Theo lịch hẹn trước, từ sáng sớm chúng tôi đã xuống ca-nô tại bến Gia Luận để khởi hành đến hang Quả Vàng. Theo địa giới hành chính, hang nằm ở gần xã đảo Việt Hải giữa biển khơi nên phải mất khoảng 50 phút, ca-nô mới tới được khu vực này.
Điểm dừng chân để bổ sung trang thiết bị chinh phục hang Quả Vàng là một Trạm kiểm lâm thuộc Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Bà. Trạm kiểm lâm này làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ, không cho người lạ xâm nhập vào khu vực hang Quả Vàng. Các cán bộ nhân viên ở đây chỉ dẫn chúng tôi đến hang khi có sự đồng ý của cơ quan chức năng.
Khi chuẩn bị trang thiết bị, chúng tôi hơi ngạc nhiên khi thấy các CBCS kéo thêm theo hai chiếc kayak và một thuyền nan nhỏ. Hỏi ra mới biết phải leo qua một rặng núi đá, chèo thuyền vượt một hồ nước tự nhiên giữa biển rồi mới có thể tới được đường dẫn lên hang Quả Vàng. Chuyến đi này quả nhiên ngày càng trở nên thú vị, vượt xa mọi dự tính ban đầu của chúng tôi.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi rời Trạm kiểm lâm rồi cập ca-nô vào một hòn đảo cây cối um tùm, che khuất cả ánh mặt trời trên cao. Chờ sẵn ở đây là hai ngư dân dẫn đường, giúp chúng tôi vác kayak và thuyền nan trèo qua núi đá, tiếp cận hồ nước. Đoàn chúng tôi lần lượt lên đảo và xếp thành hàng dài theo chân một ngư dân đi trước phát bụi mở đường.
Phải mất thêm 30 phút leo trèo, cả đoàn mới tới được lòng hồ nước giữa vịnh Lan Hạ mênh mông sóng nước. Sở dĩ gọi đây là hồ giữa biển vì xung quanh khu vực này, núi đá dựng đứng, bao kín bốn phía như những bức tường thành.
Khi mưa xuống, nước dần dâng lên và không thoát được ra biển, tạo thành hồ. Nhìn lòng hồ phẳng lặng xanh ngắt một màu, xung quanh chỉ có tiếng chim rừng, gió thổi, chúng tôi thấy như đang lạc vào một thế giới khác – thế giới chỉ có sự tồn tại của thiên nhiên hoang sơ, kỳ bí.
Dừng chân nghỉ ngơi lấy lại sức và hít căng lồng ngực không khí trong lành, cả đoàn chia tay hai ngư dân dẫn đường và xuống thuyền băng qua hồ. Từ đây mới là đoạn đường gian nan nhất mà chúng tôi đã được cảnh báo trước. Quả nhiên, từ lòng hồ đến cửa hang Quả Vàng là một quãng khá dài, đường càng lúc càng dốc ngược, ẩn hiện sau những tán lá của rừng nguyên sinh.
Không những thế, chiến sĩ biên phòng dẫn đường còn phải vừa phát quang bụi rậm vừa dừng lại xác định phương hướng ở những ngã rẽ. Anh cho biết khu vực này được bảo vệ rất nghiêm ngặt, hầu như không có dấu chân người. Sau mỗi trận mưa, cây cỏ phát triển rất nhanh nên các anh phải đánh dấu đường lên hang bằng các dấu hiệu riêng.
Sau một giờ đồng hồ leo trèo trên những rặng đá tai mèo sắc nhọn, chúng tôi cuối cùng cũng tới được khu vực hang Quả Vàng. Tuy đã chú ý quan sát nhưng khi đến sát cửa hang, mọi người phải tập trung để ý mới thấy vì lối xuống bị cây rừng che kín gần hết. Chỉ có chiến sĩ biên phòng nói rằng anh nhận ra hang từ xa bởi ngay tại cửa ra vào có một khối nhũ màu vàng sáng lấp lánh, trông như trái cây buông từ trên núi đá xuống. Đây cũng chính là lí do mà hang được đặt tên là Quả Vàng.
Khi tiến sâu vào bên trong hang Quả Vàng, cả đoàn như bị choáng ngợp bởi tất cả đều trong trạng thái nguyên sơ, chưa có sự tác động, xâm hại của con người. Cửa vào nhỏ hẹp nhưng bên trong hang rộng thênh thang, trần cao vút, mọi người có thể ngắm nhìn, thỏa chí tưởng tượng trước vô vàn thạch nhũ có nhiều hình thù khác nhau. Đặc biệt, trong hang có nhiều thớ đá thoải ra, phân bậc thấp dần như ruộng bậc thang. Trên mỗi bậc thang đó lại có vô số những viên đá nhỏ, tròn vo, sáng lấp lánh.
Thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp một triền nhũ đá dốc như mới hình thành, còn ẩm hơi nước. Càng đi sâu vào hang càng thấy tạo hóa sau hàng nghìn năm đã miệt mài chạm khắc để đến ngày nay cho ra những hình thù kỳ ảo như vậy. Vẻ đẹp huyền ảo của hang càng được tôn lên khi có ánh sáng đèn chiếu rọi vào thạch nhũ bởi chúng ánh lên như kim tuyến, nhấp nháy tựa một dải sao đêm.
Chiến sĩ biên phòng dẫn đường cho biết hang có độ cao khoảng 25 đến 30m, rộng gần 40m, sâu tới hơn 100m. Hang được chia làm hai khu rõ rệt, mỗi khu có một kiểu nhũ đá khác nhau. Thực chất hang Quả Vàng được phát hiện từ lâu. Đây từng là nơi trú ngụ của hàng chục cá thể voọc đầu trắng và là nơi làm tổ của hàng trăm con dơi lớn nhỏ nên vẫn được giữ bí mật với nhiều người.
Sau khi quay chụp hết vài thẻ nhớ, chúng tôi mới khăn gói rời hang để kịp quay lại khu hồ nước. Trên đường về, dù rất mệt nhưng không ai bảo ai, hình như chúng tôi đều mải mê theo đuổi những suy nghĩ, trăn trở: làm sao để giới thiệu tới du khách biết và thưởng lãm vẻ đẹp của hang Quả Vàng, làm sao để vừa phát triển du lịch Cát Bà nhưng vừa bảo tồn được thiên nhiên như nó vốn có bởi đây là khu vực nằm trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới và Vườn quốc gia Cát Bà.
Nếu tương lai đưa hang Quả Vàng vào khai thác du lịch có thể sẽ làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sống của loài voọc. Đây quả là bài toán khó với ngành du lịch nói chung và với huyện đảo nói riêng.
Các nghiên cứu, đánh giá cũng có chung nhận xét Quả Vàng là một trong những hang động đẹp nhất ở khu vực quần đảo Cát Bà bởi tính đa dạng nguyên sinh và kiến trúc thiên tạo, là điểm đến hấp dẫn cho những ai ưa thích du lịch khám phá. Chính vì thế, để tìm hiểu được hết giá trị về lịch sử, văn hóa và để khai thác du lịch của hang động trên một cách hợp lý, rất cần có sự nghiên cứu của các nhà khoa học và cơ quan chức năng để tìm hướng đi cho một tuyệt tác thiên nhiên hùng vĩ – hang Quả Vàng.
Trí Nguyễn
Sáng 27/11, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Tiệp, Liên đoàn Lao…
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 8726/VPCP-KGVX ngày 26/11/2024 truyền đạt ý…
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch…
Chiều 26/11, Công an huyện Vĩnh Bảo thông tin, sáng 26/11, khách hàng Nguyễn Quốc…
Chiều 26.11, Sở Giáo dục và Đào tạo - Công đoàn Giáo dục TP Hải…
Chiều 26/11, tại Hải Phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) phối hợp UBND…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More