Trước những hệ lụy
của tiền ảo, tiền kỹ thuật số đang diễn biến phức tạp và để lại nhiều hậu quả.
Việc phải siết chặt quản lý tiền ảo ở Việt Nam đang được các cơ quan chức năng ở
cả tầm vĩ mô và vi mô tăng cường quyết liệt…
Ảnh
minh họa
Hiện nay phần lớn các nước trên thế giới, trong đó có Việt
Nam không thừa nhận Bitcoin và các loại tiền ảo khác như Ethereum, NEO,
Ripple, Litecoin… là phương tiện thanh toán hay đồng tiền pháp định của
quốc gia mình. Đồng thời đều đưa ra những cảnh báo về sự rủi ro của các loại
tiền ảo cũng như khuyến nghị người dân không tham gia mua bán tiền ảo do những
đồng tiền này không được nhà nước bảo vệ nếu xảy ra rủi ro, tổn thất. Tiền ảo
Bitcoin không được công nhận chính thức về mặt pháp lý song nó vẫn tồn tại và
được một số nhà đầu tư cả trong và ngoài nước sử dụng trong giao dịch điện tử.
Điều đáng nói các đối tác có thể giao dịch trực tiếp với nhau mà không chịu sự
quản lý nào của cơ quan chức năng nên trong quá trình hoạt động sẽ phát sinh những tranh chấp thương mại và dễ bị tội phạm lợi dụng
để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền thật.
Trước đây, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã từng ra thông
báo khẳng định: “Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro
vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch.
Mặt khác, giao dịch Bitcoin có tính ẩn danh cao nên có thể trở thành công cụ
cho tội phạm như rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế”…
Trước những diễn biến phức tạp của giao dịch tiền ảo,
ngày 13-4-2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Chỉ thị
số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động
liên quan tới tiền ảo. Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức cung ứng dịch
vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện
giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù
trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển
tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo.
Tại Hải Phòng, UBND thành phố đã bắt đầu vào cuộc tăng cường
kiểm tra để phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tiền
ảo. Theo đó, ngày 16/4/2018, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 1933 yêu cầu
các đơn vị liên quan tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và
các loại tiền ảo tương tự khác. Công văn nêu rõ, UBND thành phố giao giao các sở
ngành, đơn vị, UBND các quận huyện tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp
thời theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tiền
ảo, đặc biệt là hoạt động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo
trên mạng internet qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm
đoạt tài sản.
UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì,
phối hợp với các sở ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, cảnh báo trên địa bàn
thành phố để nâng cao nhận thức của người dân về những rủi ro, hệ lụy liên quan
đến việc mua bán, giao dịch, đầu tư và kinh doanh tiền ảo.
Theo đó, NHNN chi nhánh thành phố yêu cầu các tổ chức tín
dụng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương và chỉ đạo của
Chính phủ, của NHNN Việt Nam, các quy định của pháp luật có liên quan đối với
hoạt động tiền ào, cảnh báo những rủi ro, hệ lụy liên quan tới mua bán, giao dịch,
đầu tư, kinh doanh tiền ảo để nâng cao nhận thức của người dân. Không được cung
ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ
trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ,
giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo
cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố,
gian lận, trốn thuế. Đồng thời tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch
đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch
mua bán, trao đổi tiền ảo; các tổ chức có hoạt động xử lý giao dịch mua bán,
trao đổi tiền ảo và có biện pháp xử lý đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về
phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và quản lý ngoại hối…
K.N