Việt Nam là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng hằng năm nhanh nhất thế giới, đạt trung bình khoảng hơn 17%, cao hơn khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam năm 2018 mà Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa xuất bản, hoạt động vận chuyển hàng không ngày càng sôi động với sự tham gia của nhiều hãng hàng không quốc tế và nội địa.
Việc mở rộng các đường bay, tần suất chuyến bay, hạ tầng hàng không… đã góp phần tích cực vào tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam và kích cầu khách du lịch nội địa.
Báo cáo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy, trong một thập kỷ qua, Việt Nam là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất thế giới, đạt trung bình khoảng hơn 17%, cao hơn khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thị trường hàng không Việt Nam có sự tham gia của hầu hết các hãng hàng không lớn trong khu vực và trên thế giới cùng nhiều hãng hàng không giá rẻ.
Việt Nam hiện có 28 cảng hàng không đang khai thác, trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế, 12 cảng hàng không nội địa. Năm 2018, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đã đi vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực vận chuyển hàng không, thu hút khách quốc tế đến khu vực Đông Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung. Hiện có năm hãng hàng không của Việt Nam đang khai thác trên 50 đường bay nội địa.
Các hãng hàng không trong nước cùng 68 hãng hàng không nước ngoài khai thác gần 130 đường bay quốc tế nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng… với 28 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tổng cục Du lịch cũng cho biết nhóm khách có tốc độ tăng cao nổi bật trong sáu tháng đầu năm 2019 là Thái Lan, tăng tới 45,5% và nằm trong 10 thị trường gửi khách tới Việt Nam đông nhất so với cùng kỳ năm 2018.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia du lịch, trao đổi khách giữa Việt Nam-Thái Lan ngày càng mạnh mẽ hơn khi nhiều đường bay thẳng giữa hai nước ra đời. Sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Phú Quốc, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đà Lạt… đã có đường bay thẳng đến các điểm du lịch như Bangkok, Chiang Mai, Phuket của Thái Lan và ngược lại. Cho đến nay, hàng chục hãng hàng không của hai nước đã mở các đường bay qua lại, góp phần đáng kể vào việc thu hút đông đảo khách Thái Lan đến Việt Nam.
Ngoài vận chuyển hành khách, các hãng hàng không trong nước luôn phối hợp tích cực với Tổng cục Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành nhằm xây dựng sản phẩm, quảng bá điểm đến, xúc tiến du lịch ở các thị trường. Trong đó, việc quảng bá, xúc tiến thường tập trung vào các thị trường khách Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan); châu Âu (Anh, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Hungary…); ASEAN; châu Đại Dương.
Cho đến nay, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là thị trường nguồn lớn nhất của du lịch Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường đứng thứ hai với lượng khách càng ngày càng tăng cao, còn nhiều dư địa có thể khai thác.
Trong hai năm 2017-2018, khách Hàn Quốc có sự tăng trưởng đột phá, mỗi năm tăng thêm khoảng 1 triệu khách mỗi năm, tốc độ tăng trưởng đạt trên 56% năm 2017 và hơn 44% năm 2018. Trong sáu tháng đầu năm 2019 khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng trưởng khoảng 21%…
Kết quả trên là rất tích cực trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, thể thao và du lịch ngày càng chặt chẽ, nhiều chương trình xúc tiến du lịch được triển khai, nhiều đường bay mới được mở giữa hai nước./.
Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)