Ở tuổi xưa nay hiếm, nhà báo Văn Hiền – Trưởng VP Đại diện Tạp chí Người làm báo tại Nghệ An – vẫn hăng say theo đuổi một dự án mà ông cho là có ý nghĩa nhất cuộc đời: Dựng lại chân dung của 380 nhà báo liệt sĩ, trong đó có hơn 19 nhà báo nữ.
Bạn ngã xuống nơi nào
Nhâm nhi chén trà trong sân nhà rợp mát bóng cây ở xã Hưng Lộc (TP.Vinh-Nghệ An), Văn Hiền ký tặng tôi cuốn sách “Dáng đứng dưới tầm bom” vừa in vào tháng 9.2018, còn thơm mùi mực. Cuốn sách gồm 2 phần, phần chủ yếu có 25 bài viết tái hiện chân dung, sự nghiệp và khoảnh khắc hy sinh của 25 nhà báo liệt sĩ, người hy sinh đầu tiên là nhà báo, nhà cách mạng Phan Đăng Lưu hy sinh năm 1941 và người hy sinh gần nhất là nhà báo Vũ Hiến, ngã xuống vào tháng 1.1979 tại chiến trường Campuchia.
Là bạn học với Vũ Hiến tại lớp báo chí Trường Tuyên giáo Trung ương từ 1974-1976, Văn Hiền trăn trở muốn biết người bạn thư sinh, giỏi giang đã hy sinh như thế nào. Chính sự đau đáu về sự hy sinh của liệt sĩ Vũ Hiến đã thôi thúc Văn Hiền cầm bút, bắt tay thực hiện kế hoạch tái hiện chân dung, sự nghiệp của các liệt sĩ đồng nghiệp. Từ năm 1988, Văn Hiền được Hội Nhà báo Việt Nam mời tham gia viết lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam. Tiếp xúc với kho tư liệu về báo chí cách mạng, Văn Hiền rất trăn trở khi nhận thấy trong 380 nhà báo liệt sĩ của cả nước, có 19 nữ, 60% nhà báo chưa tìm được hài cốt. Riêng thông tin về Vũ Hiến danh sách có ghi: “Nhà báo liệt sĩ Vũ Hiến thuộc cơ quan báo Hải Quân Việt Nam, tham gia đoàn quân tình nguyện VN, chiến đấu tại chiến trường Campuchia đã hy sinh anh dũng trong lúc làm nhiệm vụ”.
Phải đến năm 1997, Văn Hiền mới sắp xếp, bắt xe đò ra huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) tìm gặp bà Nguyễn Thị Thân, vợ nhà báo Vũ Hiến. Bà Thân cũng ngậm ngùi vì không hiểu chồng mình hy sinh ở đâu, trong trường hợp nào? Tìm tòi mãi đến năm 2002 ông mới gặp được trung tướng Nguyễn Văn Tình – Chuẩn đô đốc hải quân – người trực tiếp chỉ huy trận đánh có nhà báo Vũ Hiến tham gia. Trung tướng Tình kể lại giấy phút Vũ Hiến tác nghiệp trên xe tăng, trúng đạn, “anh ngã xuống như một tia chớp trên tháp pháo, hai bàn tay vẫn nắm chặt máy ảnh”.
Xuôi ngược những chuyến đi
“Nhiều đêm, Vũ Hiến khát sữa, khóc lạc giọng. Lúc mẹ về, Vũ Hiến như chiếc lá đa áp chặt vào ngực mẹ”. Để có những chi tiết có hồn, lay động như vậy, Văn Hiền đã dày công tiếp xúc, trò chuyện với người thân, đồng nghiệp, đồng đội của Vũ Hiến. Không những thế, ông còn lặn lội sang tận Campuchia, nơi chiến trường xưa, để cảm nhận, thấm thía cái không khí bi hùng của khoảnh khắc bạn mình hy sinh. 30 năm qua, tranh thủ những lần nghỉ phép, kết hợp các chuyến công tác và đi chơi với bạn bè, Văn Hiền đã xuôi ngược Bắc Nam không biết bao nhiêu lần. Ông sang tận Lào nhiều lần, đi thăm đường Trường Sơn, vào đến 10 thôn vườn trầu (TPHCM), để đắm chìm trong không gian thiêng – nơi mà máu các nhà báo đồng nghiệp đã tô thắm lá cờ Tổ quốc trong khói lửa chiến tranh. “Nơi đó đất đỏ như máu, không khí có gì đó rất đặc biệt, thiêng lắm”, Văn Hiền thuật lại cảm nhận về lần đến thăm 18 thôn vườn trầu vào một mùa xuân. Ông ám ảnh về sự hy sinh của đồng nghiệp: “Thi thể Nguyễn Cán không nguyên vẹn, chỉ còn lại chiếc máy ảnh đứt quai bên miệng hố bom. Phan Văn Cam bị hai mảnh bom xuyên vào lồng ngực. Nguyễn Cường ôm Cam lay gọi thảng thốt, máu trào từ ngực Cam thấm vào đất đỏ miền Đông”. Những chi tiết đầy sức gợi như vậy có từ đầu đến cuối 200 trang sách.
Cuốn sách dày đặc chi tiết, tư liệu, được thể hiện với một văn phong lôi cuốn, lay động lòng người. 25 nhà báo, mỗi người mỗi số phận, một tính cách, tuy nhiên đều có điểm chung là trưởng thành trong những năm tháng gian nan, vừa cầm bút vừa cầm súng và anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Văn Hiền đã có lối viết đa dạng, tránh theo một mô típ, lối mòn, tránh lặp lại chính mình. “Dựng được chân dung nào, tôi công bố ngay-chủ yếu trên Tạp chí Người làm báo Việt Nam-để mọi người biết và ai có tư liệu gì thì bổ sung thêm” – Văn Hiền cho biết. Cứ thế, thấm thoắt đã 30 năm, ông có tập sách này ra đời.
Sinh năm 1949, xuân này Văn Hiền đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, sức khỏe giảm sút nhiều. Nhưng ông vẫn đau đáu khôn nguôi về ý tưởng dựng lại chân dung của 19 nhà báo nữ đã hy sinh trong chiến tranh. “Tôi đã viết được 10 người rồi, còn 9 người nữa sẽ cố gắng hoàn tất trong thời gian tới. Chỉ cần đôi chân còn đi được, tay còn viết được, thì tôi còn viết về họ” – Văn Hiền quả quyết. Ông không cam chịu để sự hy sinh của họ bị lãng quên trong đám bụi mờ thời gian.
Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh
Văn Hiền là người gắn bó sâu sắc với ngành giao thông. Ông đã viết rất nhiều bài báo về tấm gương của các liệt sĩ ngành Giao thông Vận tải Nghệ Tĩnh, kêu gọi lãnh đạo tỉnh Nghệ An dựng bia tưởng niệm tại cầu Cấm, nơi có 15 thanh niên xung phong hy sinh vào một trận bom tối 5.2.1967. Ông có hai bài văn bia được khắc vào bia tại khu di tích quốc gia Truông Bồn (Mỹ Sơn-Đô Lương-Nghệ An). Vào năm 1999, thăm nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào (huyện Anh Sơn, Nghệ An), Văn Hiền hết sức trăn trở trước những tấm bia mộ ghi dòng chữ “Liệt sĩ vô danh”. Cảm xúc trào dâng, Văn Hiền về nhà, chong đèn viết bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh” với những dòng tha thiết: “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh. Anh có tên như bao khuôn mặt khác. Mẹ sinh anh tròn ngày tròn tháng. Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa. Anh lớn lên cùng lưỡi cày lưỡi hái. Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa…”. Họ là những con người bằng xương bằng thịt, có số phận, gia đình, đã hy sinh vì Tổ quốc: “Bình yên sau cuộc chiến tranh. Anh trở về không tên, không tuổi. Trắng hàng bia những ngôi sao không nói. Rưng rưng cỏ mọc dưới chân”; và khẳng định: “Tổ quốc không mất tên anh”.
Bài thơ lan truyền rộng rãi, được khắc vào bia đá, đã đem lại sự xúc động lớn lao cho hàng triệu người, dẫn đến một sự thay đổi: đó là tất cả tấm bia mộ “Liệt sĩ vô danh” trên cả nước đều được thay thế bằng: “Liệt sĩ chưa biết tên”.
BOX: Nhà báo Trần Văn Hiền sinh năm 1949, tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Có thời gian công tác báo chí 40 năm, 17 năm là Phó Tổng Biên tập báo Nghệ An, hiện là Trưởng VP Đại diện Tạp chí Người làm báo tại Nghệ An. Ông là tác giả của 22 đầu sách, trong đó có 6 tập thơ, 6 tập văn xuôi, 10 sách nghiên cứu khảo luận.
QUANG ĐẠI Theo Báo Lao động