Print Thứ Sáu, 15/12/2023 16:13 Gốc

Hàng năm, vào ngày mùng 4 đến mùng 10 tháng giêng âm lịch hàng năm, Tổng Phục lại mở Hội làng. Cuốn hút nhất vẫn là lễ hội “Mở mặt” và cuộc thi “hát Đúm”.

Nhưng hiện nay chỉ có lễ hội hát Đúm còn tồn tại, đây là lễ hội có truyền thống từ xa xưa và được duy trì đến tận hôm nay trong niềm đam mê không chỉ của các nghệ nhân có tuổi, mà cả ở tầng lớp thanh, thiếu niên. Hát Đúm Thuỷ Nguyên gắn bó với sự hình thành và phát triển dân cư, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng Sông Hồng. Quê hương của Hát Đúm Hải Phòng là xã Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ (Thuỷ Nguyên), nơi có số lượng bài ca, đề tài, nội dung tư tưởng phong phú, đa dạng.

Tết đến, làng lại mở hội tiếng hát vang khắp cả một vùng quê

Theo truyền thống, ngày bắt đầu của hội hát đúm đồng thời cũng là ngày những cô gái của Tổng Phục bỏ chiếc khăn mỏ quạ bịt mặt trong suốt cả năm. Vì thế, hội hát đúm ngày xuân cũng còn là ngày hội “Mở mặt”. Trong những ngày này, các chàng trai, cô gái Tổng Phục (trước đây, ba xã Phục Lễ, Phả Lễ và Lập Lễ thuộc Tổng Phục) thường tập trung để hát đúm tại đình Phục Lễ, một trong những ngôi đình lớn.

Hát đúm, còn được gọi là hát nói là một loại hình dân ca với những làn điệu đối đáp phổ biến trong những dịp hội, hè đầu xuân. Đây là loại hình nghệ thuật được hình thành trong quá trình lao động sản xuất, gắn với những lễ hội và mang nét văn hóa độc đáo của người dân vùng cửa biển, trong đó cái nôi của hát đúm là huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Với nhiều giá trị tiêu biểu, năm 1989 Tổ chức – khoa học – văn hóa của Hội liên hiệp UNESCO công nhận là “Báu vật sống” cho các nghệ nhân Hát Đúm tại Lập Lễ – Thủy Nguyên và được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL ngày 04/9/2018.

Hát đúm cũng có thể diễn ra ở trên đường đi, ngoài cánh đồng khi các tốp trai thanh, gái lịch trong những bộ quần áo truyền thống ngày hội gặp nhau. Họ nắm tay nhau say sưa, hát đối những làn điệu giao duyên thể hiện khát vọng về tình yêu đôi lứa thông qua nhiều câu hát ví von mang đậm chất dân gian của vùng quê. Bài bản của hát đúm rất phong phú. Đầu tiên, khi mới gặp nhau là những câu hát chào, những câu hát mừng, tiếp sau đó có thể là hát hỏi, hát đố, hát họa, hát huê tình, hát cưới… và cuối cùng là hát ra về.

Ngày Hội hát Đúm tại thôn Lập lễ – Thủy Nguyên

Hát Đúm vui nhất là hôm hát giã đám. Lúc này họ trao giữ kỷ vật cho nhau, càng hát càng say, mà đưa ra toàn những bài hát hay, mới nhất từ nỗi lòng sâu kín của họ. Những yêu đương, thương nhớ, những xa cách, chia ly, những hứa hẹn, đợi chờ và hy vọng… Họ mong đợi mùa hội sau, để lại được gặp và nghe tiếng hát của nhau.

Các chàng trai cô gái hát đối đáp trong lễ hội hát Đúm
Hát Đúm nét sinh hoạt trong văn hóa dân gian xưa

Hiện nay khi những giá trị văn hóa truyền thống đang ngày được quan tâm và dần trở thành món ăn tinh thần rất lớn của người dân. Để duy trì cho nghệ thuật hát Đúm phát triển bền vững, tránh tình trạng loại hình hát Đúm bị thiếu “ đất diễn”, huyện Thủy Nguyên đã xây dựng những trung tâm trình diễn di sản hát Đúm tại khu vực, đồng thời tại địa phương cũng thành lập các Câu lạc bộ để luyện tập, giao lưu và bồi dưỡng tài năng trẻ. Thường đến ngày mồng 4 Tết, tổ chức thi đấu chung kết giữa các xã. Địa phương cũng quan tâm mở rộng phạm vi hát Đúm trong các hoạt động ngoại khóa của trường học với sự tham gia của các nghệ nhân vào việc để truyền dạy cho các bạn trẻ. Em Đinh Thị Yến học lớp 8 trường THCS Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên tham gia câu lạc bộ Hát Đúm được hơn 4 năm, cho biết: “Em tham gia Câu lạc bộ hát Đúm là nhờ bố mẹ đã cổ vũ là đi hát Đúm giữ được nét đẹp truyền thống quê hương mình và tôn vinh vẻ đẹp của đất nước. Mới đầu tiên tập thì còn e thẹn, ngại ngùng, không biết hát nhưng các ông bà đã chỉ dậy từng cách luyến, ngắt thế nào và thấy hát Đúm rất hay”.

Bên cạnh những lời ca cổ được ghi chép, sưu tầm thì hát Đúm ngày nay đã vận dụng thêm những điều gần gũi trong cuộc sống hằng ngày. Đây cũng là cách giúp loại hình nghệ thuật dân gian này tiếp xúc các bạn trẻ một cách dễ dàng hơn, hạn chế sự “kén nghe” mà cổ nhân thường hát thâm thúy. Nếu trước kia họ hát bất kỳ lúc nào trong quá trình lao động sản xuất thì hiện nay, nghệ thuật hát Đúm được hệ thống hóa diễn trên sân khấu, từng đôi một lên hát trong khoảng thời gian nhất định sẽ giúp người nghe và người diễn dễ dàng tiếp nhận hơn.

Những làn điệu dân ca truyền thống hay lễ hội Hát Đúm đã gợi lên trong lòng mỗi người một khái niệm mang nét xưa cũ, tính giá trị qua từng thời đại. Dù trải qua bao biến thiên của dòng chảy lịch sử, sự giao lưu với những nền văn hóa mới trước bối cảnh hội nhập, nhưng Hát Đúm cũng như một số hình thái sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống và tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Những ngày xuân, hát Đúm như trỗi dậy một sức sống mới vốn tiềm ẩn từ lâu trong tâm trí và tấm lòng của những người con quê hương Hải Phòng./.

Nguồn: https://haiphongnews.gov.vn/

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hát đúm – Nét đẹp loại hình nghệ thuật dân gian
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác