Trong một lần trò chuyện với nhà sử học Ngô Đăng Lợi, chúng tôi được ông chia sẻ một câu chuyện thú vị: Ở sâu trong rừng ngập mặn xã Phù Long trên đảo Cát Bà có làng cổ Áng Dài rất đẹp. Địa danh này chỉ người dân địa phương mới biết và hiện nay gần như chưa có khách du lịch nào tới khám phá. Những thông tin ít ỏi nhưng đầy cuốn hút này đã thôi thúc chúng tôi gói ghém đồ đạc lên đường tìm tới ngôi làng cổ này…
Là xã nằm ở phía Tây của đảo Cát Bà, phần lớn diện tích là các đầm phá, Phù Long sở hữu hầu hết những gì độc đáo nhất của thiên nhiên Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà như: hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi triều, rừng trên đảo đá vôi, hang động, tùng áng. Vì vậy, muốn khám phá rừng ngập mặn Phù Long, dụng cụ đem theo phải phù hợp như túi chống nước, giầy dép chuyên dụng, máy ảnh, máy quay gọn nhẹ…
Trước khi lên đường, chúng tôi đã hỏi người quen ở xã Phù Long và được biết để tới rừng ngập mặn có hai cách. Cách thứ nhất là đi thuyền từ bến tàu khách Cái Viềng dọc theo sông Cái Viềng đến sát động Thiên Long. Cách thứ hai là đi tới chợ Phù Long rồi thuê thuyền chở đến “đầm ông Thành”.
Sở dĩ người ta gọi là “đầm ông Thành” vì ông Lê Văn Thành, ở xóm Ngoài, xã Phù Long, đã cùng gia đình sinh sống mấy chục năm trong khu rừng ngập mặn để nuôi trồng hải sản, đắp đê, trồng cây gây rừng, góp phần tạo nên màu xanh ngút ngàn cho khu đầm phá như bây giờ.
Sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết định chọn cách đi đến chợ Phù Long để hỏi thêm thông tin và đường đi tới làng cổ Áng Dài, sau đó mới thuê thuyền đến “đầm ông Thành” để tiếp tục khám phá.
Sau gần 2 giờ đồng hồ di chuyển từ trung tâm thành phố, chúng tôi đã đến được chợ Phù Long và thấy quyết định của mình là đúng đắn. Người dân ở đây rất thân thiện và gần như quen biết nhau hết. Thấy chúng tôi hỏi thăm về “đầm ông Thành” và khu làng cổ, mấy chị bán cá trên bến thuyền hồ hởi cho biết:
“Các em may mắn đấy. Sáng nay ông Thành chở hải sản về chợ, gần trưa sẽ quay lại đầm. Lối vào Áng Dài nằm ngay trong khu vực đầm của ông. Cứ đến gặp ông là biết hết chuyện về làng cổ, có khi còn được chở vào đầm miễn phí ấy chứ!”. Mừng như bắt được vàng, chúng tôi liền hỏi thăm đường vào nhà ông Thành.
Vừa gặp mặt, khi biết ý định của chúng tôi, ông chỉ trao đổi ngắn gọn: “30 phút nữa gặp các cháu ở bến thuyền. Bác chuẩn bị đồ đạc để lên đường luôn”.
Đúng hẹn, chúng tôi chờ sẵn ở chợ Phù Long thì thấy ông Thành lái thuyền từ từ cập vào bến. Với tác phong nhanh nhẹn, ông hướng dẫn chúng tôi ổn định chỗ ngồi rồi nổ máy đưa thuyền ra giữa sông. Chỉ sau vài phút, con thuyền đã xuôi dòng nước, tiến sâu vào vùng rừng ngập mặn xanh ngút ngàn, trải dài như vô tận theo dòng nước.
Và cũng từ đây, câu chuyện về làng cổ Áng Dài dần được ông Thành “bật mí”. Thì ra làng Áng Dài giai đoạn những năm 40-50 của thế kỉ trước vẫn có người ở nhưng chỉ khoảng hơn chục hộ. Quanh làng là cả một khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều loài thảo mộc quý hiếm.
Do địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nên mọi người chủ yếu làm nghề trồng trọt. Sau này, khi chia tách lại địa giới một số xã của huyện đảo Cát Hải, trong đó có Phù Long, người dân ở Áng Dài quyết định di cư ra khu vực quanh chợ Phù Long bây giờ để sinh sống, vừa tiện cho đi lại, vừa tiện việc ra khơi đánh bắt thủy hải sản…
Trong Áng Dài giờ đây chỉ còn lại ngôi miếu cổ (đồng thời cũng là dấu mốc cổng làng), nhiều khu vườn trồng xoài, vải, nhãn và những ngôi mộ cổ mà người dân quyết định không di chuyển. Hàng năm, cứ vào ngày Thanh Minh hay dịp lễ, Tết, những thế hệ con cháu của người dân Áng Dài khi xưa lại cùng nhau “hành hương” về làng cổ thăm lại ruộng vườn và thắp hương cho tổ tiên…
Khi câu chuyện đã vãn cũng là lúc thuyền cập bến “đầm ông Thành”. Từ đây, được ông chỉ dẫn và vẽ lối đi cụ thể, chúng tôi tiếp tục đi bộ hơn 1 km trong khu vực rừng ngập mặn rồi trèo qua một sườn núi cây cỏ mọc ngang đầu mới tới được khu vực ngôi miếu cổ, đồng thời cũng là cổng làng Áng Dài.
Tuy nhiên trước thời điểm chúng tôi đến với Cát Bà, trời đổ mưa liên tục gần một tuần nên cây cối mọc um tùm, vài đoạn đường ngập sâu trong bùn đất, trong khi đó nhiều luồng nước vẫn không ngừng đổ xuống từ trên núi cao.
Chính vì thế, ý định vào tận làng Áng Dài khám phá đã không thể thực hiện được. Tuy nhiên, được đứng trước miếu Áng Dài, phóng tầm mắt ra phía xa xa ngắm những khu đầm phá rộng mênh mông nằm ẩn phía dưới những ngọn núi lớn nhỏ đan xen cũng là một trải nghiệm khó quên.
Đấy là chưa kể dọc theo lối chúng tôi đi là ngút ngàn rừng cây đước, sú vẹt, trang, bần, mắm đang trổ hoa thu hút ong bướm xa gần đến hút mật. Nhiều đoạn, những cành sú vẹt hai bên bờ đầm đan xen vào nhau tựa như một đường hầm màu xanh khiến ai đặt chân đến đây cũng muốn lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ trong đời…
Sau khi trở về từ chuyến đi Áng Dài, trong chúng tôi ai cũng đau đáu một nỗi niềm. Trekking tour (đi bộ đường dài, đi bộ leo núi, đi rừng) đã xuất hiện ở Cát Bà gần chục năm qua, tuy nhiên vẫn phát triển chưa xứng đáng với tiềm năng sẵn có.
Khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn Phù Long là một hành trình mới lạ, là cơ hội để quan sát thực tế sự đa dạng sinh học và các hệ động thực vật đặc thù của khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà.
Nếu đưa vào khai thác trekking tour rừng ngập mặn Phù Long và quảng bá, khai thác tốt, chương trình khám phá rừng ngập mặn là một trong những bổ sung quan trọng vào sự đa dạng các hoạt động du lịch ở Cát Bà và phù hợp với nhiều đối tượng khách nước ngoài trong suốt bốn mùa, đặc biệt là đối với những người yêu thích nhiếp ảnh và khám phá thiên nhiên hoang dã.
Hy vọng trong tương lai không xa, trekking tour sẽ được đầu tư phát triển hơn nữa tại Cát Bà, làm phong phú thêm loại hình du lịch của đảo Ngọc cũng như của thành phố, thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm.
Trí Nguyễn