Báo Lao Động nhận được đơn kiến nghị của tập thể cán bộ, nhân viên Ban Quản lý dự án Nâng cấp đô thị Hải Phòng (đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP.Hải Phòng) về việc đơn vị bị giải thể, công nhân viên bị mất việc làm, quyền lợi cũng không được đảm bảo.
Mất việc, không được công nhận là viên chức
Chị Vũ Thị Thúy (40 tuổi) – nhân viên hành chính của Ban Quản lý (BQL) dự án Nâng cấp đô thị Hải Phòng (gọi tắt là Ban quản lý), đơn vị sự nghiệp, thực hiện việc cải tạo, nâng cấp đô thị tại TP.Hải Phòng từ nguồn vốn ODA và đối ứng trong nước – cho biết: “Năm 2003, tôi được BQL ký hợp đồng lao động có thời hạn. Đến 2006, tôi tiếp tục ký Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Trong hợp đồng ghi rõ:… “Những vấn đề về Cán bộ, công chức không ghi trong hợp đồng làm việc này thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Cán bộ công chức”.
Theo chị Thúy, Quyết định 276/2006/QĐ-UBND ngày 8.2.2006 của UBND TP.Hải Phòng quy định, giám đốc BQL có quyền ký hợp đồng làm việc với viên chức được tuyển dụng sau khi thi tuyển hoặc xét tuyển làm việc tại đơn vị; Ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch viên chức hoàn thành hợp đồng thử việc; Lương của cán bộ nhân viên BQL cũng được Sở Nội vụ Hải Phòng xếp ngạch bậc, kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố cấp,… Do đó, sau khi được giám đốc BQL ký hợp đồng làm việc với điều khoản như trên, chị Thúy tin tưởng mình đã là viên chức nhà nước. Tương tự, hơn chục nhân viên khác cũng ký hợp đồng với các điều khoản như vậy, đều là những người đã làm việc và gắn bó với BQL trên dưới 15 năm.
Tuy nhiên, mới đây, họ được thông báo đề án giải thể BQL đã được TP.Hải Phòng phê duyệt, bắt đầu từ ngày 1.5 tới. Đáng buồn hơn, khi giải quyết quyền lợi của NLĐ, chỉ duy nhất ông Lương Cao Huấn – Giám đốc BQL – được công nhận là viên chức, được sắp xếp việc làm mới, còn tất cả 17 người đều bị chấm dứt hợp đồng, mất việc làm khi tuổi đã từ 40-50.
Lãnh đạo sai sao bắt NLĐ phải chịu?
Ngày 11.3.2019, ông Phạm Hồng Hà – Phó GĐ phụ trách Sở Nội vụ Hải Phòng – chủ trì cuộc họp cùng với đại diện sở, ngành để xác định NLĐ của BQL là viên chức hay hợp đồng lao động. Tại cuộc họp này, ông Lương Cao Huấn cho hay, công tác tổ chức nhân sự của BQL đã qua nhiều người phụ trách và đều đã nghỉ hưu, do đó không còn tài liệu để xác định việc tuyển dụng viên chức, tiếp nhận viên chức của BQL theo quy định.
Ông Phạm Công Hòa – Trưởng ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ TP.Hải Phòng – đề nghị xem xét, vận dụng quy định của Luật Viên chức để tạo điều kiện cho NLĐ được hưởng quyền lợi cao nhất khi giải thể. Tuy nhiên, cuộc họp vẫn kết luận, 17 LĐ của BQL không đủ cơ sở để xác minh là viên chức vì những người này không được tuyển dụng theo đúng quy định.
Trao đổi với Lao Động, ông Lương Cao Huấn – Giám đốc BQL dự án Nâng cấp đô thị Hải Phòng – thừa nhận: Thời điểm tôi ký hợp đồng với các nhân sự cho BQL đều theo mẫu của giám đốc cũ. Cán bộ phụ trách nhân sự của BQL khi đó đã tham mưu không chuẩn, dẫn đến không làm đủ thủ tục, quy định về việc tuyển viên chức như Sở Nội vụ thông báo sau này. Nhưng, việc BQL ký hợp đồng với các điều khoản theo pháp lệnh cán bộ công chức, sau đó hợp đồng được chuyển sang Sở Nội vụ theo dõi; Sở Nội vụ cũng là đơn vị xếp ngạch bậc lương cho các nhân viên BQL hàng chục năm sau đó, tại sao Sở không hướng dẫn BQL làm đúng theo các quy định của TP.Hải Phòng? Và trường hợp người đứng đầu đơn vị sự nghiệp (là giám đốc BQL) – người đại diện cho TP.Hải Phòng – thực hiện không đúng quy định, tại sao lại bắt NLĐ phải chịu trách nhiệm?
Bà Nguyễn Thị Thu – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng – tiếp thu các ý kiến của báo chí và cho biết, lãnh đạo Sở và các bộ phận tham mưu sẽ rà soát lại trên cơ sở quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi của NLĐ.
HOÀNG HOAN Theo Báo Lao động