Mấy ngày gần đây, báo chí trong nước liên tục đưa tin và lên án hành vi đốt pháo sáng của cổ động viên (CĐV) Hải Phòng trong trận đấu tại vòng 6 V-League 2019, giữa Câu lạc bộ (CLB) bóng đá Hà Nội gặp CLB bóng đá Hải Phòng trên Sân vận động Hàng Đẫy vào tối 21-4 vừa qua.
Trước tính chất nghiêm trọng, ngày một “leo thang” của vụ việc, Tổng cục Thể dục Thể thao đã có công văn gửi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) yêu cầu chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tập thể có liên quan và có biện pháp kỷ luật thích đáng, không để tái diễn hành vi tương tự.
Ngày 24-4, Ban kỷ luật VFF đã họp và đi đến kết luận, CLB bóng đá Hà Nội bị “treo sân” một trận, tức là đá trên sân nhà nhưng không có khán giả tới xem; đồng thời cả hai CLB Hà Nội và Hải Phòng phải nộp phạt 70 triệu đồng. Việc xử phạt này là căn cứ vào qui định kỷ luật của VFF: Nếu Ban tổ chức trận đấu nhiều lần để xảy ra việc đốt lửa,đốt pháo nổ các loại, thuốc pháo nổ hoặc để xảy ra các sự việc khác trong sân vận động thì bị phạt từ 30 triệu đồng đến 70 triệu đồng…
Hình thức xử phạt nêu trên đã gây bất bình cho những CĐV chân chính, nhất là CĐV của CLB bóng đá Hà Nội khi họ không được vào sân nhà để xem và cổ vũ cho đội bóng mà mình yêu thích trong trận cầu sắp tới. Dư luận cho rằng, cần phải có biện pháp cứng rắn, mạnh tay với một số CĐV quá khích chứ không nên dừng lại ở việc xử phạt đối với chủ sân và 2 đội bóng như đã từng làm thời gian qua.
CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng trên SVĐ Hàng Đẫy.
Thực tế cho thấy, trong các trận đấu có sự góp mặt của CLB bóng đá Hải Phòng, dù thi đấu trên sân nhà hay sân khách, CĐV Hải Phòng bao giờ cũng là những CĐV “quậy” nhiệt tình nhất. Nếu được đá trên sân nhà hoặc làm khách trên sân Hàng Đẫy thì mức độ quậy phá lại được đẩy lên cao hơn.
Có người cho rằng, người Hải Phòng yêu bóng đá một cách cuồng nhiệt nên mới có những hành động như vậy; nếu xử lý mạnh sẽ làm “nguội” tình yêu bóng đá của người hâm mộ Hải Phòng, ảnh hưởng đến việc thu hút khán giả tới sân và ảnh hưởng tới sự phát triển của bóng đá đất Cảng!? Song, chúng tôi lại cho rằng, những CĐV có những hành vi phản cảm, quậy phá, đốt pháo sáng… trên sân không phải là những người yêu bóng đá đích thực, họ chỉ lợi dụng bóng đá để gây rối, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bóng đá Hải Phòng nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.
Nhìn lại mùa giải V-League 2018, CLB bóng đá Hải Phòng đã phải chi hơn 300 triệu đồng để nộp phạt cho hành vi đốt pháo sáng của CĐV đội nhà. Nếu những CĐV chuyên quậy phá, đốt pháo sáng là những người yêu bóng đá Đất Cảng một cách chân chính, thì chắc chắn, họ sẽ không để CLB mà họ yêu quý phải bỏ một khoản tiền lớn như vậy để nộp phạt!
Trở lại trận đấu giữa CLB bóng đá Hà Nội và CLB bóng đá Hải Phòng vào tối 21-4; chúng tôi được biết, những CĐV này di chuyển trên nhiều xe ô tô, bao gồm cả xe khách loại 45 chỗ, xe 16 chỗ và xe con. Trên đường đến sân vận động Hàng Đẫy, qua phố Xã Đàn (quận Đống Đa), một số CĐV đã đốt pháo sáng ném xuống đường. Có CĐV đi trên chiếc xe ô tô con màu đen còn đốt pháo sáng, mở cửa kính xe ô tô, cầm pháo sáng trên tay khi xe vẫn di chuyển làm náo loạn cả tuyến phố.
Khi tới sân vận động Hàng Đẫy, họ không xuống xe vào sân ngay mà cả đoàn xe đi lòng vòng qua các tuyến phố lân cận để hò hét, đốt pháo sáng. Vào tới khu vực khuôn viên sân vận động, họ tiếp tục đốt pháo sáng. Khi vào trong khu vực khán đài dành cho CĐV Hải Phòng, pháo sáng tiếp tục được đốt lên gây khói mù mịt. Đỉnh điểm, khi cầu thủ của CLB bóng đá Hà Nội bỏ lỡ quả phạt đền thì rất nhiều pháo sáng được đốt trên khán đài, đốt ném xuống sân cỏ, khiến cho lực lượng cảnh sát chữa cháy phải rất vất vả mới dập được lửa và đưa pháo sáng ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trận đấu liên tục bị tạm ngừng vì ảnh hưởng của pháo sáng.
Điều đáng buồn là việc đốt pháo sáng như vậy chỉ do một số cá nhân gây ra ở khu vực khán đài có tới hàng ngàn CĐV Hải Phòng; nhưng những CĐV Hải Phòng khác lại không lên án, thậm chí còn hô hào, cổ vũ, có những lời nói, biểu ngữ không đúng mực; bất chấp, việc đốt pháo sáng rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn CĐV Hải Phòng trong khu vực khán đài dành cho đội khách?
Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc, chúng ta phải có biện pháp xử lý nghiêm hành vi của các CĐV quá khích, đốt pháo sáng trong và ngoài sân cỏ chứ không nên chỉ xử phạt Ban tổ chức và các đội bóng. Việc một số CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng trong và ngoài sân cỏ đã diễn ra nhiều lần và đã có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng.
Điều 318 “Tội gây rối trật tự công cộng” Bộ luật hình sự 2015 đã sửa đổi, bổ sung qui định: “1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:a) Có tổ chức;b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;d) Xúi giục người khác gây rối;đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;e) Tái phạm nguy hiểm.”
Đối chiếu với điều luật, rõ ràng, hành vi đốt pháo sáng là “có tổ chức”, “làm đình trệ hoạt động công cộng” (thi đấu bóng đá) và tái phạm nhiều lần; có dấu hiệu của tội phạm theo điều luật đã viện dẫn nêu trên.
Lực lượng an ninh bảo vệ trận đấu có thể bắt giữ ngay tại sân vận động đối tượng đốt pháo sáng, hoặc dùng máy quay ghi hình lại các đối tượng đốt pháo sáng để triệu tập lên trụ sở cơ quan Công an làm việc; qua đó có căn cứ để điều tra, đồng thời cá thể hóa đối tượng chủ mưu, cầm đầu, xử lý nghiêm trước pháp luật.
Bên cạnh đó, lực lượng an ninh cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát khi CĐV vào sân để phát hiện pháo sáng và các vật dụng bị cấm không được mang vào sân vận động; đặc biệt chú trọng khâu kiểm soát tại cổng vào khu vực khán đài dành cho CĐV Hải Phòng; tăng cường lực lượng an ninh cùng ngồi trên khán đài dành cho CĐV Hải Phòng để trấn áp ngay những hành vi quá khích khi cần thiết.
Một giải pháp mạnh tay chắc chắn sẽ được những người yêu bóng đá nói chung và CĐV chân chính Hải Phòng nói riêng ủng hộ, góp phần loại trừ bạo lực sân cỏ, tạo hình đẹp về tình yêu bóng đá cuồng nhiệt của người dân đất cảng.