Xã hội

Hạn chế tốc độ của phương tiện thủy trên luồng Hải Phòng: Quy định cần thiết, phải nghiêm túc thực hiện

Luồng Hải Phòng là luồng chính từ phao số “0” cho tàu từ ngoài khơi vào cảng biển Hải Phòng và ngược lại. Có mật độ phương tiện thủy dày đặc và có nhiều cảng biển, vì thế tốc độ di chuyển của từng loại phương tiện trên luồng bị khống chế để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, vẫn có phương tiện không tuân thủ về tốc độ, ảnh hưởng đến các phương tiện khác cũng như các cảng ven sông…

Hiểm họa phương tiện thủy chạy quá tốc độ

Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nguyễn Anh Vũ cho biết, luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng là một trong những tuyến luồng tàu trọng điểm của quốc gia. Từ Lạch Huyện đến Vật Cách, có rất nhiều cảng lớn, nhỏ, nhiều phương tiện thủy neo đậu và hành hải, vì thế việc quy định về tốc độ cho các loại phương tiện đều được rà soát kỹ lưỡng. Tuy nhiên, vẫn có những người điều khiển phương tiện bất chấp quy định về tốc độ, xử lý thao tác kém, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy tại Hải Phòng. Gần đây nhất là vụ tàu Hải Phát 26 đâm vào tàu đang thi công tại khu vực cảng Lạch Huyện. Trước đó, dọc theo sông Cấm, nhiều lần xảy ra tình trạng tàu bị đắm do tàu khác chạy qua với tốc độ cao tạo sóng gây nên…

Theo một số doanh nghiệp có cảng dọc theo sông Cấm, tàu chạy tốc độ cao không chỉ giao thông đường thủy, còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của các cảng. Có cảng, tàu tốc độ cao chạy qua, tạo sóng đập vào thân tàu neo đậu làm hàng, không chỉ rung lắc mà còn bị nghiêng một phần, việc bốc xếp hàng hóa lúc này vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của công nhân. Đối với hàng rời, công nhân bốc xếp phải trực tiếp lên phương tiện để chằng buộc hàng hóa phù hợp cần cẩu trên bờ, quá trình này nếu tàu bị nghiêng và rung lắc sẽ rất khó khăn…

Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng có sự hoạt động đan xen giữa luồng hàng hải và đường thủy nội địa, các phương tiện thủy thường xuyên chạy cùng tàu lớn trên luồng. Ngoài ra, do điều kiện dân sinh, kinh tế, trên luồng còn có một số tuyến đò, tuyến phà cắt ngang. Để bảo đảm an toàn cho các phương tiện hành hải trên luồng, hạn chế tốc độ đối với từng loại phương tiện là yêu cầu bắt buộc phải tuân thủ. Cụ thể, tàu cao tốc chỉ được chạy tối đa 20 hải lý/giờ, những tàu lớn khi hành hải trên luồng chỉ được lưu thông với tốc độ 7-8 hải lý/giờ; phương tiện càng lớn, tốc độ phải càng chậm và phải sẵn sàng thực hiện lùi khi cần thiết. Tuy thế, năm 2022 vẫn xảy ra trường hợp tàu va vào bờ kè gần cầu Hoàng Văn Thụ, phải mất đến gần 10 giờ mới giải thoát được con tàu này.

Tàu hàng hoạt động trên luồng sông Cấm, thuộc luồng tàu Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Phước.

Nghiêm túc thực hiện

Tại cuộc họp về giải quyết kiến nghị trong lĩnh vực giao thông vận tải về thủy nội địa được Sở Giao thông Vận tải tổ chức vào chiều 30/6/2023, một số doanh nghiệp có ý kiến chung quanh việc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng chỉ cho phép tàu chạy với tốc độ 20 hải lý. Doanh nghiệp cho rằng, vừa lãng phí công suất thiết bị, vừa gây chậm trễ trong vận chuyển hành khách, cần thiết nâng tốc độ lên từ 23 đến 25 hải lý/giờ. Trao đổi về vấn đề này, đại diện Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết, việc quy định tốc độ đối với tàu cao tốc chạy trên luồng Hải Phòng là 20 hải lý/giờ được thực hiện từ lâu. Hơn nữa, khi tính toán tốc độ đối với từng loại phương tiện, Cảng vụ phải xem xét và cân nhắc rất kỹ lưỡng để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy. Các doanh nghiệp khai thác tàu cao tốc cần nghiêm túc thực hiện vì an toàn cho các phương tiện khác và cho chính mình.

Ngoài phương tiện dày đặc trên luồng, điều kiện thủy văn cũng không cho phép phương tiện lưu thông trên luồng Hải Phòng đoạn luồng sông Cấm với tốc độ cao. Được biết, đoạn sông Cấm chảy qua thành phố Hải Phòng là hạ nguồn, thời điểm gặp nước chảy xiết, những phương tiện nhỏ rất khó điều khiển, gặp đúng lúc tàu cao tốc đi qua sẽ có nguy cơ va chạm cao. Vì vậy, hạn chế tốc độ trên luồng là cần thiết và phải nghiêm túc thực hiện. Không thể vì một vài tàu cao tốc mà có thể ảnh hưởng đến tính mạng, tàu sản của người dân và doanh nghiệp.

Để bảo đảm an toàn trên luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng, ngoài việc quy định tốc độ cho từng loại phương tiện, đối với tàu cao tốc, Cảng vụ Đường thủy nội địa Hải Phòng cần quy định giờ chạy tàu rõ ràng, để người điều khiển các phương tiện thủy khác biết thời gian tàu chạy để tính toán khi qua luồng an toàn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra thường xuyên qua hệ thống kiểm soát trên luồng, không để cho các tàu tự ý chạy vượt quá tốc độ cho phép; đồng thời cảnh báo phương tiện giảm tốc độ khi có tàu vào luồng chiều ngược lại. Nếu phát hiện có trường hợp vi phạm, cần nghiêm túc xử lý, từng bước chấm dứt tình trạng tàu chạy tốc độ cao quá quy định trên những đoạn luồng trọng điểm, bảo đảm an toàn cho các phương tiện khác và hệ thống cảng khu vực Hải Phòng./.

Mai Lâm

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Tổng duyệt Chương trình nghệ thuật “Hải Phòng Chào năm mới 2025 – Lễ trao giải, công bố biểu tượng thành phố Hải Phòng”

Tối 30/12, tại Quảng trường Nhà hát thành phố, Hội đồng Nghệ thuật thành phố…

30/12/2024

Lãnh đạo thành phố tiếp và làm việc với Đoàn công tác Chính phủ Lào

Sáng 30/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

30/12/2024

Bổ nhiệm 5 vị trí chủ chốt Công an TP Thủy Nguyên, Hải Phòng

Ngày 30.12, Công an huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) tổ chức lễ công bố các…

30/12/2024

Đẩy nhanh tiến độ di chuyển các cơ quan, đơn vị sang Trung tâm Chính trị-Hành chính Bắc sông Cấm trước ngày 30/4/2025

Sáng 30/12, các đồng chí lãnh đạo: Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng,…

30/12/2024

Được bảo lưu mức lương chức vụ cũ đến hết nhiệm kỳ nếu thôi chức do sắp xếp bộ máy

Theo dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công…

30/12/2024

Công bố Quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan, đơn vị ở Trung ương

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị…

30/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More