Thế mạnh nổi trội
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Hải Phòng có đủ 5 phương thức vận tải từ đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa. Đối với đường bộ, thông qua các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 5, 10, 37 và các tuyến đường cao tốc kết nối Hà Nội – Hải Phòng, các địa phương ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, từ thành phố Hải Phòng có thể nhanh chóng kết nối với Hà Nội hoặc với kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Sự kết nối của Hải Phòng vượt trội hơn khi cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam mang tên Đình Vũ – Cát Hải đã đưa vào sử dụng hơn 1 năm nay. Với điểm đầu nối từ đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và điểm cuối là cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện (huyện Cát Hải), tuyến cầu đường này không những đáp ứng yêu cầu khai thác cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, mà còn giúp giảm chi phí và thời gian đi lại, thúc đẩy phát triển công nghiệp vùng ven biển Hải Phòng và các tỉnh, thành phố lân cận.
Đường biển cùng hệ thống gần 40 cảng thương mại truyền thống, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện đã đưa vào khai thác với khả năng đón tàu trọng tải 100.000 DWT, ước tính tiếp nhận khoảng 900.000 TEU/năm. Điều này có thể đảm đương vai trò cảng cửa ngõ của cả khu vực phía Bắc, khu vực phía Tây Nam của Trung Quốc. Cảng này góp phần giảm thiểu thời gian chuyển tải các cảng như Singapore hay Hong Kong (Trung Quốc) và có thể đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Sự nổi trội của Hải Phòng còn là hơn 400 km đường thủy nội địa với 50 bến thủy nội địa, 6 bến phà, 3 cầu phao bắc qua sông và nhiều cửa sông lớn. Từ đó, giúp việc vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành trong cả nước rất thuận tiện; hỗ trợ giảm tải lưu lượng vận tải cho các loại hình giao thông khác.
Thêm nữa, Hải Phòng có cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã được nâng cấp theo tiêu chuẩn sân bay hiện đại cấp 4E có khả năng tiếp nhận các loại máy bay như Boeing 747, B777-300 , B777-200, A321 và các máy bay có tính năng tương tự, mở ra tương lai phát triển mới cho thành phố Cảng và vùng duyên hải Bắc Bộ.
Ông Ryu Nam Ki, Giám đốc tài chính Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam – Hải Phòng chia sẻ, trước khi chính thức lựa chọn đầu tư vào thành phố Hải Phòng, Tập đoàn LG đã xác định đây là 1 thành phố lớn có tiềm năng với các điều kiện vô cùng thuận lợi như: vị trí cảng biển, hệ thống logistics, nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng được cải thiện từng ngày với sự hỗ trợ của lãnh đạo thành phố. Tất cả những điều trên đã chứng minh được sự lựa chọn đúng đắn của tập đoàn khi đầu tư vào thành phố Hải Phòng.
Thành quả từ lợi thế
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã giúp cho kinh tế, xã hội của thành phố phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) thành phố năm 2018 ước đạt 16,25%, cao nhất từ trước tới nay, gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu Hải Phòng ước đạt 8,19 tỷ USD, tăng 22,55%. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 109 triệu tấn, tăng 18,43%; thu hút FDI ước đạt 2.400 triệu USD, vượt 100% so với kế hoạch năm.
Hải Phòng đã đón các nhà đầu tư lớn đến từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nổi bật là các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp với công nghệ hiện đại của Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu như: GE, LG Electronisc, LG Display, LG Innotek, Damen, Bridgestone, Nipro Pharma, Kyocera, Roze Robotech…Những dự án này đã kéo theo hệ thống các công ty vệ tinh đến đầu tư các dự án công nghiệp phụ trợ khác, góp phần hạn chế nhập siêu, tăng sự sôi động môi trường đầu tư thành phố và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương và các tỉnh lân cận.
Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng, Hải Phòng hướng tới trở thành đầu tàu động lực có sức lan toả của khu vực duyên hải Bắc Bộ về phát triển kinh tế, xã hội, là trung tâm công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao của cả nước, kết nối mạnh mẽ với thế giới, khu vực và các địa phương khác trong cả nước. Thành phố coi trọng thu hút các nguồn lực cho đầu tư, phát triển; huy động và thu hút tối đa nguồn vốn trong và ngoài nước thông qua các hình thức đầu tư đa dạng như BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao), PPP (hợp tác công tư)…
Hải Phòng tập trung xúc tiến đầu tư với các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và quốc tế với nhiều dự án có chất lượng, hiệu quả kinh tế, đảm bảo môi trường, phát triển bền vững và có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng đó, Thành phố định hướng đa dạng hóa các loại hình xúc tiến đầu tư nhằm phát triển khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải thành một trong những trung tâm kinh tế giao thương quốc tế hiện đại của khu vực duyên hải Bắc Bộ và cả nước. Khu kinh tế này còn là cửa mở ra biển chủ yếu của hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc.
Những lĩnh vực khác thành phố cũng sẽ tập trung thu hút đầu tư như: phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; sản xuất sử dụng công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ; chế biến nông sản gắn với quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp; các ngành dịch vụ gắn với cảng biển, cảng hàng không có giá trị gia tăng cao, trung tâm logistics quy mô khu vực.
Với chiến lược phát triển phù hợp với công nghiệp 4.0, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại với nền kinh tế kết nối, cạnh tranh trong vùng duyên hải Bắc Bộ, trong khu vực và thế giới trong tương lai gần.
Đoàn Minh Huệ – Báo tin tức 30/12/2018
Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More