Print Thứ Tư, 25/12/2019 07:43 Gốc

Hơn 5 năm qua, ở làng chài Ngọc Sơn (quận Kiến An, Hải Phòng) – góc nhỏ bình yên giữa lòng thành phố Cảng nhộn nhịp, sôi động, nhóm sinh viên Khoa Ngoại ngữ, Trường đại học Hải Phòng vẫn từng ngày miệt mài “gieo chữ… Tây” tới trẻ em nghèo nơi đây, đưa các em đến với thế giới rộng lớn qua từng trang sách.

Hào hứng mong chờ từng buổi học

Gần 3 giờ chiều, mới nghe tiếng xe máy từ xa, các em nhỏ làng chài Ngọc Sơn đã háo hức chạy ra đón, miệng không ngừng nói “Anh Kiên, chị Thủy… đến rồi”. Xe dừng ở sân, “thầy” và “trò” ríu rít. Một hai em nhỏ nhanh nhẹn cầm cặp sách cho các tình nguyện viên, không quên tò mò hỏi về chủ đề buổi học hôm nay.

Buổi học bắt đầu với trò chơi “Ai nhanh hơn” để kiểm tra từ vựng của buổi học trước. Sau màn khởi động đầy tiếng cười, các em nhỏ bắt đầu bài học mới về mô tả màu sắc các đồ vật, con vật, hiện tượng tự nhiên… Xung phong trả lời câu hỏi về màu trời, em Trần Trung Thành – học sinh lớp 6, Trường THCS Lương Khánh Thiện (Hải Phòng) – tự tin, dõng dạc “The sky is blue”. Thành là một trong 9 học sinh của lớp học tiếng Anh cho trẻ em làng chài. Ngoài giờ học, Thành là cậu bé nhút nhát, ngại giao tiếp. Ấy mà mỗi khi đến giờ tiếng Anh, cậu bé nhanh nhẹn, tự tin, chăm chú vào từng bài giảng.

Ngoài cánh cửa lớp, em Như Quỳnh – học sinh lớp 9 Trường THCS Lương Khánh Thiện – vừa bế em, vừa dõi theo bài giảng, lắng nghe, đọc theo ví dụ mà giáo viên đưa ra. Buổi học này, Quỳnh không được tham gia trọn vẹn vì phụ mẹ bế em. Nhưng niềm đam mê của em với môn học này chẳng hề giảm. Bởi Quỳnh tin rằng, mỗi bài giảng giúp em có thêm kiến thức bổ ích để nuôi lớn ước mơ, tự tin vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Lớp học tiếng Anh dành cho trẻ em làng chài là một trong những hoạt động nằm trong dự án Help To Fly do các bạn sinh viên Khoa ngoại ngữ, Trường đại học Hải Phòng thực hiện. Cả lớp hiện có 9 học sinh.

Theo Chủ nhiệm Dự án Help To Fly – Bùi Thị Huyền: “Mỗi em nhỏ là mỗi hoàn cảnh khác nhau, song, điểm chung là đều yêu thích môn học tiếng Anh, chỉ mong đến thứ 5, thứ 7 hằng tuần để tham gia lớp học. Vì vậy, các thành viên trong câu lạc bộ luôn cố gắng “lên lớp” đều đặn, soạn giáo án, bài giảng phong phú, hấp dẫn để mang đến kiến thức bổ ích cho các em”.

Hy vọng về cuộc sống bớt nhọc nhằn, chông chênh

Ham học là vậy, nhưng chặng đường đến với cái chữ của trẻ em nơi đây gặp nhiều khó khăn. Cả làng chài có khoảng 20 gia đình với hơn 80 người dân sinh sống. Năm 2015 trở về trước, mọi sinh hoạt của người dân làng chài diễn ra trên thuyền, nay đậu chỗ này, mai tấp chỗ kia, chòng chành ngày qua ngày. Trẻ em được đến trường đã là khó, được học tiếng Anh lại là điều quá xa xỉ.

“Vì cuộc sống khó khăn nên những người dân luôn quan niệm con em của họ chỉ cần biết chữ. Học hết lớp 9 là phải nghỉ học, theo bố mẹ đánh bắt cá. Để có được buổi học đầu tiên trên thuyền vào cuối năm 2014, các tình nguyện viên phải men theo từng thuyền, gặp từng gia đình để động viên, thuyết phục họ cho con em học ngoại ngữ” – Bùi Thị Huyền chia sẻ.

Sau hơn một năm dạy học trên thuyền, thấy các bạn sinh viên kiên trì, nhiệt tình dạy học cho con em họ, người dân bố trí phòng sinh hoạt chung của cả xóm thành phòng học tiếng Anh cho trẻ em. Căn phòng lợp tôn, chỉ vẻn vẹn hơn 10m2, điều kiện vật chất thiếu thốn, nhưng, với tấm lòng yêu thương, chia sẻ khó khăn với trẻ em nghèo làng chài, các tình nguyện viên trường Đại học Hải Phòng vẫn cặm cụi mang từng con chữ, “gieo” thêm cả niềm tin tới người dân, các em nhỏ nơi đây về một tương lai tươi sáng hơn, về một cuộc sống bớt chênh vênh, chòng chành theo từng con nước…

Mai Dung

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hành trình mang chữ lên… thuyền
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác