Print Thứ Bảy, 26/01/2019 20:46

4/6 vụ ngừng việc tập thể trên địa bàn thành phố từ đầu năm 2018 đến nay xảy ra tại các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương Hải Phòng. Trong khi đó, theo Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Vũ Ngọc Thức, công đoàn cơ sở hoạt động mờ nhạt, chưa phát huy vai trò trong ngăn ngừa và xử lý ngừng việc tập thể…

Công đoàn cơ sở có vai trò quan trọng trong xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa.

Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Minh Thành trong ca sản xuất.

Vai trò mờ nhạt

Công đoàn ngành Công Thương Hải Phòng hiện quản lý 126 công đoàn cơ sở với hơn 42 nghìn lao động, trong đó hơn 34.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực da giày, may mặc… Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Vũ Ngọc Thức, thực tế, ở nhiều doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương hiện nay, hoạt động công đoàn cơ sở mờ nhạt, chất lượng hoạt động công đoàn chưa ngang tầm nhiệm vụ. Công nhân không biết chủ tịch công đoàn công ty mình là ai, có những doanh nghiệp đông công nhân (hơn 1.000 công nhân) nhưng cũng không có tổ trưởng công đoàn. Vì vậy, người lao động không biết phản ánh tâm tư, nguyện vọng, bức xúc với ai.

Đơn cử như vụ ngừng việc tập thể xảy ra vào ngày 31-7 và 1-8 vừa qua tại Công ty TNHH KaiNan (quận Lê Chân). Theo ý kiến của số đông người lao động, trước đó, công nhân nhiều lần bức xúc về việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến tiền lương, thưởng, thời gian làm việc…. của doanh nghiệp. Song, họ không gặp được cán bộ công đoàn cơ sở để phản ánh. Vào thời điểm xảy ra ngừng việc tập thể, chủ tịch công đoàn gặp trực tiếp người lao động, song, không những không giải quyết được bức xúc của người lao động mà còn khiến người lao động hoang mang khi trả lời “không biết chủ doanh nghiệp là ai”. Nhiều người lao động còn chia sẻ họ không rõ các thành viên của ban chấp hành công đoàn cơ sở do nhiều năm làm việc nhưng chưa được tham gia đối thoại, hội nghị người lao động… dẫn đến mâu thuẫn kéo dài.

Tương tự, ở Nhà máy giày An Lão, Tiên Lãng (Công ty TNHH Sao Vàng), công đoàn cơ sở không phát huy vai trò tại những doanh nghiệp này nhiều lần xảy ra ngừng việc tập thể (năm 2006, 2011, 2014, 2016) và ngừng việc tập thể kéo dài (3-5 ngày). Mới đây nhất là vụ ngừng việc tập thể xảy ra giữa tháng 6-2018 với hơn 2 nghìn người lao động. Chỉ khi Liên đoàn Lao động thành phố, Công đoàn ngành Công Thương hỗ trợ tổ chức đối thoại với người lao động, người sử dụng lao động, để điều chỉnh một số chế độ, chính sách phù hợp, người lao động mới quay trở lại làm việc.

Tập huấn kỹ năng xử lý ngừng việc tập thể tới cán bộ công đoàn

Nhằm củng cố vai trò công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, nhất là khi xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, cuối tháng 7 vừa qua, Công đoàn ngành Công Thương tổ chức cuộc thi cán bộ công đoàn giỏi với sự tham gia của 18 cán bộ công đoàn cơ sở. Với hình thức thi trắc nghiệm, xử lý tình huống, tập trung vào các tình huống liên quan đến mâu thuẫn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp, cán bộ công đoàn cơ sở không chỉ được nâng cao hiểu biết pháp luật lao động, mà còn bổ sung kỹ năng, kinh nghiệm xử lý tình huống mâu thuẫn quan hệ lao động, đối thoại với người lao động, chủ sử dụng lao động khi có ngừng việc tập thể xảy ra….

Ngoài ra, Công đoàn ngành Công Thương dựa theo đặc thù sản xuất, kinh doanh, sắp xếp, chia thành các khối thi đua: khối thi đua công đoàn doanh nghiệp da giày (17 công đoàn cơ sở), khối thi đua công đoàn doanh nghiệp may mặc (11 công đoàn cơ sở), khối dịch vụ siêu thị, khối công nghiệp cơ khí hóa chất, khối dịch vụ khác… Qua đó, cán bộ công đoàn các đơn vị có cùng đặc thù sản xuất, kinh doanh có điều kiện trao đổi kinh nghiệm trong thương lượng, đề xuất với người sử dụng lao động bảo đảm việc làm, quyền lợi, nâng cao phúc lợi cho người lao động… Từ sắp xếp theo các khối thi đua, Công đoàn ngành xây dựng kế hoạch, nội dung tập huấn cán bộ công đoàn phù hợp với tình hình hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, lao động của từng khối (ưu tiên cán bộ công đoàn mới tham gia ban chấp hành lần đầu); tổ chức khóa đào tạo kỹ năng xử lý tình huống mâu thuẫn trong quan hệ lao động, ngừng việc tập thể tới cán bộ công đoàn, tổ trưởng công đoàn với thời lượng 8-16 giờ. Công đoàn ngành Công Thương tiếp tục hỗ trợ công đoàn cơ sở xây dựng mối quan hệ đồng hành, phối hợp với ban lãnh đạo doanh nghiệp; vận dụng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở, tạo dựng được niềm tin của người lao động, người sử dụng lao động, xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, bền vững.

Bài và ảnh: Nhật Nam  – Báo Hải Phòng 24/8/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hạn chế ngừng việc tập thể: Cần kỹ năng xử lý từ cơ sở
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác