(HPĐT)- Sáng 28-2, Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp bất thường), HĐND thành phố khóa 15 khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị thành phố. Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì kỳ họp.
Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Cao Xuân Liên, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Phó chủ tịch HĐND, UBND thành phố; các đại biểu Quốc hội Hải Phòng; đại biểu HĐND thành phố, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cùng dự họp.
Quyết định nhiều chủ trương quan trọng, cấp bách
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố xem xét, quyết định nội dung đặc biệt quan trong liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội thành phố. Năm 2020 là năm thứ 2 thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Đây cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, Đại hội 16 Đảng bộ thành phố và kỷ niệm 65 năm Ngày Hải Phòng giải phóng. Các nội dung xem xét quyết định tại kỳ họp là rất quan trọng.
Đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị: các vị đại biểu HĐND thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, xem xét quyết định các vấn đề.
Đề nghị công nhận là di sản văn hóa thế giới
Ngay sau phát biểu khai mạc, HĐND thành phố nghe đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố trình bày tờ trình của UBND thành phố về chủ trương khoanh vùng để quản lý, lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan tới cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng.
Theo nội dung Đề án: Dòng sông Bạch Đằng trên địa bàn Hải Phòng trải dài từ ngã ba sông Đá Bạc và sông Giá đến phà Rừng được biết đến là khu vực có nhiều địa danh, di tích lịch sử liên quan đến 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc. Gắn liền với dòng sông lịch sử và trên vùng đấy này hiện còn có nhiều đền, chùa, di tích liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng như: đền thờ tướng quân Trần Quốc Bảo, di tích Bạch Đằng Giang – thị trấn Minh Đức; chùa, động Hang Lương- xã Gia Minh; cụm di tích đền, chùa Thụ Khê – xã Liên Khê; đình Trúc Động, chùa Hạ Sơn – xã Lưu Kiếm… và nhiều những tên đất, tên làng gắn với những chiến tích hào hùng trên dòng sông này. Liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn thành phố có 142 đình, đền, miếu thờ ghi lại công lao các chiến tướng, trong đó phần lớn nằm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên…
Đặc biệt, vừa qua trong quá trình lao động sản xuất, người dân phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên). Qua kết quả khai quật và đánh giá các nhà khoa học, nhà sử học cả nước nhận định: Đây là di tích lịch sử quan trọng liên quan đến các trận chiến trên dòng sông Bạch Đằng. Phát hiện này làm thay đổi nhận thức về cuộc kháng chiến chông quân xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử…Qua những nghiên cứu cho thấy di chỉ bãi cọc Cao Quỳ nói riêng và các di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng nói chung có ý nghĩa, giá trị đặc biệt xét cả trên phương diện lịch sử, văn hóa, khảo cổ và danh thắng. Trong tương lai không xa, cụm di tích này hoàn toàn có thể trở thành khu di tích lịch sử – văn hóa – danh thắng cấp Quốc gia, tiến tới có thể đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới…
Về mục tiêu đề án: Xác định phạm vi khoanh vùng để hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng đến quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên; xây dựng ranh giới phục vụ nghiên cứu quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên; điều chỉnh các quy hoạch liên quan; làm tiền đề để triển khai các dự án khảo cổ, bảo tồn, phục dựng di tích trở thành khu di tích lịch sử – văn hóa – danh thắng cấp Quốc gia, tiến tới di sản văn hóa thế giới; định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi khoanh vùng.
Các dự án và phân giai đoạn thực hiện, trước mắt, trong năm 2020 triển khai dự án khu vực bãi cọc Cao Quỳ với diện tích khoảng 150ha và được chia làm 2 khu vực.
Khu vực 1: Lập dự án khu vực trung tâm bãi cọc Cao Quỳ với diện tích gần 15ha, bao gồm: đường vào bãi cọc mặt cắt nền 18 đến 22m, dài hơn 3,4 km. Bãi đỗ xe kết hợp rừng lim xanh diện tích khoảng 10ha. Khu trưng bày hiện vật khảo cổ diện tích 3 ha, bao gồm các hạng mục: khu bảo tồn tại chỗ bãi cọc, nhà đón tiếp, trưng bày, giới thiệu hiện vật, nhà vệ sinh, quảng trường, đường dạo, vườn cây xanh…
Khu vực 2: Với diện tích khoảng 135ha, trước mắt giữ nguyên hiện trạng, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp, nghiêm cấm xây dựng mới các công trình…
Đồng chí Nguyễn Xuân Bình trình bày tờ trình UBND thành phố về dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vào và khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọ Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên). Quy mô dự án khu bảo tồn di tích bãi cọc Cao Quỳ có tổng diện tích 30 nghìn m².
Tuyến đường vào Khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ: chiều dài tuyến đường hơn 3,4km. Đầu tuyến là nút giao Quốc lộ 10 (Km7+630 lý trình QL10). Điểm cuối tuyến Khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ. Bề rộng nền đường từ 18 đến 22 m.
Xây dựng bãi đỗ xe có quy mô 1 ha, sức chứa 75 ô tô các loại và 400 xe máy. Đồng thời, trồng cây xanh. Tổng diện tích đất hơn 14,8ha. Tổng mức đầu tư dự án hơn 431 tỷ đồng.
HĐND thành phố nghe đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố trình bày tờ trình chủ trương cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền. Địa điểm thực hiện dự án: Tuyến quốc lộ 10 đoạn đi qua huyện Thủy Nguyên. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.280 nghìn tỷ đồng. Thời gian thực hiện năm 2020-2022. Quy mô đầu tư: xây dựng 12,9km đường với quy mô đường cấp III, 4 làn xe; vận tốc thiết kế 80km/h; bề rộng nền 24,5m, bề rộng mặt đường 23,5m…
Tặng mỗi gia đình 1 bộ ấm chén và 1 lá cờ Tổ quốc dịp 13-5
Tiếp đó, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố trình bày tờ trình về quyết định tặng quà nhân dân thành phố nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955- 13-5-2020).
Theo đó, năm 2020, thành phố kỉ niệm 65 năm Ngày Hải Phòng giải phóng trong điều kiện thành phố đạt được những thành tựu quan trọng có tình đột phá trong sự nghiệp phát triển giai đoạn 2015-2020, tiềm lực của thành phố được nâng lên một bậc. Vì vậy, việc tặng quà cho nhân dân thành phố là việc làm cần thiết, khả thi và có tác dụng tích cực đối với sự nghiệp phát triển thành phố (trước đó, thành phố từng tặng quà cho nhân dân trong dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Hải Phòng giải phóng).
Theo số liệu báo cáo đến ngày 20-2-2020, toàn thành phố có 644.324 hộ. Trong đó, số hộ đang sinh sống có hộ khẩu thường trú tại địa phương là 587.888 hộ; số hộ đang sinh sống không có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng có đăng ký tạm trú tại địa phương là 37.666 hộ; số hộ đang sinh sống không có hộ khẩu thường trú và không đăng ký tạm trú tại địa phương là 18.770 hộ. UBND thành phố đề xuất: tặng quà những gia đình có đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng và hiện đang sinh sống trên địa bàn thành phố, tính đến ngày 31-3-2020.
Hình thức quà tặng: quà tặng bằng hiện vật, mỗi suất quà gồm: 1 bộ ấm chén và 1 lá cờ Tổ quốc. Trị giá mỗi suất quà không quá 500 nghìn đồng/suất/hộ. Kinh phí dự kiến 269 tỷ đồng. Thời gian tặng quà bắt đầu từ tháng 5-2020 và hoàn thành trong tháng 6-2020. Riêng cờ Tổ quốc tặng trước ngày 13-5-2020…
Tại kỳ họp, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố trình bày đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng từ ĐT.353 đến cầu Thái Bình (Km0-Km19+645).
Theo đó, mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố có chiều dài hơn 19,6km, mặt cắt sau khi mở rộng B=24,75m (trong đó, dự án BOT đầu tư xây dựng phần đường B=12m); xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước ngang đường. Dự kiến tổng mức đầu tư hơn 973 tỷ đồng.
Trình bày tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cải tạo, mở rộng nút giao thông ngã 5 Kiến An. Điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt tại Quyết định số 04/QĐ-HĐND ngày 15-1-2018 từ 99,2 tỷ đồng thành 155 tỷ đồng. Cụ thể, bổ sung thêm khoảng 1.665 m² diện tích đất phía trước Bưu điện Kiến An, khu vực trước mặt Nhà thi đấu đa năng quận Kiến An phía mặt đường Phan Đăng Lưu.
Tiếp đó, HĐND thành phố nghe Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đình Chuyến trình bày tờ trình của UBND thành phố về quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng trục đường Hồ Sen – Cầu Rào 2, đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường Chợ Con.
Trình bày tờ trình của UBND thành phố về điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; danh mục các dự án đầu tư phải thu hồi đất; mức vốn ngân sách dự kiến cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố năm 2020.
Tiếp đó, HĐND thành phố nghe Trưởng Ban Đô thị Đỗ Mạnh Hiến và Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách trình bày các báo cáo thẩm tra nội dung các đề án, nghị quyết được trình bày tại kỳ họp.
Trong đó, các đồng chí Trưởng Ban HĐND thành phố nhấn mạnh: Việc thẩm tra các nghị quyết, đề án đều được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, khách quan, là căn cứ quan trọng giúp đại biểu trong quá trình xem xét, quyết định tại kỳ họp.
Tin: Văn Cường; Ảnh: Duy Thính