Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng tại Luật trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ do Bộ Công an đề xuất theo như chia sẻ của lãnh đạo Cục CSGT.
Luật TTATGT đường bộ do Bộ Công an đề xuất hiện đang là chủ đề được xã hội, người dân cũng như các chuyên gia, nhà khoa học và các bộ, ngành chức năng quan tâm. Trong đó, người dân cũng như xã hội dành sự quan tâm rất lớn về quyền hạn, hoạt động của lực lượng thực thi Luật là CSGT đối với người tham gia giao thông cũng như xử lý các vi phạm một cách minh bạch và hiệu quả.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Luật TTATGT đường bộ là một sự thay đổi lớn với phạm vi điều chỉnh bao quát nhiều vấn đề, tuy nhiên những thay đổi này đều dựa trên sự đánh giá hiệu quả, chắt lọc tinh hoa của thế giới sao cho phù hợp nhất với giao thông cũng như hệ thống Luật pháp Việt Nam. Từ đó tạo lập thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, hướng tới tiếp cận văn hóa giao thông của các nước phát triển.
Có nhiều tranh luận giữa của chuyên gia, nhà khoa học hay thậm chí là chính người dân về việc tách Luật sẽ mang tới nhiều quyền hạn hơn đối với lực lượng CSGT khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, thực tế dù tách Luật nhưng nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng CSGT hoàn toàn không hề thay đổi. Thay vào đó, trách nhiệm đối với lực lượng cảnh sát sẽ nặng nề hơn trước.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết thêm rằng, không phải chờ tới Luật TTATGT đường bộ vốn đang được xây dựng mà thực tế nhiều năm trở lại đây, Bộ Công an đã chỉ đạo, tiến tới cảnh sát giao thông sẽ hạn chế tối đa việc dừng xe trực tiếp. Thay vào đó, tăng cường sử dụng công nghệ hỗ trợ một cách tối đa lực lượng Công an mà cụ thể là CSGT làm nhiệm vụ. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp CSGT xử lý hầu hết mọi vấn đề về giao thông trong đó có xử phạt vi phạm, ngoại trừ một số vi phạm buộc phải kiểm tra trực tiếp như nồng độ cồn, ma túy… Ngoài ra, CSGT khi làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường đều phải đeo camera giám sát trước ngực.
Việc gắn camera trước ngực giúp lực lượng CSGT có thể ghi hình chính xác các trường hợp vi phạm, hạn chế người vi phạm không thừa nhận hoặc lẩn trốn khi bị phát hiện, góp phần giảm bớt các trường hợp vi phạm nhưng chống đối CSGT. Đồng thời, camera này cũng nhằm để theo dõi, giám sát và xác định được trách nhiệm của lực lượng CSGT khi thi hành công vụ một cách minh bạch nhất.
Một khúc mắc khác cũng là vấn đề được người dân, các chuyên gia và nhà khoa học quan tâm đó là Luật mới sẽ mang tới nhiều phiền hà về thủ tục hành chính. Nhất là khi việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe do Bộ Giao thông quản lý theo quy định của Luật Giao thông đường bộ từ năm 2008, được đề xuất chuyển sang Bộ Công an.
Giải đáp cho những khúc mắc trên, Đại tá Đỗ Thanh Bình khẳng định Luật mới sẽ không phát sinh thủ tục hay gây phiền hà cho người dân.
Mặc dù vấn đề trên chỉ là một phần nhỏ nằm trong Luật TTATGT đường bộ mới đang được đề xuất nhưng Bộ Công an đã có nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng dựa trên những kinh nghiệm có được từ các quốc gia phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc hay khu vực Châu Âu… Chúng ta cần phải lựa chọn các mô hình thành công và tương đồng văn hóa, dễ tiếp cận, dễ áp dụng.
Thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp tham gia sát hạch, đào tạo lái xe bởi đây là hoạt động được xã hội hóa. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép lái xe lại là hoạt động liên quan đến thủ tục hành chính thông thường của các cơ quan quản lý nhà nước. Việc quản lý cấp phép phải gắn chung với công tác quản lý sau cấp đối với người dân để đảm bảo TTATGT cũng như hạn chế vi phạm và các tai nạn có thể xảy ra.
Luật TTATGT đường bộ mới cũng quy định rõ các cơ chế công khai minh bạch bằng hệ thống giám sát, từ đó người dân có thể yên tâm về việc cơ quan quản lý sẽ thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình.
N. Thắng – P. Thủy