Hàng trăm xe bám đuôi, vượt trạm thu phí ở làn tự động không dừng

Hiện nay, tình trạng xe bám đuôi, vượt trạm tại các làn thu phí tự động không dừng ETC ngày càng diễn biến phức tạp và Bộ Giao thông Vận tải sẽ sẽ xử lý nghiêm các vi phạm này.

Hàng trăm lượt xe dù chưa dán thẻ Etag (thẻ thu phí tự động) nhưng đã đi theo đoàn, cố tình vượt trạm dẫn đến việc thất thu cho chủ đầu tư dự án BOT.

Đây là nội dung vừa được Công ty Trách nhiệm hữu hạn thu phí Tự động VETC (Công ty VETC) báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cần có phương án xử lý để tránh tình trạng này.

Xe vượt trạm, thất thu phí

Căn cứ báo cảo tình hình vận hành thu phí hàng ngày của các trạm thu phí do Công ty VETC quản lý vận hành, theo báo cáo của Công ty này, hiện nay, tình trạng xe bám đuôi, vượt trạm tại các làn thu phí tự động không dừng ETC ngày càng diễn biến phức tạp.

Các xe trả thu phí thủ công một dừng (MTC) đi theo đoàn, cố tình đi vào làn thu phí tự động không dừng ETC và đi với tốc nhanh, bám đuôi theo xe đi trước là xe ETC đã trả phí tự động, đã mua vé tháng/quý hoặc ưu tiên để không dừng lại trả phí theo quy định.

Theo số liệu thống kê tại trạm thu phí Hải Phòng, hàng ngày, có khoảng gần 100 lượt xe bám đuôi, đâm barie vượt trạm. Tại trạm thu phí Đông Hà (Quảng Trị) có khoảng gần 200 lượt xe bám đuôi vượt trạm.

“Dự kiến, số thất thu cho chủ đầu tư BOT khoảng gần chục triệu đồng mỗi ngày. Nhân viên vận hành không thể yêu cầu lái xe dừng lại trả phí vì xe đi với tốc độ cao,” lãnh đạo Công ty VECT cho hay.

Nhấn mạnh lực lượng tại trạm thu phí đã phối hợp với cơ quan chức năng địa phương bắt được một số xe cố tĩnh bám đuôi, đâm barie vượt trạm, tuy nhiên, theo đánh giá Công ty VETC, phương án xử lý chỉ là nhắc nhở và yêu cầu trả tiền mua vé cho lượt xe đã bám đuôi, đâm barie vượt trạm nên không có sức răn đe.

“Do hiện nay, các văn bản pháp lý không có chế tài xử phạt dẫn đên việc bám đuôi, đâm barie vượt trạm càng ngày càng tăng, gây thất thu cho chủ đầu tư BOT,” phía Công ty VECT nhìn nhận.

Với thực trạng này, VETC đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam bổ sung vào Nghị định, Thông tư quy định hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ các chế tài phạt đối với các phương tiện không dán thẻ Etag cố tình đi vào làn thu phí tự động ETC và có hành vi cố tình bám đuôi, đâm barie không trả phí khi lưu thông qua các trạm thu phí.

Tách bạch xe dán thẻ đi vào làn tự động

Để minh bạch hoạt động thu phí, giúp giám sát hoạt động thu phí hiệu quả hơn và giảm ùn tắc giao thông, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải triển khai thu phí tự động không dừng.

Với giai đoạn 1, triển khai xong trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) trong năm 2018. Đối với việc thu phí không dừng các tuyến cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải sẽ “mạnh tay” với nhà đầu tư không triển khai, hết năm 2019 tuyến cao tốc nào không triển khai, nhà đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và Bộ sẽ kiên quyết dừng thu phí.

Giai đoạn 2 áp dụng thu phí tự động với các trạm thu phí còn lại trong năm 2019, mới đây Tổng cục Đường bộ đã lựa chọn được nhà thầu là liên danh các công ty Viettel-Vietinf-VV-ITD. Hiện tại liên danh này mới thực hiện xong khâu rà soát các trạm thu phí và chỉ còn vài tháng để triển khai các công việc còn lại.

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án thu phí tự động không dừng mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ điều chỉnh Thông tư 49 về tổ chức hoạt động trạm thu phí.

“Mong muốn của xã hội, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải là công khai, minh bạch công tác thu phí. Vì vậy, Thông tư 49 sẽ sửa đổi để đẩy nhanh thu phí không dừng, một số hành vi cản trở thu phí sẽ bị xử phạt nghiêm,” vị Tư lệnh ngành giao thông nhấn mạnh.

Theo thống kê, hiện số xe dán thẻ thu phí tự động không dừng chỉ được khoảng 1 triệu phương tiện. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Cũng theo Bộ trưởng, Quyết định 07 của Thủ tướng chỉ đạo đến hết năm 2019, các trạm thu phí phải thu phí không dừng. Tuy nhiên, cả nước hiện có khoảng hơn 3 triệu xe ôtô, hiện số xe chỉ được khoảng 1 triệu, giai đoạn đầu của dự án nếu không có làn thu phí thủ công sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng xe lưu thông.

“Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng để lại làn thu phí thủ công, nhưng sau năm 2019, tất cả phương tiện chưa dán thẻ hoặc chưa nộp tiền phải đi vào làn thu phí thủ công, sẽ bố trí mỗi trạm 2 làn thủ công, nếu phương tiện nào không chấp hành phải xếp hàng vì không được quyền đi vào làn thu phí tự động,” Bộ trưởng khẳng định.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp liên thông tài khoản của thẻ thu phí không dừng với thẻ tài khoản của các ngân hàng.

“Hiện việc dán thẻ đã thuận lợi với nhiều hình thức, Bộ Giao thông Vận tải không khuyến khích trả tiền thu phí theo cách thủ công vì không công khai minh bạch. Hành vi vi phạm gây rối sẽ xử lý nghiêm,” người đứng đầu ngành giao thông quả quyết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng giao Tổng cục Đường bộ rà soát để kết nối thông tin dữ liệu thu phí không dừng giữa Bộ Giao thông Vận tải với ngành Thuế và Công an, cả cấp Trung ương và địa phương để kiểm soát./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Nguồn. Vietnam+

Nguồn tin: VietnamPlus

Tin khác

Sắp đón không khí lạnh mạnh tăng cường, dự báo thời tiết xấu

Cơ quan khí tượng dự báo không khí lạnh mạnh sắp tăng cường sẽ gây…

10/01/2025

Bộ không cấm các trường kiểm tra đánh giá năng lực vào lớp 6

Các trường THCS vẫn có thể đánh giá trực tiếp học sinh khi xét tuyển…

10/01/2025

10 kết quả nổi bật của thành phố Hải Phòng trong năm 2024

Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều khó khăn chung, nhưng…

10/01/2025

Tạm giữ hình sự đối tượng hành hung công an tại Hải Phòng

Cơ quan chức năng đã tạm giữ đối tượng hành hung cảnh sát giao thông…

10/01/2025

Thông tin giao dịch thương mại điện tử sẽ bị thu thuế 10% là giả mạo

Thông tin về giao dịch thương mại điện tử sẽ bị thu thuế 10% lan…

09/01/2025

Các cơ quan báo chí đồng hành cùng các sự kiện quan trọng của thành phố trong năm 2025

Chiều 9/1, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền…

09/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More