Đô thị

Hạn chế tai nạn trên trục đường Bùi Viện-Nguyễn Trường Tộ: Cần có dải phân cách đúng tiêu chuẩn

Dải phân cách vỉa bê-tông dọc theo trục đường Bùi Viện-Nguyễn Trường Tộ đi qua các quận Hải An, Lê Chân, Kiến An và huyện An Dương có tác dụng phân chia làn đường dành cho ô tô với làn các phương tiện khác. Nhưng do công trình xuống cấp, nhiều nứt vỡ, mất phản quang lại nằm ở vị trí góc cua, những dải bê-tông này trở thành “bẫy” đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Dải phân cách bê-tông không an toàn

Sáng 9/8, hơn một tuần sau khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 2 người thương vong, hệ thống vỉa bê-tông trên đường Nguyễn Trường Tộ, đoạn qua địa bàn thôn Xích Thổ, xã Hồng Thái (huyện An Dương) bắt đầu được phá bỏ. Trước đó, vào khoảng 21 giờ ngày 1/8 tại khu vực ngã tư này, mô-tô mang BKS 14Z1-308.24 di chuyển theo hướng từ nút giao với quốc lộ 10 về cầu Lãm Khê (quận Kiến An) tự va chạm với vỉa bê-tông cùng chiều hướng đi. Hậu quả, 2 người trên xe là chị Phạm Thị Hồng D., trú tại thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) và Phạm Mai H., trú tại xóm Thía, xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) bị thương nặng được đưa đi cấp cứu. Đến 3 giờ sáng ngày hôm sau, chị Phạm Mai H. tử vong.

Dải phân cách bê-tông trên đường Nguyễn Trường Tộ, đoạn qua địa bàn thôn Xích Thổ, xã Hồng Thái (huyện An Dương) được phá bỏ, điều chỉnh sau vụ tai nạn nghiêm trọng ngày 1/8.

Trục đường Bùi Viện-Nguyễn Trường Tộ được đưa vào khai thác từ tháng 5/2020 với chiều dài hơn 19km, có 6 làn xe. Trong đó, đoạn đường Bùi Viện từ ngã ba đường liên phường Nam Hải (quận Hải An) đến cầu Lãm Khê và một số nút giao đường Nguyễn Trường Tộ với các đường nhánh trên địa bàn huyện An Dương có dải phân cách cứng bằng bê-tông để chia tách phần đường dành cho ô tô với các phương tiện khác trên cùng một chiều di chuyển.

Theo quy định tại Điều 85 Quy chuẩn 41:2019/BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, dải phân cách sử dụng lan can phòng hộ cứng xây cố định trên mặt đường có chiều cao trong khoảng 0,3m đến 0,8m phải được gắn tiêu phản quang hoặc sơn phản quang theo các quy định về bố trí tiêu phản quan và vạch kẻ đường vạch đứng. Như vậy, toàn bộ thành của dải phân cách phải được sơn phản quang kết hợp giữa vạch vàng và vạch đen hoặc vạch trắng và vạch đỏ. Trường hợp không sơn phản quang, phía đầu dải phân cách phải được lắp đặt tiêu phản quang được gắn công cụ phản quang bằng tấm nhựa hoặc kim loại phản quang bảo đảm người điều khiển phương tiện nhìn rõ vào buổi tối dưới ánh đèn pha ô tô đạt tiêu chuẩn trong điều kiện thời tiết bình thường ở cự ly 300 mét.

Khảo sát thực tế của phóng viên trên trục đường này vào chiều 7/8 cho thấy, không chỉ riêng tại nút giao trên địa bàn thôn Xích Thổ, mà gần như phần đầu mom của tất cả vỉa bê-tông dải phân cách dọc theo trục đường Bùi Viện-Nguyễn Trường Tộ đều bị vỡ, nát, sơn phản quang bong tróc, không còn tác dụng cảnh báo người điều khiển phương tiện giao thông. Trong khi đó, vị trí đặt dải phân cách cứng này đều nằm ở những góc cua rộng, khi các phương tiện di chuyển từ các đường nhánh có cốt nền thấp hơn, nên người điều khiển sẽ khó quan sát thấy các dải phân cách bằng bêtông này, nhất là vào buổi tối, thiếu ánh đèn chiếu sáng công cộng. Không chỉ mô-tô, xe gắn máy, ngay cả người điều khiển ô tô, chỉ một chút mất tập trung, thiếu quan sát có thể dẫn tới va chạm với dải phân cách, dẫn tới tai nạn. Thực tế, từ khi tuyến đường này được đưa vào khai thác, xảy ra nhiều vụ lật ô tô do đâm phải dải phân cách. Vị trí xảy ra nhiều nhất là các điểm giao tại thôn Xích Thổ; đoạn giao cắt với đường Đồng Xá (quận Hải An); đoạn gần Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 1507D (quận Kiến An).

Tu bổ, nâng cấp để bảo đảm điều kiện hoạt động

Trung tá Lê Anh Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an thành phố), đơn vị phụ trách công tác bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trường Tộ cho biết: Nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ tai nạn tự ngã trên tuyến vành đai này trong thời gian qua là do có nhiều đoạn dải phân cách cứng nằm trơ trọi, không liền mạch nhưng không có phản quang, vạch kẻ cảnh báo, trong khi hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hoạt động không ổn định vào tối và đêm. Đơn vị tổng hợp báo cáo lãnh đạo đơn vị đề nghị cơ quan quản lý tuyến đường có biện pháp bổ sung, nâng cấp để bảo đảm điều kiện hoạt động. Nhằm bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực này, đơn vị tăng cường các tổ công tác làm nhiệm vụ điều tiết giao thông tại những nút giao cắt; đồng thời phối hợp chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sinh sống trên địa bàn cách di chuyển an toàn qua các nút giao cắt.

Dải phân cách cố định bằng bê-tông trên trục đường Bùi Viện-Nguyễn Trường Tộ không bảo đảm quy chuẩn, gây nguy cơ mất an toàn. (Ảnh chụp ngày 7/8).

Anh Nguyễn Cường, Quản trị viên diễn đàn Luật Giao thông trên nền tảng Facebook cho rằng, để bảo đảm an toàn trên toàn tuyến trên cơ quan chức năng cần khẩn trương bổ sung hệ thống cọc tiêu hoặc sơn phản quang theo đúng quy định hiện hành. Tại các vị trí nút giao cắt, đoạn đường góc cua lớn, nên sử dụng dải phân cách di động bằng nhựa composite bên trong đổ cát, vừa để điều tiết giao thông vừa tránh thiệt hại về người khi xảy ra va chạm./.

Bài và Ảnh: Minh An

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More