Print Thứ Năm, 02/01/2020 08:06 Gốc

Theo thống kê của Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng, 4 con sông cung cấp nguồn nước chính của Hải Phòng đang bị đe dọa bởi 124 điểm có nguy cơ gây ô nhiễm và tình trạng nhiễm mặn ngày càng đáng lo ngại.

Ô nhiễm do xả thải trực tiếp xuống sông

Từ đầu tháng 11.2019, người dân tại các quận Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn và một số xã của của các huyện An Dương, Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng phản ánh nước sinh hoạt có vị lợ bất thường. Đơn vị cung cấp nước sạch là Công ty CP Cấp nước Hải Phòng đã vào cuộc xác minh. Theo ông Cao Văn Quý, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng, nước sinh hoạt có vị lợ là do chất lượng nguồn nước thô sông Đa Độ (một trong 4 con sông cấp nước thô cho thành phố Hải Phòng) đang bị nhiễm mặn, có thời điểm lên hơn 300 mg, vượt ngưỡng cho phép (250 mg/l).

Nguồn nước bị nhiễm mặn sẽ diễn ra hàng năm, trong khi các nhà máy xử lý nước Hưng Đạo và Cầu Nguyệt (lấy nước thô từ sông Đa Độ) chưa có công nghệ xử lý độ mặn trong nước thô, nên buộc Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng phải tìm giải pháp xử lý. “Một phần nguyên nhân của sự nhiễm mặn là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao. Chúng tôi đang cố gắng phối hợp với các đơn vị thủy lợi kiểm soát chặt chẽ hơn độ mặn tại các cửa cống lấy nước và vận hành hệ thống thủy lợi với ưu tiên mục đích cấp nước sinh hoạt”, ông Quý nói.

Kênh Bắc Nam Hùng ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều năm nay, đe dọa nguồn nước sạch ở sông Rế – Ảnh Lê Tân

Sau sự cố nước nhiễm mặn, nhiều người dân Hải Phòng bắt đầu quan tâm hơn đến việc ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Chia sẻ với Thanh Niên, ông Lê Văn Tịnh (56 tuổi, ngụ phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) nói: “Con kênh sau nhà tôi bị ô nhiễm từ 10 năm nay, nước đen ngòm, thối, cá, tôm gần như biến mất. Đáng lo là con kênh này thông với sông Rế. Không biết nhà máy nước có xử lý được không?”. Con kênh mà ông Tịnh nhắc đến là Kênh Bắc Nam Hùng, một nhánh của sông Rế, với chiều dài hơn 8 km chảy qua phường Hùng Vương và 2 xã Nam Sơn, Bắc Sơn của huyện An Dương.

Nhiều năm qua, con kênh vốn trong xanh này chuyển thành màu đen, thi thoảng cá chết nổi đầy kênh. Theo Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng, Kênh Bắc Nam Hùng có 17 điểm có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông Rế, nơi cung cấp hơn 50 triệu m3 nước/năm, chiếm gần 80% lượng nước thô phục vụ sản xuất nước sạch cho sinh hoạt của gần 2 triệu dân và hoạt động sản xuất của thành phố. Tính tổng thể đến thời điểm này, sông Rế có tới 41 điểm ô nhiễm.

Trong cuộc kiểm tra về tình trạng nguồn nước thô sông Rế mới đây, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải cho biết, tình trạng ô nhiễm ở sông Rế có xu hướng gia tăng. Các chỉ tiêu về amoni, nitrit, hữu cơ… nhiều thời điểm vượt ngưỡng quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt để sản xuất nước sinh hoạt. Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng từ nước thải sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp thải trực tiếp không qua xử lý xuống con sông này. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại sông Đa Độ với 42 điểm có nguy cơ ô nhiễm; sông Giá (huyện Thủy Nguyên) với 34 điểm có nguy cơ ô nhiễm; sông Chanh Dương (huyện Vĩnh Bảo) với 7 điểm có nguy cơ ô nhiễm.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến xử lý nước

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở Hải Phòng cũng được đại biểu HĐND quan tâm tại kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố Hải Phòng khóa 15. Phát biểu tại phiên chất vấn, ông Trần Văn Phương, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Hải Phòng đã đề nghị UBND thành phố giao cho các công ty khai thác công trình thủy lợi tập trung thực hiện nhiều biện pháp điều tiết, thay đổi nguồn nước cấp cho các nhà máy nước; chỉ đạo các quận, huyện lập dự án đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung, cùng với hệ thống thu gom nước thải dọc các nguồn nước ngọt. “Trước mắt sẽ phải xóa bỏ tình trạng nước thải từ khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh xả trực tiếp vào nguồn nước và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Các nhà máy nước cũng phải có kế hoạch cấp nước an toàn, chủ động phòng ngừa, ứng phó khi có sự cố ô nhiễm nguồn nước xảy ra”, ông Phương báo cáo.

Nói thêm về giải pháp khắc phục, ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng, cho biết để duy trì ổn định nguồn nước thô cho sản xuất nước sinh hoạt, công ty này đã tích cực kết hợp với các công ty khai thác công trình thủy lợi, các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ các diễn biến về chất lượng nước thô từ đầu nguồn đến các điểm thu nước. Thực hiện quy trình vận hành, thau đảo nguồn nước hợp lý. “Ngoài ra, chúng tôi đã chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý nước, như công nghệ lọc sinh học tiếp xúc UBCF tại huyện Vĩnh Bảo; và đang tiếp tục xây dựng, lắp đặt tại nhà máy nước An Dương”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng, thì đề nghị các đơn vị cấp nước sớm triển khai tìm các nguồn nước mới sạch và an toàn hơn để phục vụ người dân.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hàng trăm điểm xả thải ô nhiễm ‘tấn công’ nguồn nước sạch Hải Phòng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác