Print Thứ Bảy, 26/01/2019 23:04

Theo thông báo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc xảy ra 3.988 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 4.102 người bị nạn, trong đó có 384 người chết, 813 người bị thương nặng. Tại Hải Phòng, 6 tháng đầu năm 2018 xảy ra 85 vụ TNLĐ các loại  làm 8 người chết, 16 người bị thương nặng. Hải Phòng không nằm trong danh sách 10 địa phương trên toàn quốc có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trên bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động.

Nguy cơ tai nạn lao động ở mọi lĩnh vực

Thực tế cho thấy, ở mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều có thể xảy ra TNLĐ nếu người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động không chấp hành tốt các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Phân tích số liệu 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ ra rằng, TNLĐ xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực xây dựng. Tiếp đó là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; cơ khí, luyện kim; nông, lâm nghiệp và dịch vụ. Trong các nguyên nhân gây ra TNLĐ, nhiều nhất là ngã từ trên cao, điện giật, tai nạn giao thông, máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn, vật rơi, đổ sập, vật văng, bắn… TNLĐ xảy ra ở cả khu vực có quan hệ lao động và NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động; ở mọi loại hình cơ sở sản xuất: công ty cổ phần; công ty TNHH; doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể.

Tại Hải Phòng, có đầy đủ các ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp. Các ngành công nghiệp nặng như: đóng tàu, cán thép, luyện kim, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, lao động nghề biển… Đặc biệt, thành phố đang xây dựng rất nhiều công trình cầu, đường, nhà ở, khu công nghiệp lớn nên lĩnh vực xây dựng cần nhiều nhân công. Đây cũng là khu vực hoạt động có nguy cơ cao về mất an toàn lao động do sử dụng nhiều lao động thủ công. 6 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố xảy ra 85 vụ TNLĐ làm 8 người chết, 16 người bị thương nặng. Đây là con số đáng lưu tâm trong tình hình phát triển sản xuất kinh doanh ở mọi lĩnh vực của thành phố, cần hạn chế thấp nhất những TNLĐ nghiêm trọng. Bởi không chỉ thiệt hại về người (thiệt hại lớn nhất kéo theo nhiều hệ lụy) mà các vụ TNLĐ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều gia đình và công tác bảo đảm an sinh xã hội.

Công ty TNHH đóng tàu Damen-Sông Cấm luôn chủ động thực hiện các biện pháp an toàn vệ sinh lao động.

Trong ảnh: Công nhân  sản xuất tại các phân xưởng.

Từ phân tích các vụ TNLĐ xảy ra trên cả nước cho thấy, nguyên nhân chủ yếu xảy ra TNLĐ phần lớn do người sử dụng lao động không xây dựng biện pháp làm việc an toàn, nguyên nhân này chiếm gần ¼ tổng số vụ TNLĐ. Tiếp đó là do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; thiết bị không bảo đảm an toàn lao động; tổ chức lao động và điều kiện lao động chưa bảo đảm; người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động. Về phía NLĐ cũng thường mắc các lỗi như: vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; tai nạn giao thông…

Thực hiện nghiêm các quy định an toàn lao động

Từ tình hình TNLĐ, nguyên nhân xảy ra TNLĐ, hạn chế thấp nhất số vụ TNLĐ, nhất là TNLĐ chết người và bị thương nặng, cần các biện pháp chủ động phòng ngừa từ chính người sử dụng lao động, NLĐ cũng như sự phối kết hợp của các ngành, đơn vị có chức năng, trách nhiệm trong lĩnh vực bảo đảm an toàn lao động. Để chấn chỉnh, phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất TNLĐ, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng tại Hải Phòng, UBND thành phố có Chỉ thị số 39 “Chấn chỉnh công tác ATVSLĐ đối với các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố”. Theo đó, yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác ATVSLĐ trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ TNLĐ và an toàn trên công trình xây dựng tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phối hợp xác minh, điều tra, xử lý các vụ TNLĐ nghiêm trọng, chết người, nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu và những cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra TNLĐ theo quy định của pháp luật. Đối với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, chỉ thị yêu cầu thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước về ATVSLĐ; thực hiện tốt công tác phối hợp điều tra, xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị để xảy ra TNLĐ, nhất là những vụ TNLĐ nghiêm trọng; đánh giá, phân tích nguyên nhân các vụ TNLĐ, từ đó rút kinh nghiệm, tổ chức phổ biến rộng rãi, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng tránh TNLĐ tương tự tái diễn. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Chủ động phòng, tránh TNLĐ còn có vai trò của UBND các quận, huyện trong việc tổ chức tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tới NLĐ. Đồng thời thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý an toàn lao động trong thi công, xây dựng công trình thuộc thẩm quyền của địa phương. Song quan trọng nhất, để bảo đảm an toàn lao động, người sử dụng lao động và NLĐ cần có ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật lao động. Chủ sử dụng lao động phải tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ để phòng tránh rủi ro, phân công, bố trí NLĐ làm việc đúng ngành nghề, công việc được đào tạo, đồng thời tăng cường công tác quản lý máy, thiết bị; rà soát chấn chỉnh công tác quản lý kỹ thuật an toàn; cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ.

Bài và ảnh: Phương Nam – Báo hải phòng ngày 05/11/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hạn chế tai nạn lao động: Người lao động, doanh nghiệp cùng chủ động phòng ngừa
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác