Print Thứ Bảy, 26/01/2019 16:28

Hiện nay, nhiều hộ dân có nhu cầu đăng ký tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, vì vi phạm quy định pháp luật về đất đai, thủ tục xây dựng nên việc cấp đăng ký tài sản gắn liền với đất gặp khó khăn.

Gặp khó vì làm sai quy định

Mới đây, để có vốn đầu tư xây dựng trang trại, anh Đỗ Văn Minh, ở xã Hoà Bình (Vĩnh Bảo) thực hiện thủ tục thế chấp ngôi nhà 3 tầng. Tuy nhiên, khi anh làm thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Vĩnh Bảo phát hiện diện tích nhà anh tăng 30 m2 so với diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Do đó theo quy định, anh Minh phải làm thủ tục đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất, nộp tiền phần diện tích xây dựng tăng thêm. Cùng với đó, thời gian làm thủ tục đăng ký thế chấp tài sản trên đất của anh kéo dài hơn 15 ngày so với quy định. Đây chỉ là một trong số nhiều vi phạm ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục cấp đăng ký tài sản trên đất.

Nhiều hộ dân xây dựng mới khi chưa được cấp phép tại xã Đồng Bài, huyện Cát Hải.       Ảnh: Trung Kiên
Nhiều hộ dân xây dựng mới khi chưa được cấp phép tại xã Đồng Bài, huyện Cát Hải. Ảnh: Trung Kiên

Năm 2017, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện tiếp nhận và xử lý hơn 3400 hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Trong đó, có khoảng 40% số hồ sơ có vi phạm về thủ tục xây dựng như xây dựng không phép,  công trình xây dựng không đúng với giấy phép được cấp… Do đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất cho người dân bị kéo dài so với thời gian quy định. Nguyên nhân, người dân chưa nắm vững cũng như chưa tuân thủ nghiêm các quy định về xây dựng, chuyển nhượng tài sản trên đất. Đối với mỗi công trình xây dựng không đúng giấy phép, không có giấy phép, đều phải làm thủ tục xin ý kiến cơ quan quản lý quy hoạch, thời gian xử lý hồ sơ bị kéo dài. Tình trạng này xảy ra ở nhiều huyện như Cát Hải, Vĩnh Bảo…

Không được đăng ký tài sản trên đất, người dân bị thiệt thòi khi thực hiện các giao dịch liên quan tài sản trên đất; nhất là khi đăng ký thế chấp tài sản trên đất để vay vốn ngân hàng. Từ năm 2016, nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư Liên tịch 09/2016/TTLT/ BTP-BTNMT quy định cá nhân vay vốn tín dụng cần có GCNQSDĐ, tài sản trên đất. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng luôn yêu cầu người dân phải có giấy chứng nhận tài sản trên đất đã được Sở Tài nguyên-Môi trường xác nhận việc đăng ký thế chấp mới cho vay vốn.

Nâng cao nghiệp vụ cán bộ địa chính

Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên- Môi trường) Hà Quốc Việt cho biết: để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận tài sản trên đất, Sở chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh hướng dẫn các tổ chức, cá nhân làm thủ tục. Đồng thời, sở thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính. Trình tự thực hiện, danh mục hồ sơ được niêm yết tại bộ phận “một cửa” trên cổng thông tin điện tử của Sở và các quận, huyện. Thời hạn trả kết quả đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất được quy định cụ thể. Theo đó, thời hạn trả kết quả đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được quy định: đăng ký trước 15 giờ sẽ được trả kết quả trong ngày. Nếu nộp sau 15 giờ, việc giải quyết hồ sơ thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp hồ sơ có vướng mắc thời hạn giải quyết không quá 3 ngày làm việc.  Cùng với đó, sở tăng cường tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ địa chính các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng nhà ở của các hộ gia đình, cá nhân, trên địa bàn quản lý; không để xảy ra tình trạng xây dựng không phép hoặc xây dựng không đúng giấy phép xây dựng.

Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, về phía cá nhân khi sử dụng đất cũng cần tuân thủ nghiêm các thủ tục như: xây dựng nhà ở đúng giấy phép; chuyển nhượng, thừa kế, xin, cho đất theo đúng quy định. Khi xây dựng, phải thực hiện theo đúng diện tích được cấp phép. Có như vậy, công tác cải cách thủ tục hành chính về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất mới đạt mục tiêu đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân trong quá trình giao dịch tài sản liên quan đến đất.

(Nguyên Mai, Báo Hải Phòng 09/01/2018) 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hạn chế Tình trạng người dân vi phạm pháp luật về đất đai: Giám sát chặt tình hình xây dựng nhà ở
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác