Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND Hải Phòng tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30.
Theo ông Tùng, với chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh này, đã giúp Hải Phòng đạt được nhiều thành quả trong phát triển tế-xã hội. Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2005-2019 tăng 10,8%/năm, gấp 1,6 lần bình quân chung cả nước. Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm chính trị cùng sự điều hành linh hoạt trong phát triển kinh tế-xã hội, tăng trưởng GRDP thành phố đạt 12,32%, gấp 1,5 lần bình quân chung của cả nước, là năm thứ 7 liên tiếp Hải Phòng đặt mức tăng trưởng 2 con số. Tỷ trọng GRDP của thành phố trong GDP cả nước tăng từ 3,6% năm 2015 lên 4,4% năm 2020.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thành phố năm 2022 tăng trên 14% so với năm 2021; gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước. Công nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 đạt trên 53%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2022 đạt trên 108.000 tỷ đồng, vượt trên 18% dự toán Trung ương giao, vượt mốc 100.000 tỷ đồng.
“Chính vì vậy, thành phố Hải Phòng đã tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông để kết nối vùng, như: Cải tạo sân bay quốc tế Cát Bi, xây dựng tuyến đường bộ ven biển, cải tạo các nút giao thông nội đô. Đặc biệt là thành phố đã xây dựng nhiều cây cầu vượt sông để kết nối với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình. Phía tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng cầu Bạch Đằng và đưa vào hoạt động từ nhiều năm nay“, ông Tùng nhấn mạnh.
Hải Phòng còn có cầu Tân Vũ và hệ thống cảng quốc tế Lạch Huyện, vốn được xếp trong nhóm 21 cảng biển lớn nhất thế giới. Hiện 2 bến cảng nước sâu của cảng Lạch Huyện đã vượt công suất và đang tiếp tục đầu tư 4 cảng tiếp theo.
“Với sự quan tâm của Trung Ương và sự cố gắng của địa phương, Hải Phòng đã có hệ thống giao thông kết nối vùng tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho Hải Phòng trở thành trung tâm của khu vực“, ông Tùng khẳng định.
Để đạt được mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành trung tâm đô thị-dịch vụ-du lịch kết nối với khu vực và thế giới, trong các năm tới đây, Thành phố sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng.
Theo ông Tùng, Thành phố sẽ tập trung vào 6 nhóm giải pháp cụ thể. Trước hết, đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng. Trong đó, Thành phố sẽ sử dụng ngân sách của địa phương để xây dựng đoạn qua Hải Phòng tuyến cao tốc ven biển từ Ninh Bình qua Nam Đinh, Thái Bình, Hải Phòng; cải tạo mở rộng Quốc lộ 10 đoạn còn lại; cải tạo các tuyến đường thuỷ nội địa trên địa bàn. Đầu tư xây dựng và hoàn thiện các bến cảng còn lại tại cảng quốc tế Lạch Huyện. Đồng thời sẽ khởi động xây dựng cảng biển quốc tế Nam Đồ Sơn.
Thứ hai, đó là đầu tư mở rộng Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải, xây dựng và hoàn thiện nhiều khu công nghiệp để kêu gọi các nhà đầu tư về logistics và các nhà đầu tư về phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao.
Thứ ba là phát triển và mở rộng không gian đô thị theo 3 hướng mà Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể là phát triển đô thị hướng biển và di chuyển trung tâm chính trị hành chính của Thành phố về phía Bắc Sông Cấm. Phấn đấu đưa Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong các nhón thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.
Thứ tư là ưu tiên và tập trung đầu tư hạ tầng các khu du lịch tại đảo Cát Bà, Đồ Sơn để trở thành trọng điểm du lịch, trung tâm du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng đạt đẳng cấp quốc tế.
Thứ năm đó là tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn về phát triển điện gió tại khu vực Đảo Bạch Long Vĩ, tiến tới hạn chế hoạt động của các nhà máy nhiệt điện.
Và cuối cùng, ông Tùng đặc biệt nhấn mạnh việc tập trung cao độ cho việc hoàn thành Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng. “Vì đây đang là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của thành phố Hải Phòng“, ông Tùng cho biết.
Thu Lê