Hàng trăm chợ truyền thống xen kẽ những “chợ cóc,” trải đều từ giữa nội đô về tới những vùng quê, đang không chỉ làm xấu đi bộ mặt của đô thị Hải Phòng mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy.
Trong những năm qua, Hải Phòng không ngừng được đầu tư kết cấu hạ tầng giúp bộ mặt đô thị thành phố ngày càng khang trang hơn.
Tuy nhiên, trong bức tranh sáng sủa đó, hàng trăm chợ truyền thống xen kẽ những “chợ cóc,” trải đều từ giữa nội đô về tới những vùng quê, đang không chỉ làm xấu đi bộ mặt của đô thị Hải Phòng mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực khác cho xã hội.
Theo chủ trương Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, những năm qua, Hải Phòng cũng đã mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng 12 chợ như: chợ đầu mối rau quả (Công ty trách nhiệm hữu hạn Phương Nghĩa làm chủ đầu tư), chợ Quán Toan (Công ty Cổ phần Long Sơn làm chủ đầu tư), chợ Cầu Vồng (Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Hải Hưng Thịnh đầu tư xây dựng), chợ thị trấn Vĩnh Bảo (Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và xây dựng Hải Phòng làm chủ đầu tư), chợ Đại Hà (Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Tiền Thảo đầu tư xây dựng, chợ Đại Hợp (Công ty Cổ phần Phi Long đầu tư xây dựng)…
Tuy nhiên, số chợ này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chung của thành phố cảng.
Ngoài chợ đầu mối hoa quả được xây dựng quy mô, các chợ khác hầu hết đều xây dựng ở quy mô cầm chừng, nhỏ lẻ. Các chợ được xây dựng chủ yếu bao gồm nhà mái tôn sắt đơn giản và phân chia lốt ngồi cho các tiểu thương.
Cùng đó, việc để phát triển một cách tự phát hệ thống “chợ cóc” đang gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Bên cạnh việc làm xấu đi bộ mặt đô thị văn minh, “chợ cóc” còn gây mất an toàn giao thông, tạo ra một hình thái phân phối hàng hòa vô tổ chức, khó kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh.
Kéo theo đó là cả một hệ thống sản xuất nông nghiệp manh mún, không theo quy hoạch. Có thể kể đến như chợ An Đà, chợ Đông Khê, chợ Con, chợ Lương Văn Can, chợ Cầu Tre…
Tại các chợ này, hiện có hàng trăm tiểu thương “buôn thúng, bán mẹt” lấn chiếm vỉa hè, lấy đường làm chợ một cách tự nhiên.
Ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, cho biết hiện việc thu hút các doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia đầu tư kinh doanh, quản lý chợ theo chủ trương còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là đầu tư chợ không mang lại lợi nhuận cao trong khi công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cháy nổ… khá phức tạp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khi đầu tư vào chợ cũng đối mặt với rủi ro là xây chợ xong không ai vào. Chợ Đông Hải 2 là một ví dụ. Chợ được Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Hướng Minh xây dựng hoàn thiện trên 5.000m2 với 300 kiốt rộng rãi, khang trang. Mặc dù đã hoàn thành chục năm nay nhưng chợ vẫn không có tiểu thương nào vào họp.
Trong khi đó, chỉ cách chợ này khoảng 1km, một “chợ cóc” hoạt động sôi nổi và ngày ngày chính quyền vẫn phải đi dẹp.
Từ những bất cập trên, tìm được hướng đi thúc đẩy phát triển chợ truyền thống đang là nhu cầu bức thiết và cần có giải pháp quy hoạch tốt hệ thống chợ truyền thống ở Hải Phòng.
Theo quy hoạch đến năm 2020, Hải Phòng sẽ có 151 chợ, trong đó có 9 chợ hạng 1; 20 chợ hạng 2; 117 chợ hạng 3 và 5 chợ đầu mối).
Năm chợ đầu mối gồm: chợ đầu mối rau quả tại quận Hồng Bàng, chợ đầu mối thủy sản tại Cát Bà (huyện Cát Hải), chợ đầu mối thủy sản tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, 2 chợ đầu mối nông sản tổng hợp tại các huyện An Lão và Kiến Thụy./.