Việc phân bổ hạn ngạch khai thác cho ngư dân mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn áp dụng mới đây đang khiến ngư dân lo lắng, nghiệp đoàn nghề cá phản ứng
Chiều 16-6, ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), cho biết Quyết định 1481 về việc giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) thực hiện từ tháng 5-2019, đang gây khó khăn rất lớn cho ngư dân, sẽ bóp nghẹt nghề khai thác cá ngừ đại dương nổi tiếng của Phú Yên.
Nhiều điểm chưa phù hợp
“Lâu nay tàu cá có công suất trên 90 CV được khai thác vùng biển khơi, nay “đẻ” ra chuyện buộc tàu cá từ 15 m dài trở lên mới được khai thác. Trong khi tàu câu cá ngừ đại dương của chúng tôi đâu cần phải to như vậy. Buộc tàu dưới 15 m chỉ được khai thác vùng biển lộng thì có cá ngừ đại dương đâu mà câu. Nhà nước kêu gọi chúng tôi vươn khơi bám biển nhưng muốn ra khơi bám biển thì phải chuyển đổi nghề từ câu cá ngừ đại dương sang nghề lưới. Tiền đâu để ngư dân sắm lưới?” – ông Thuẫn nói.
Nhiều tàu cá của Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa đang nằm bờ Ảnh: HỒNG ÁNH
Thuyền trưởng Lương Công Xuyên (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) nối nghiệp cha khai thác cá ngừ đại dương từ năm 13 tuổi nhưng bây giờ có nguy cơ phải bỏ nghề. Tàu cá PY-90144-TS của ông chỉ dài 14,2 m, không đủ điều kiện để khai thác vùng khơi. “Bây giờ bảo tôi khai thác vùng lộng thì cá ngừ đại dương đâu có ở vùng lộng mà đánh bắt. Muốn sống với nghề phải thay đổi ngư cụ mà một bộ lưới rút bây giờ có giá trên 1 tỉ đồng. Bán cả cái nhà nhỏ này cũng không đủ để mua 1 bộ lưới. Vậy làm sao đây?” – ông Xuyên nói.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, nói thẳng đây là một hạn ngạch có nhiều bất cập và ngư dân tỉnh này đang gặp khó khăn nếu thực hiện. Trước khi công bố hạn ngạch cho các tỉnh, Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh báo cáo số liệu tàu cá của từng tỉnh, thành. Phú Yên đã báo tàu có chiều dài 15 m trở lên là 451 chiếc và cứ thế Bộ NN-PTNT cấp hạn ngạch tỉnh này chỉ khai thác khơi 451 tàu.
“Hơn 700 tàu trên 90 CV nhưng dưới 15 m dài đều không được khai thác vùng khơi, chỉ khai thác vùng lộng. Nếu áp dụng như vậy sẽ dẫn đến việc khai thác vùng lộng quá nhiều trong khi vùng biển khơi lại ít tàu được khai thác, sẽ dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ. Điều đó không ai muốn” – ông Phương nói.
Nếu áp dụng theo hạn ngạch này đòi hỏi phải chuyển nghề nhưng ngư dân sẽ không có điều kiện để chuyển nghề. “Hạn ngạch này không chỉ gây khó cho tỉnh Phú Yên mà còn nhiều tỉnh khác. Chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh có công văn kiến nghị lên Bộ NN-PTNT thay đổi các chỉ tiêu về hạn ngạch. Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết là trước mắt sẽ khó thay đổi. Ngư dân sẽ khó khăn rồi” – ông Phương nói thêm.
Ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng Quyết định 1481 do mới ban hành nên khi thực hiện còn một số khó khăn như nhiều ngư dân, chủ tàu lo lắng tàu không đủ điều kiện ra khơi nếu áp dụng theo hạn ngạch giấy phép khai thác.
“Bất cập lớn nhất hiện nay là Quyết định giao hạn ngạch cho từng nghề, từng ngành; trái với chủ trương chung của Chính phủ giảm những nghề như lưới kéo, tăng những nghề thân thiện với môi trường. Nếu giao như vậy, không giảm được những nghề tàn phá môi trường. Ví dụ tỉnh Quảng Ngãi được giao 100 hạn ngạch giấy phép nhưng trong đó yêu cầu 30 hạn ngạch nghề lưới kéo. Trong 30 hạn ngạch này, mình muốn giảm xuống còn 20 hạn ngạch để bảo vệ môi trường, tăng các nghề thân thiện môi trường lên cũng không được. Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi đã có ý kiến báo cáo Bộ NN-PTNT” – ông Sơn nói.
Dứt khoát phải thực hiện
Theo Quyết định 1481, Bộ NN-PTNT đã giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 31.541 giấy phép.
Trong 28 địa phương được giao hạn ngạch, tỉnh nhiều nhất là Kiên Giang với 4.060 giấy phép, tiếp đó là Quảng Ngãi 3.338 giấy phép, Bình Định 3.118 giấy phép, Bà Rịa – Vũng Tàu 2.880 giấy phép … Những địa phương được phân bổ thấp là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Phú Yên, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đều được cấp hạn ngạch dưới 500 giấy phép/địa phương; thấp nhất là TP HCM và Ninh Bình chỉ được cấp 50 giấy phép.
Trước đây, theo Nghị định 33/2010/NĐ-CP về quản lý hoạt động khai thác thủy sản thì tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên được khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cá, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. Tuy nhiên, theo Luật Thủy sản 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản 2017, quy định tàu cá phải bảo đảm dài 15 m trở lên mới được đánh bắt tại vùng khơi (không căn cứ vào mã lực).
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, khẳng định hạn ngạch là một trong những công cụ rất quan trọng để quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhưng lâu nay chúng ta chưa thực hiện hoặc buông lỏng. Về việc ngư dân phản ánh việc cấp hạn ngạch ràng buộc những tiêu chí khó khăn hơn, ông Lăng cho rằng nếu không được cấp hạn ngạch, ngư dân sẽ không được hỗ trợ tiền dầu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
“Trước đây rất nhiều tàu có chiều dài dưới 15 m nhưng lắp máy có công suất 200-300 mã lực để ra khơi. Cá đánh được hay không, không quan trọng, chủ yếu để lấy tiền hỗ trợ theo Quyết định 48” – ông Lăng nói. Theo ông Lăng, việc giao hạn ngạch cho từng tỉnh, thành và từng tàu là công việc dứt khoát phải làm. Nếu không quản lý bằng hạn ngạch, ai muốn đánh bắt thế nào thì đánh bắt, thủy sản sẽ nhanh chóng cạn kiệt.
Mỹ, Úc cũng gặp vướng
Hạn ngạch khai thác thủy sản đã được áp dụng tại nhiều nước, trong đó có Úc, Canada và Mỹ.
Thông thường, hạn ngạch có thể chuyển nhượng (người sở hữu hạn ngạch có thể mua, bán hoặc thuê nó) theo Cơ quan Quản lý Ngư nghiệp Úc. Theo trang tin The Conversation, tổng giá trị giao dịch hạn ngạch mỗi năm lên đến hàng chục triệu USD. Việc quản lý thiếu chặt chẽ và chưa minh bạch đã tạo cơ hội cho những kẻ đầu cơ.
Trong khi đó, ngư dân vùng New England – Mỹ lại lao đao vì hệ thống hạn ngạch quá phức tạp. “Nếu hạn ngạch đánh bắt quá cao và quá nhiều cá bị đánh bắt, hệ sinh thái sẽ bị tác động tiêu cực. Nếu hạn ngạch đánh bắt quá thấp, đời sống của ngư dân sẽ bị ảnh hưởng” – ông Jake Kritzer từ Quỹ Bảo vệ Môi trường, chia sẻ.
C.Lực
HỒNG ÁNH – TỬ TRỰC – VĂN DUẨN