực thuộc.
Bên cạnh đó, KBNN Hải Phòng tổ chức ký thỏa thuận ủy quyền thu tiền mặt và thu phạt vi phạm hành chính với 13 hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng bên, nguyên tắc phối hợp xử lý công việc để tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt tại ngân hàng. Đồng thời, KBNN Hải Phòng tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ của các NHTM về công tác thu NSNN, thanh toán song phương trên cổng dịch vụ công, trên hệ thống thu NSNN của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan; thành lập các nhóm hỗ trợ trực tiếp phối hợp cùng với các NHTM để xử lý các vướng mắc phát sinh hàng ngày. Đặc biệt, KBNN Hải Phòng phân công công chức trực tại cổng cơ quan trao đổi, vận động, thuyết phục người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch bằng tiền mặt tại KBNN Hải Phòng và các KBNN quận, huyện; trực tiếp đưa khách hàng sang NHTM để hướng dẫn thực hiện giao dịch thu chi tiền mặt. Tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng để từ đó người dân và doanh nghiệp hiểu và tự hình thành được thói quen không dùng tiền mặt.
. Theo đồng chí, những lợi ích đơn vị đạt được sau khi triển khai thành công đề án thanh toán không dùng tiền mặt là gì?
. Việc triển khai thành công đề án thanh toán không dùng tiền mặt của KBNN tại KBNN Hải Phòng tạo tiền đề tiết kiệm kinh phí hoạt động của đơn vị trong thời gian tới. Khi trong kho không còn tiền mặt, ấn chỉ có giá, tài sản quý tạm gửi, tạm giữ do KBNN nhận bảo quản, KBNN Hải Phòng có cơ sở thực hiện phân công lại công việc đối với các công chức thủ kho, kiểm ngân; bố trí lại các vị trí, không gian làm việc. Bên cạnh đó, theo ước tính, số kinh phí tiết kiệm được trong 1 năm là hơn 2 tỷ đồng do cắt giảm được các chi phí như: tiền làm thêm giờ, tiền thuê bảo vệ ban ngày; chi phí mua sắm, sửa chữa trang thiết bị kho quỹ; vật tư, văn phòng phẩm; phụ cấp độc hại, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ kho quỹ… Hơn nữa, việc không còn tiền mặt trong kho sẽ giảm rủi ro thất thoát tiền mặt tại các kho bạc quận, huyện.
. Mục tiêu của đơn vị thế nào sau khi thực hiện thành công đề án thanh toán không dùng tiền mặt?
. Thời gian tới, KBNN Hải Phòng tiếp tục tăng cường vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ tiện ích của NHTM và các công cụ thanh toán QR-Code, mobile-money, ví điện tử, mobile-banking,… để nộp NSNN được thuận lợi. Mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ nhà nước của KBNN Hải Phòng tại các hệ thống NHTM; phối hợp với Cục Thuế, Cục Hải quan và các NHTM, các sở, ngành triển khai thu NSNN theo mã định danh khoản thu để giảm thiểu truyền nhận thông tin giữa các cơ quan, tạo điều kiện đẩy mạnh các hình thức thu hiện đại. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thanh toán qua hệ thống KBNN; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức và sắp xếp vị trí việc làm trong hệ thống KBNN đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh TTKDTM; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn khách hàng sử dụng các hình thức TTKDTM trong giao dịch với KBNN.
. Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Minh Châm (thực hiện)