Y tế

Hạn chế tình trạng trở nặng ở trẻ em mắc Covid-19: Cần giải pháp kịp thời

Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em mới nhất, Bộ Y tế cho biết, phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hoá (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8 của bệnh. Tuy số ca bệnh nhi chuyển nặng và tử vong thấp, song hậu quả để lại rất phức tạp, nặng nề, đòi hỏi giải pháp để hạn chế tình trạng trở nặng ở trẻ em mắc Covid-19.

Theo thống kê của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, tháng 1, bệnh viện tiếp nhận 87 trường hợp trẻ mắc Covid-19 phải nhập viện thì tháng 2 lên tới hơn 1.127 ca bệnh nhập viện nội trú. Nhất là từ cuối tháng 2/2022, có ngày bệnh viện tiếp nhận 90 trẻ mắc Covid-19 nhập viện. Những ngày đầu tháng 3/2022, số trẻ nhập viện do mắc Covid-19 có giảm, song vẫn ở mức 50-60 cháu/ngày. Do số trẻ mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ, tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn, nhưng không vì thế mà gia đình chủ quan.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, bệnh nhi mắc Covid-19 có các triệu chứng lâm sàng ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày, trung bình là 4-5 ngày, giai đoạn khởi phát có một hay nhiều triệu chứng như: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ, tuy nhiên trẻ thường không có triệu chứng. Giai đoạn tiến triển bệnh, hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi; hay viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1-2 tuần.

Các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng điều trị cho bệnh nhi nhiễm Covid-19 tại bệnh viện.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Ngọc Hòa cũng cho biết, việc điều trị trẻ em mắc Covid-19 phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chuẩn trước và trong thời gian điều trị, chăm sóc; phân loại trẻ bệnh theo mức độ và điều trị theo các mức độ nặng của bệnh; bảo đảm trẻ được bú mẹ và dinh dưỡng hợp lý theo mức độ nặng của bệnh, bù nước điện giải, vật lý trị liệu, sức khỏe tâm thần; điều trị triệu chứng: hạ sốt giảm ho, giảm đau… Nếu có các triệu chứng bất thường như sốt > 38ºC; tức ngực; đau rát họng, ho; cảm giác khó thở; tiêu chảy; SpO2 < 96%; trẻ mệt, không chịu chơi; ăn/bú kém thì cần báo nhân viên y tế.

Điển hình trong thời gian qua, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp nhận bệnh nhi L.H.P, 10 tuổi, ở phường Bắc Sơn (quận Kiến An), vào viện trong tình trạng sốt cao, phù mu bàn tay và có xét nghiệm PCR dương tính với virus SARS-CoV-2. Người bệnh được chẩn đoán ban đầu là viêm mô tế bào bàn tay phải, theo dõi nhiễm trùng huyết, nhiễm SARS-CoV-2. Sau hai ngày điều trị, người bệnh còn sốt nhiều kèm theo xung huyết niêm mạc miệng, phù mu bàn chân, phát ban đỏ toàn thân, khó thở, mệt, bụng chướng… Cùng với đó là các xét nghiệm biểu hiện tình trạng tăng đáp ứng viêm hệ thống. Người bệnh được chẩn đoán bị hội chứng MIS-C thể giống Kawasaki, nhiễm SARS-CoV-2, theo dõi nhiễm trùng huyết và điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế. Sau điều trị, tình trạng người bệnh cải thiện tốt và được ra viện.

TS.BS Nguyễn Quang Chính, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khuyến cáo, việc theo dõi điều trị trẻ em mắc Covid-19 mức độ nhẹ tại nhà cần tuân thủ đúng quy định “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19” theo Quyết định số 528/QĐ-BYT ngày 3/3/2022 của Bộ Y tế. Theo đó, cần cho trẻ nằm phòng riêng, thoáng khí, có người theo dõi, chăm sóc 24/24 giờ. Về điều trị triệu chứng, cho trẻ uống hạ sốt Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần mỗi 6 giờ, khi nhiệt độ hơn 38,5ºC.

Thuốc điều trị ho ưu tiên dùng thuốc ho thảo dược; thuốc cân bằng điện giải như Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác; dung dịch nhỏ mũi 0,9% và thuốc điều trị bệnh nền (với trẻ có bệnh nền). Cho trẻ uống nhiều nước, bảo đảm dinh dưỡng, bú mẹ, ăn đầy đủ; vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng; hướng dẫn trẻ tập thể dục tại chỗ và tập thở ít nhất 15 phút/ngày (với trẻ lớn). Về theo dõi sức khỏe: đo nhiệt độ tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt; đo SpO2 tối thiểu 2 lần/ngày hoặc thấy trẻ mệt, thở nhanh, khó thở. Có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ (số điện thoại của trạm y tế, trạm y tế lưu động hoặc tổ cấp cứu lưu động của quận, huyện)…

Riêng đối với thuốc điều trị Covid-19, các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng khuyến cáo người dân không tự ý mua và cho trẻ dùng thuốc kháng vi rut, các loại kháng sinh, kháng viêm, chống đông máu… Thuốc dùng cho trẻ cần theo đơn của bác sĩ bởi thuốc khi đưa vào cơ thể đều có những tác dụng phụ nhất định. Các bác sĩ sẽ phải căn cứ vào thể trạng cụ thể của từng người bệnh để có những phác đồ điều trị và kê những loại thuốc phù hợp.

Theo Bộ Y tế hiện nay giới khoa học đã hiểu rõ hơn về nCoV từ cách lây truyền, cơ chế gây bệnh… Tuy nhiên việc điều trị bệnh vẫn hết sức khó khăn, cần tiếp tục nghiên cứu.

Biện pháp phòng bệnh giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong, là tuân thủ 5K, kết hợp với tiêm vắc xin cho trẻ, phát hiện sớm và phân tầng điều trị bệnh nhân phù hợp với mức độ nặng của bệnh.

VŨ DUYÊN

Nguồn tin: ANHP

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More