Print Thứ Bảy, 26/01/2019 19:25

Từ đầu năm đến nay, trên vùng biển Hải Phòng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn tàu, thuyền của ngư dân. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn cho lao động biển không thể lơ là.

Tàu của ngư dân Thanh Hóa được cứu hộ trên biển Hải Phòng trong năm 2017.

Mới đây, ngày 6-6, Đồn Biên phòng Cát Hải cứu ngư dân Nguyễn Văn Luật, sinh năm 1972, trú tại xóm 6, xã Sông Khoai, huyện Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) bị chìm thuyền tại khu vực đèn Pa Lăng (huyện Cát Hải) do gặp phải sóng to. Trước đó, vào ngày 28-5, tàu cá mang biển số NA 94584 TS trong lúc đánh bắt hải sản trên khu vực Tây Bắc đảo Bạch Long Vỹ 30 hải lý bị vỡ hộp số, trôi dạt trên vùng biển này. 10 thuyền viên trên tàu được Cảnh sát biển kịp thời ứng cứu, kéo về đảo Bạch Long Vỹ. Trước đó, trong năm 2017, 8 tàu cá của ngư dân Hải Phòng gặp nạn, làm 4 người chết, 2 người mất tích. Nguyên nhân các vụ tai nạn trên, phần lớn do sự chủ quan của ngư dân: Không mang áo phao, phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc, đăng ký khai báo không chính xác vùng hoạt động, công tác trực canh, cảnh giới trên trên suốt hành trình chưa bảo đảm.

Hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển Hải Phòng có ngư trường khai thác rộng lớn, từ vùng biển ven bờ quanh các quần đảo Cát Bà, Long Châu cho đến đảo Bạch Long Vỹ và vùng đánh cá chung Việt Nam – Trung Quốc trên Vịnh Bắc bộ. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Thanh Xuân, hiện thành phố có 2890 tàu, trong đó có 1170 tàu (công suất dưới 50 cv) đánh bắt cá gần bờ và 720 tàu (công suất trên 50 CV) đánh bắt cá xa bờ. Nghề đi biển đánh cá thu hút gần 14 nghìn lao động. Có thể thấy nghề đi biển luôn là thế mạnh của Hải Phòng. Song, để nghề này phát triển, theo ngư dân Lưu Đình Dũng, phường Ngọc Hải (quận Đồ Sơn), vấn đề bảo đảm an toàn cho người đi biển luôn phải coi trọng. Được biết, năm 2018, thành phố hỗ trợ 78 tàu hoạt động thủy sản được lắp đặt máy VX1700 – máy xác định hành trình tàu, khu vực khai thác của tàu kết nối với trạm bờ của Tổng cục Thủy sản. Tuy nhiên, nhu cầu trang bị máy liên lạc trên của các tàu, thuyền rất lớn. Do vậy, thành phố tiếp tục hỗ trợ ngư dân trang bị đầy đủ thiết bị trên để bảo đảm an toàn khi đi biển.                     

Ở một số địa phương làm nghề đi biển như Đồ Sơn, Cát Hải hình thành tổ, đội tàu, thuyền đoàn kết giúp ngư dân bám biển, vươn khơi. Tuy nhiên, còn nhiều ngư dân chưa tham gia các tổ, đội liên kết này. Do đó, để bảo đảm an toàn khi khai thác thủy sản trên biển, mô hình liên kết trên cần được nhân rộng. Bên cạnh đó, khi đi biển, ngư dân cần nâng cao ý thức chấp hành và sử dụng, đầu tư đầy đủ trang thiết bị cần thiết, bảo đảm an toàn khi hoạt động trên biển; ghi nhớ các tần số cứu nạn khẩn cấp, số điện thoại liên lạc của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam và Đài thông tin Duyên Hải. Khi gặp sự cố trên biển, ngư dân cần gọi ngay đến Đài thông tin Duyên Hải gần nhất cũng như với các cơ quan ban ngành liên quan sớm nhất để được trợ giúp, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Về phía ngành Thủy sản tăng cường kiểm tra, rà soát nắm chắc số lượng tàu cá, lao động trên tàu cá, vùng hoạt động, trang thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị an toàn tàu cá, khu neo đậu trú bão của tàu cá tại các địa phương. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới, phối hợp với lực lượng biên phòng, UBND các cấp, Đài thông tin Duyên Hải thông tin kịp thời diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới cho các đội tàu, chủ tàu được trang bị hệ thống máy thông tin liên lạc tầm xa, các nghiệp đoàn nghề cá kêu gọi các phương tiện hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão an toàn.

Bùi Hương – Báo Hải Phòng 16/7/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hạn chế tai nạn lao động trên biển: Nhân rộng mô hình “Tổ, đội tàu, thuyền đoàn kết”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác