Hạn chế tình trạng tăng ca, làm thêm giờ quá quy định tại các doanh nghiệp: Bảo đảm quyền lợi người lao động

Khoản 2, Điều 106 Bộ luật Lao động quy định, số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ/tháng và 200 giờ/năm… Tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp, người lao động vẫn phải thường xuyên làm thêm giờ quá mức quy định, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, năng suất lao động…

Công nhân Công ty TNHH Thái Anh trong ca sản xuất.

Tăng ca triền miên…

Sáng 1-8, gần 1.000 công nhân Công ty liên doanh TNHH KaiNan bước sang ngày thứ 2 ngừng việc tập thể. Một trong những nguyên nhân khiến người lao động bức xúc, ngừng việc tập thể liên quan đến thời giờ làm việc. Chị Bùi Thị P., công nhân xưởng hoàn chỉnh cho biết, thời gian gần đây, công nhân thường xuyên phải làm thêm giờ từ 3-4 tiếng/ngày, có ngày xưởng hoàn chỉnh phải làm việc đến 11, 12 giờ đêm. Có thời điểm công nhân phải tăng ca liên tục trong 2 tuần, không được nghỉ thứ 7, chủ nhật. Chưa kể, người lao động không được thông báo về kế hoạch tăng ca nên luôn trong tình trạng “chỉ biết giờ đến, không biết giờ về”. Công ty chủ yếu là lao động nữ nên việc tăng ca triền miên khiến mọi sinh hoạt bị xáo trộn, sức khỏe suy giảm, kéo theo năng suất lao động không bảo đảm….

Bị ép sản lượng, thường xuyên tăng ca cũng là một trong nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ ngừng việc tập thể thời gian qua. Trong đó phải kể đến vụ ngừng việc tập thể của hàng nghìn công nhân các Nhà máy giầy An Lão, Nhà máy giầy Tiên Lãng trong tháng 6 vừa qua. Theo thống kê Liên đoàn Lao động thành phố, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 6 vụ ngừng việc tập thể của gần 6 nghìn người lao động. Nguyên nhân các vụ ngừng việc tập thể do việc thực hiện chính sách pháp luật lao động tại các doanh nghiệp chưa nghiêm, còn tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để vi phạm quyền, lợi ích người lao động, nhất là các vấn đề liên quan đến lương, thưởng, thời gian làm việc…. Nhiều doanh nghiệp xây dựng định mức lao động quá cao, thường xuyên tổ chức làm thêm giờ quá mức quy định tại Điều 106 Bộ Luật Lao động, dẫn đến mâu thuẫn trong quan hệ lao động….

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hoàng Đình Long, mặc dù thời gian qua, việc chấp hành pháp luật lao động trên địa bàn thành phố có chuyển biến tích cực, song thực tế, còn một số doanh nghiệp vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong đó có vi phạm về thời gian làm việc, thời gian làm thêm giờ. Cụ thể: người lao động thường xuyên phải làm thêm giờ mà không được thông báo hay thoả thuận từ phía người lao động, làm thêm quá số giờ quy định, không áp dụng mức lương làm thêm giờ theo quy định… Nhất là giai đoạn cuối năm, người lao động thường xuyên phải tăng ca, làm thêm giờ để hoàn thiện các đơn hàng của doanh nghiệp với số giờ làm thêm vượt quá nhiều lần so với quy định pháp luật. Việc thường xuyên phải tăng ca, thêm giờ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý người lao động, giảm năng suất lao động, gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Không chỉ vậy, đây còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong quan hệ lao động, kéo theo ngừng việc tập thể.

Để giải quyết tình trạng làm thêm giờ quá mức quy định, hạn chế ngừng việc tập thể liên quan đến vấn đề này, từ nay đến cuối năm 2018, Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp cơ quan chức năng tăng cường năng lực và hiệu quả thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách pháp luật nói chung và về vấn đề làm thêm giờ tại doanh nghiệp nói riêng, nhất là vào thời điểm cuối năm. Từ đó, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, yêu cầu doanh nghiệp công khai kế hoạch làm thêm giờ và thỏa thuận với người lao động theo đúng quy định pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Cùng với đó, các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở phát huy vai trò trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết bức xúc của người lao động khi có ngừng việc xảy ra; đẩy mạnh hoạt động thương lượng, duy trì tổ chức hội nghị đối thoại định kỳ, đột xuất nhằm giải quyết kịp thời kiến nghị của người lao động xây dựng tốt mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp…

Nhật Huy – Báo Hải Phòng 06/8/2018

Tin khác

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, tặng quà các gia đình chính sách huyện Thuỷ Nguyên

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7), chiều 17/7, Chủ tịch Quốc…

17/07/2024

Hiệu quả mô hình đào tạo kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi trên địa bàn thành phố trong dịp hè

Nghỉ hè là khoảng thời gian lý tưởng để phụ huynh đăng ký cho con…

17/07/2024

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng

Chiều 17/7, Đoàn công tác của Quốc hội do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy…

17/07/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More