Văn hóa

Hải Phòng tung “độc chiêu” kéo khán giả ra khỏi máy lạnh, điện thoại… đến với sân khấu mỗi đêm

Trước việc ngày càng có nhiều khán giả “vùi đầu” vào các thiết bị công nghệ, quên mất thói quen thưởng thức các chương trình nghệ thuật biểu diễn trực tiếp, Sở VHTT Hải Phòng đã tung các “độc chiêu” để kéo khán giả đến với sân khấu.

Hải Phòng rộng cửa mời các đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ tài năng về biểu diễn

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện thành công Đề án “Sân khấu truyền hình“, Hải Phòng thể hiện quyết tâm đưa nghệ thuật tới gần hơn với công chúng khi công bố kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát Thành phố“. Theo đó, từ 1/7, vào các tối thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, Nhà hát Thành phố Hải Phòng sẽ thường xuyên có chương trình biểu diễn miễn phí phục vụ khán giả. Đó là các vở diễn hàn lâm, kinh điển, đặc sắc của thế giới và của Việt Nam thuộc nhiều loại hình nghệ thuật do các đơn vị nghệ thuật của thành phố, các Nhà hát Trung ương và tỉnh/thành phố bạn với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở Văn hóa và Thể thao cùng các sở, ngành, đơn vị của Thành phố.

Vở “Romeo & Juliet” mở màn cho kế hoạch sáng đèn Nhà hát Thành phố của Hải Phòng. Ảnh: BTC.

Mở màn cho kế hoạch này là ngày 1/7 và 2/7 vừa qua, vở Romeo và Juliet do NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng, diễn viên Thu Quỳnh (Nhà hát Tuổi trẻ), diễn viên Tiến Lộc (Nhà hát Kịch Hà Nội) cùng tham gia với diễn viên Đoàn kịch Hải Phòng và một số đơn vị nghệ thuật. Cùng thời gian này tại Nhà hát Tháng Tám có 2 chương trình biểu diễn: Ai rồi cũng sẽ khác và Đời cười của Nhà hát Tuổi trẻ. Hải Phòng thực hiện cơ chế mở, sẵn sàng mời những nghệ sĩ tài năng khắp cả nước tham gia các chương trình, đồng thời với các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cả nước khi tới biểu diễn tại Nhà hát lớn TP Hải Phòng đều được miễn phí hoàn toàn địa điểm.

Với sự hợp lực của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cả nước, chúng tôi tin tưởng rằng khán giả Hải Phòng sẽ được xem những vở diễn, những chương trình văn hoá nghệ thuật giải trí có chất lượng, có sự đầu tư. Kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát Lớn” sẽ trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn, một điểm biểu diễn nghệ thuật định kỳ cuối tuần cho đông đảo mọi tầng lớp khán giả yêu nghệ thuật. Triển khai Kế hoạch là nỗ lực của Hải Phòng để đa dạng hoá cách tiếp cận nghệ thuật của khán giả“, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng chia sẻ.

Nhà hát Thành phố Hải Phòng mang kiến trúc Pháp, một điểm nhấn độc đáo của thành phố đất Cảng. Ảnh: TL.

Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, Nhà hát Thành phố Hải Phòng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, có vai trò là nòng cốt trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội; là điểm hẹn văn hóa-du lịch đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần, nhu cầu giải trí của nhân dân. Chương trình “Sáng đèn Nhà hát Thành phố” tạo cơ chế khai thác Nhà hát thành phố không chỉ là địa điểm tham quan du lịch mà còn là nơi duy trì định kỳ, là điểm hẹn quen thuộc của khán giả và du khách đến thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật.

Với tư cách là một thành tố quan trọng của văn hóa, mỗi hoạt động văn hoá, biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Thành phố cũng chính là một bước phát triển của văn hóa dân tộc. Đây là minh chứng cho kết quả sáng tạo, việc kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đô thị, phát huy nguồn tri thức, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước và Thành phố, xem đó là tài sản văn hóa và là hệ sinh thái văn hóa bền vững của Thành phố và đất nước“, bà Trần Thị Hoàng Mai nói.

Nỗ lực kéo khán giả ra khỏi các thiết bị công nghệ

Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, khi chương trình “Sân khấu truyền hình” được tổ chức và rồi Kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát Thành phố” được triển khai, bà nghe rất nhiều người dân tâm sự rằng “mấy chục năm nay họ mới được xem nghệ thuật biểu diễn trực tiếp“. Các chương trình được lựa chọn diễn trong Kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát Thành phố” sẽ có phần khác với chương trình biểu diễn phục vụ người dân bằng sân khấu lưu động.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng phát biểu trong buổi công bố kế hoạch Sáng đèn Nhà hát Thành phố. Ảnh: TL.

Thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát theo tôi vẫn là hình thức tuyệt vời nhất. Khi diễn ở Nhà hát Lớn với đầy đủ mọi yếu tố từ sân khấu, trang thiết bị kỹ thuật âm thanh, ánh sáng hiện đại thì điều kiện cơ sở vật chất cũng như thưởng thức nghệ thuật sẽ được nâng cao hơn. Người dân có thể bày tỏ trách nhiệm của mình bằng việc mua vé để vào Nhà hát Lớn, nơi giúp cho nghệ thuật cũng như nghệ sĩ thăng hoa hơn nhiều“, bà Trần Thị Hoàng Mai cho biết.

Cũng theo Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng, trong xu hướng phát triển của thời đại 4.0 như bây giờ, có nhiều thứ khiến con người “ngại” đến với sân khấu. Họ vùi mình vào phòng có máy lạnh, tivi, điện thoại… Vì thế, những người làm nghệ thuật cần phải tạo ra nhiều hình thức mới để cho khán giả có cơ hội lựa chọn thưởng thức nghệ thuật. Sân khấu truyền hình cũng phù hợp với sự phát triển của xã hội trong thời đại công nghệ số.

Lãnh đạo TP Hải Phòng rất quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân với chính sách rất ưu việt mang nghệ thuật đến cho những người dân ít có điều kiện để thưởng thức nghệ thuật như chương trình Sân khấu truyền hình. Sau khi được truyền hình trực tiếp, các chương trình nghệ thuật trong Đề án sân khấu truyền hình sẽ được các đơn vị nghệ thuật mang đi biểu diễn phục vụ nhân dân ở ngoại thành, ở vùng sâu vùng xa… Với Kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát Thành phố” sẽ có thêm nhiều vở diễn lớn, chất lượng được đầu tư dàn dựng, cùng với các nhà hát Trung ương và các tỉnh lân cận biểu diễn tại Nhà hát Thành phố tạo nên một điểm đến văn hóa, nghệ thuật định kỳ.

Cảnh trong vở “Mưa đỏ” do NSND Thúy Mùi dàn dựng, biểu diễn hôm 22/7 tại Nhà hát Thành phố Hải Phòng. Ảnh: BTC.

Bên cạnh đó, các chương trình, vở diễn còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo điều kiện để công chúng và du khách tiếp xúc, hưởng thụ nhiều hơn nữa các loại hình nghệ thuật, các tác phẩm sân khấu hàn lâm, kinh điển, truyền thống, hiện đại đặc sắc, độc đáo.

Thúc đẩy hơn nữa việc phát huy tài năng, đổi mới sáng tạo, hình thành nên những sản phẩm văn hóa nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Khơi dậy truyền thống cách mạng, bề dày lịch sử; khẳng định vị thế, tiềm năng của Thành phố trong xu thế hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế“, bà Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ.

Đánh giá cao sáng kiến của ngành văn hóa, thể thao Hải Phòng, Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thị Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu chia sẻ: “Kế hoạch Sáng đèn Nhà hát Thành phố là chủ trương vô cùng thiết thực. Đây là một động lực, góp phần khích lệ, động viên các nghệ sĩ, nhà hát ở Hải Phòng cũng như tất cả các nghệ sĩ, các nhà hát được biểu diễn tại Nhà hát Thành phố. Cùng với sự phát triển chung của thành phố về mọi mặt, thời gian qua văn hóa Hải Phòng đã nhận được sự quan tâm để phát triển tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế để văn hóa thực sự là nền tảng, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển. Đặc biệt, sân khấu Hải Phòng đã được đáng giá là điểm sáng của cả nước từ phía lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, giới chuyên môn các Tỉnh, Thành phố bạn“.

Hà Tùng Long

Nguồn tin: Dân Việt

Tin khác

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2025

Sáng 16/12, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết…

16/12/2024

Vinh danh các nhạc sĩ, nghệ sĩ tại Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam 2024

Tối 15-12, tại Nhà hát thành phố, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với…

16/12/2024

Hải Phòng công bố kế hoạch hợp nhất 10 sở và nhiều ban, ngành

Thực hiện theo Nghị quyết 18 của Trung ương, TP Hải Phòng đã công bố…

14/12/2024

Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029

Sáng 14/12, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Hội Nhà báo thành phố tổ…

14/12/2024

Hải Phòng thu hồi gần 45.000m² đất cho mục đích quốc phòng

TP Hải Phòng vừa có quyết định thu hồi gần 45.000m² thuộc khu đô thị…

14/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More