Trên toàn địa bàn TP Hải Phòng hiện còn 03 lò gạch thủ công, mỗi lò chiếm diện tích vài nghìn m2 đất.
Mặc dù lộ trình của Hải Phòng là phải xóa bỏ từ năm 2018 nhưng đến hiện tại các lò này vẫn đang hoạt động đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới đời sống của người dân sống quanh khu vực này.
Lò gạch thủ công tại xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng
Ở huyện Tiên Lãng hiện còn 02 lò gạch thủ công tại xã Toàn Thắng, xã Tiên Minh và 01 lò ở thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão. Mặc dù UBND thành phố Hải Phòng đã có chủ trương về việc chuyển đổi công nghệ của 03 lò gạch đất nung và yêu cầu các huyện nói trên thực hiện nghiêm việc dừng sản xuất từ cuối năm 2018 và tiến tới lộ trình xóa bỏ lò gạch này khi không đủ điều kiện cơ bản để chuyển đổi. Nhưng đến hiện tại việc xóa bỏ xem ra còn khó khăn.
Trao đổi về vấn đề này ông Trần Đình Nhuận – Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Tiên Lãng cho biết; Hiện nay tại địa bàn huyện còn tồn tại 02 lò gach nung khá lớn mặc dù UBND huyện đã có văn bản đôn đốc đối với lò không đủ điều kiện chuyển đổi dừng hoạt động để có phương án chuyển đổi sang kinh doanh, dịch vụ khác. Lò nào đủ điều kiện cần đẩy nhanh tiến độ theo hướng dẫn của các Sở ban ngành. Chính quyền cũng đã vận động chủ cơ sở của 02 lò này theo quy định nhưng đã gần 2 năm trôi qua kể từ khi có chủ trương xóa bỏ của thành phố thì đến nay việc này vẫn còn là bài toán khó bởi vướng nhiều khâu.
Ông Bùi Anh Tuấn – chủ cơ sở lò gạch ở xã Tiên Minh cho rằng; vẫn biết lộ trình của thành phố, huyện cần di dời hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác nhưng chúng tôi đang gặp khó cả về cơ chế lẫn chính sách trong đó có nguồn vốn. Mức đầu tư ban đầu chúng tôi bỏ ra một khoản kinh phí rất lớn tới hàng chục tỷ đồng để đầu tư cách đây vài năm. Nhà cửa hiện đã cầm cố tại ngân hàng, những tưởng việc kinh doanh này được lâu dài thì tôi mới đầu tư nhưng rồi sau khi thành phố thấy cần phải xóa bỏ các lò gạch này do liện quan đến ô nhiễm môi trường và cuộc sống của người dân. Trong khi kinh doanh chưa đủ vốn thì chúng tôi đã phải tính thay thế chuyển đổi ngành nghề. Dự định phía cơ sở sẽ chuyển đổi công nghệ sang sản xuất vật liệu không nung nhưng cái khó nhất là bố trí nguồn vốn chờ hướng dẫn từ các sở ban ngành.
Như vậy khó khăn lớn nhất mà các chủ lò gạch hiện đang gặp phải chính là nguồn vốn và chưa hoàn thành được việc chuyển đổi nên vẫn còn hoạt động của lò gạch cũ. Xóa bỏ các lò gạch thủ công là điều cần thiết và cần thực hiện theo đúng chủ trương của thành phố nhưng các Sở ban ngành cần quan tâm đến nguyện vọng chuyển đổi công nghệ của các đơn vị cho phù hợp với thực tế để các cơ sở này thực hiện theo đúng lộ trình./.