Theo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, 6 tháng đầu năm 2024, lượng tàu đến cảng biển Hải Phòng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng ấn tượng, đạt gần 16%. Điều này cho thấy xu thế tàu biển đến với cảng biển Hải Phòng có sự thay đổi đáng kể khi chuyển từ số lượng sang chất lượng thông qua những con tàu lớn…
Lượng hàng qua cảng tăng kỷ lục
Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng Hà Quang Thắng cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, cảng biển Hải Phòng có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ lượng hàng hóa thông qua các cảng, cao nhất từ trước đến nay. Ước thực hiện, lượng tàu đến với cảng biển Hải Phòng đạt 8.251 lượt chiếc, giảm 266 lượt so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lượng hàng hóa lại tăng hơn 7 triệu tấn, tăng 15,93%. Cụ thể, cảng biển Hải Phòng đạt tới 52,9 triệu tấn hàng hóa thông qua, cùng thời điểm này năm 2023 chỉ đạt 45,6 triệu tấn. Trong số đó, hàng hóa đến cảng biển Hải Phòng bằng tàu biển đạt hơn 44,6 triệu tấn, tăng 15,27% so với cùng kỳ; bằng phương tiện thủy nội địa hơn 8,3 triệu tấn, tăng 19,58%. Đây cũng là giai đoạn lượng hàng hóa đến cảng biển Hải Phòng bằng phương tiện thủy nội địa tăng trưởng cao.
Tốc độ tăng trưởng hàng hóa đến cảng cao tiếp tục được ghi nhận tại Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) khi liên tục duy trì sản lượng hàng hóa thông qua hơn 140.000 Teus container/tháng, riêng tháng 5/2024, cảng đạt lượng hàng hóa thông qua lên đến 149.772 Teus, trong đó lượng hàng hóa xuất/nhập khẩu tới từ các tuyến dịch vụ đi trực tiếp Hoa Kỳ chiếm tới 49,8% tổng sản lượng tháng. Kết thúc 5 tháng đầu năm 2024, TC-HICT ghi nhận sản lượng đạt 655.249 TEU, bằng 152.82 % so với cùng kỳ năm 2023. Ước thực hiện 6 tháng đầu năm, cảng đạt khoảng 795.200 teus. Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, doanh nghiệp cảng lớn nhất tại thành phố cũng đạt mức tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2024. Tổng Giám đốc công ty Nguyễn Tường Anh thông tin, năm 2024, Cảng Hải Phòng tròn 150 năm xây dựng và trưởng thành; 95 năm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, nên ngay từ đầu năm, các phong trào thi đua lao động sản xuất được các đơn vị phát động. Bên cạnh đó, cảng đón được số lượng tàu lớn nhiều hơn, nên lượng hàng hóa tăng, doanh thu của cảng tăng, thu nhập của người lao động ổn định và có sự tăng trưởng…
Nhiều doanh nghiệp cảng trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm cũng đạt mức tăng trưởng lượng hàng hóa như: VIP Green port, Nam Đình Vũ, Hải An, Nam Hải Đình Vũ… Cùng đóng góp vào thành công đó còn có sự vượt trội từ các phương tiện thủy nội địa khi đưa lượng hàng hóa đến các cảng trên địa bàn Hải Phòng tăng hơn 1,3 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Đánh giá của Cảng vụ hàng hải Hải Phòng cho thấy, lượng hàng hóa qua các phương tiện thủy nội địa có sự tăng trưởng đáng kể do nhiều doanh nghiệp, đại lý lựa chọn loại phương tiện này để vận chuyển và tiếp nhận hàng hóa, vì vậy số lượng hàng hóa vận chuyển đạt cao nhất từ trước đến nay.
Tiếp tục hướng sự phát triển bền vững
Sự tăng trưởng vượt bậc trong 6 tháng đầu năm 2024 là tiền đề cho mục tiêu hơn 100 triệu tấn hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng cả năm 2024. Theo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, dù tình hình thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải biển, song các doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp vận tải có rất nhiều cố gắng, phát huy năng lực trong vận chuyển và tiếp nhận hàng hóa. Với đà phát triển này, mục tiêu tổng sản lượng của cả năm 2024 sẽ hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch. Theo đại diện TCHICT, với lượng hàng hóa qua cảng tăng liên tục, đầu tháng 6/2024, đơn vị đưa vào sử dụng thêm 15 xe đầu kéo Kalmar TL2 (có sức kéo 75.000 kg, gồm cả tự trọng và hàng hóa), nâng tổng số xe đầu kéo container tại cảng lên 45 xe. Với số lượng xe này, TC-HICT bảo đảm đáp ứng vận chuyển nội bộ trong cảng, vừa hỗ trợ các tàu rút hàng hóa nhanh, vừa tạo điều kiện để các chủ hàng luân chuyển hàng container trong cảng thuận lợi hơn. Cũng trong tháng 6/2024, Công ty cổ phần Lai dắt và Vận tải Cảng Hải Phòng (đơn vị thuộc Cảng Hải Phòng) ký hợp đồng dự án đóng mới tàu lai Azimuth đạt 5.000 CV với Tổng công ty Sông Thu và Công ty cổ phần Công nghệ và phát triển Hàng hải Việt Nam (Vitechco). Sau khi con tàu này hoàn thành, Công ty Lai dắt và Vận tải Cảng Hải Phòng sẽ có 12 tàu với tổng công suất đạt hơn 22.000 CV, không chỉ bổ sung năng lực lai dắt tàu vào các cảng của Cảng Hải Phòng mà còn hỗ trợ những cảng khác tại Hải Phòng, đồng thời tăng cường năng lực phòng cháy chữa cháy, ứng cứu sự cố tràn dầu.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng Phạm Hồng Minh cho biết, để phát triển nhanh, mạnh và bền vững, đầu tư là giải pháp hàng đầu, vì vậy, trong thời gian qua, Cảng Hải Phòng nỗ lực đầu tư đổi mới nâng cao năng lực xếp dỡ, gắn với chuyển đổi số tạo thuận lợi hơn cho khách hàng. Cùng với đó, Cảng đang nỗ lực hoàn thành dự án đầu tư xây dựng bến số 3,4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Cảng hoàn thành xong công tác xây dựng cầu cảng và đang triển khai các nhiệm vụ tiếp theo, phấn đấu đưa cảng vào khai thác trong quý 1/2025. Còn theo đại diện Tập đoàn Hateco, đầu năm 2025, bến số 5,6 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện cũng sẽ được đưa vào khai thác…
Như vậy, bắt đầu từ năm 2025, Lạch Huyện trở thành khu cảng nước sâu với 6 cầu cảng liên hoàn, có thể tiếp nhận tàu lên đến 160.000 DWT. 6 tháng cuối năm không chỉ là việc hoàn thành kế hoạch mà đã đến lúc các doanh nghiệp cảng chuẩn bị cho sự phát triển mới.
Mai Lâm