Anh Đỗ Văn Tuấn, xóm 2, thôn Lý Nhân, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo (TP. Hải Phòng) sau khi được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm bằng rơm rạ tại địa phương đã quyết định bắt tay trồng nấm, bước đầu mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.
Trồng nấm thep quy trình VietGAP
Năm 2010, anh Tuấn chỉ đầu tư trồng thử nghiệm trên diện tích 200 m2, bằng nguồn vốn vay ngân hàng cộng với số vốn hiện có. Anh trồng thí điểm 2 loại nấm là nấm mỡ và nấm sò. Cây nấm phát triển rất tốt trong điều kiện của địa phương.
Trồng nấm vừa giải quyết được bài toán về ô nhiễm môi trường do việc đốt rơm rạ, vừa tạo ra được thứ sản phẩm giàu dinh dưỡng, sạch sẽ, an toàn, nấm của gia đình anh Tuấn được nhiều người ưa chuộng. Sản phẩm nấm trồng tới đâu bán hết tới đó. Có đầu ra ổn định nên gia đình anh sản xuất nấm quanh năm. Mỗi lần thu hoạch có lãi trong tay anh Tuấn lại tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích.
Cho đến nay, anh Tuấn đã xây dựng được một trang trại nấm với diện tích lên đến 2.500m2. Anh đã luôn cố gắng động viên mình bằng cách kiên trì vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm trồng nấm, kỹ thuật trồng nấm từ những người đi trước. Quy trình kỹ thuật trồng nấm, anh Tuấn chú trọng từ khâu thu gom rơm đến khâu xử lý, tưới nước, chuẩn bị đất, chăm sóc, quan sát các thời kỳ phát triển của nấm để có sự can thiệp kịp thời.
Anh Tuấn chia sẻ: Trồng nấm an toàn không hề khó nhưng phải tuân thủ đúng tiêu chuẩn sạch. Nguyên liệu trồng nấm cũng như nguồn nước tưới phải được cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm định chặt chẽ. Tuyệt đối hạn chế sử dụng phân bón hóa học, không phun thuốc trừ sâu và không sử dụng chất kích thích.
Mỗi năm bán ra 70-90 tấn nấm
Hiện nay, sản lượng các loại nấm của trang trại anh Tuấn trung bình gia đình anh đạt tới 70 – 90 tấn nấm/năm, với giá bán nấm dao động từ 25.000 – 50.000 đồng/kg, tạo điều kiện việc làm thường xuyên ổn định cho gần chục lao động tại địa phương, chưa tính lao động thời vụ.
Ngoài ra, anh Tuấn còn bao tiêu sản phẩm cho nhiều bà con trong Tổ hợp tác sản xuất nấm an toàn thực phẩm tại xã Vĩnh Phong mỗi ngày khoảng từ 300 -500 kg nấm thành phẩm. Anh còn nhập phôi nấm Đông trùng hạ thảo về gây trồng chế biến sản phẩm nấm cao cấp có tác dụng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, chống viêm nhiễm… được mọi người yêu thích.
Nấm của gia đình anh và Tổ hợp tác sản xuất được tiêu thụ 60% tại Hải Phòng, còn lại là thị trường Hà Nội và Hải Dương. Nhờ nguồn thu nhập từ nấm, đời sống của gia đình anh dần dần được cải thiện và có điều kiện đầu tư nâng cấp.
Tới đây, anh Tuấn tập trung vào đầu tư chuỗi nhà lạnh để trồng nấm cao cấp, những loại nấm vốn chỉ thích nghi trong điều kiện thời tiết mùa đông thì khi có nhà lạnh sẽ trồng được cả trong thời tiết mùa hè. Phấn đấu luôn đảm bảo nguồn sản phẩm ổn định để cung cấp cho thị trường quanh năm.
Bà Trần Thị Minh Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phong cho biết: Gia đình anh Tuấn đã thành công với mô hình trồng nấm theo kết quả đạt được. Nấm là sản phẩm sạch giàu dinh dưỡng, được nhiều người yêu chuộng. Mô hình trồng nấm của anh Tuấn cần được nhân rộng trên các vùng nông thôn để nông dân có cơ hội cải thiện thu nhập thêm cho gia đình.
Tới đây, sau khi dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, các hộ có diện tích và mặt bằng sẽ có điều kiện phát huy các mô hình sản xuất nói chung và đặc biệt là mô hình trồng nấm nói riêng trên địa bàn xã.
“Sản phẩm nấm của gia đình anh Tuấn và các hộ trong tổ Hợp tác sản xuất đã được thành phố Hải Phòng chọn làm sản phẩm tham tham gia chương trình mỗi địa phương 1 sản phẩm (OCOP)” – bà Phương chia sẻ.